Bạn đọc viết:
Lịch sử khó hay chúng ta “thực dụng” với Lịch sử?
(Dân trí) - Phổ điểm Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cho thấy rõ sự “thực dụng” của người học, hầu hết điểm cao rơi vào nhóm thí sinh đăng ký xét tuyển đại học ở khối thi có môn Lịch sử, điểm thấp rơi vào nhóm thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT - nhóm thí sinh hiểu rằng, còn Giáo dục Công dân và Địa lí để “giải cứu” điểm số.
Năm cuối cấp THPT, tôi được chọn vào đội tuyển của tỉnh dự thi quốc gia môn Lịch sử, nếu mọi người cho đó là niềm tự hào thì tôi lại không cảm thấy vậy, tôi thường mặc định chỉ học sinh đội tuyển Ngữ Văn hay Toán mới là số 1. Nhưng với ý nghĩ nếu đạt giải sẽ được tuyển thẳng vào đại học nên tôi lao đầu vào học.
Kết quả kỳ thi quốc gia năm đó tôi đạt giải Khuyến khích, chỉ đủ để tôi được tuyển thẳng vào một trường cao đẳng. Vậy là tôi lại cắm đầu học cho mục tiêu vào đại học. Quả thật, những ngày miệt mài học đi học lại cho các kỳ thi cộng với trí nhớ khá đặc biệt đã giúp tôi thuộc làu làu Lịch sử.
Kỳ thi đại học, Lịch sử trở thành môn học quyết định “số phận” của tôi, tôi đỗ 3 trường đại học nhờ điểm số cao từ môn Lịch sử. 2 năm đầu đại học, Lịch sử vẫn giúp tôi có được điểm số tốt cho một số môn học đại cương như Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Đảng, Chính trị học…
Nhưng, sau đó, khi không còn học về Lịch sử nữa hay đúng hơn là không còn cần Lịch sử cho các mục tiêu của mình, tôi còn gì? Có lẽ chỉ còn vài sự kiện lịch sử trọng đại ở lại trong đầu tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn phải dừng rất lâu để nghĩ khi ai đó hỏi tôi về một địa danh hay thời điểm lịch sử.
Học Lịch sử khó không? Vào thời điểm cách đây 20 năm tôi cho là không khó, dù quả thật đây là môn học với quá nhiều dữ liệu thông tin bắt học sinh phải ghi nhớ. Nhưng đó là quan điểm của tôi, một người có lẽ “thực dụng” với môn Lịch sử, còn với đa phần bạn bè, đây là môn “khoai” nhất, “ngán” nhất và “khó kiếm điểm cao” nhất.
Hơn 20 năm sau, Lịch sử vẫn là môn “khốc liệt” nhất trong kỳ thi cuối cùng của đời học sinh và luôn đứng ở vị trí “đội sổ” về số lượng điểm dưới trung bình. Cứ mỗi mùa thi trôi qua, Lịch sử lại được nhắc trong sự xót xa, lo lắng; giáo viên Lịch sử lại canh cánh nỗi lòng.
Nhiều lí do được đưa ra để lí giải, người đổ cho nội dung chương trình chưa hấp dẫn, quá dài, người đổ cho phương pháp giảng dạy còn đơn điệu, người đổ cho giáo viên chất lượng chưa cao, chưa đủ tâm huyết, người đổ cho cách thi như hiện nay chưa phù hợp…
Những lí giải này không phải không có lí và cần phải có giải pháp để khắc phục. Nhưng đừng quên rằng, còn một lí do nữa quan trọng không kém, đó là động lực, mục tiêu của người học.
Phổ điểm Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cho thấy rõ sự “thực dụng” của người học, hầu hết điểm cao rơi vào nhóm thí sinh đăng ký xét tuyển đại học ở khối thi có môn Lịch sử, điểm thấp rơi vào nhóm thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT - nhóm thí sinh hiểu rằng, còn Giáo dục Công dân và Địa lí để “giải cứu” điểm số.
Hơn 20 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô giáo dạy Lịch sử mướt mải mồ hôi sau mỗi giờ giảng. Tôi tin vào tâm huyết của thầy cô, tôi càng tin không ai trong số giáo viên Lịch sử mong muốn năm nào cũng bị “réo tên đội sổ”.
Hơn 20 năm đã qua, tôi - một kẻ “thực dụng” với Lịch sử không còn nhớ quá nhiều sự kiện, thông tin lịch sử nhưng có một điều Lịch sử đã mang lại cho tôi trong suốt cuộc đời, đó là tình yêu với quê hương đất nước qua từng trang lịch sử.
Đừng quá bi quan, môn học Lịch sử hôm nay có thể chỉ “thực dụng” qua điểm số nhưng 20 năm sau những điều còn lại của Lịch sử trong mỗi người sẽ không có điểm số nào có thể chấm được.
Minh Thu