“Kỹ sư chân đất” chế máy phun thuốc, máy đào đất

(Dân trí) - Anh Võ Văn Phước (ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) được người dân trong vùng gọi là kỹ sư chân đất. Anh Phước có biệt danh này là vì anh đã sáng chế máy đào đất và cải tiến máy phun thuốc rất hữu dụng cho bà con trồng lúa ở địa phương.

Hơn 2 năm trước, anh Võ Văn Phước (sinh năm 1966) đã miệt mài tìm tòi, học hỏi và tự sáng chế ra một chiếc máy đào đất chuyên dụng để nạo vét mương, đường nước nội đồng… phục vụ trong việc tưới, tiêu cho lúa và hoa màu. Với kích thước đào đất chiều ngang 25 cm, chiều sâu 25 cm, bình quân mỗi giờ máy đào được một đường nước dài 1.000m, còn nạo vét đường nước thì máy sẽ nạo vét tới 1.300m. Mặc dù hiệu quả như vậy, nhưng tiền công đào 1.000m đường mương khoảng 1 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuê người đào 1.000m đường mương này phải tốn 2 triệu đồng.

Anh Võ Văn Phước vui vẻ bày tỏ: “Chiếc máy này vận hành rất nhanh, khi máy chạy khỏi cần người điều khiển mà đường nước được đào rất thẳng hàng. Công suất máy trong 1 giờ có thể thay thế từ 30 - 40 lao động đào đất bằng tay truyền thống. Do vậy, khi bà con dùng máy đào đất có thể tiết kiệm đến 50% chi phí.

Nông dân chế máy phun thuốc, máy đào đất… thay thế hàng chục nhân công (nhờ chị Thương xem cho mục Khoa học)
Chiếc máy đào đất, nạo vét mương của anh Phước có hiệu suất làm việc trong 1 giờ  bằng 30 - 40 người lao động.

Phấn khởi trước hiệu quả đạt được từ chiếc máy đào đất do mình sáng chế, đầu năm 2015, anh Phước tiếp tục cải tiến thành công và đưa vào sử dụng chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Chiếc máy này có dung tích tới 240 lít, phun rất nhanh so với phun bằng tay truyền thống và hạn chế cây lúa bị đổ ngã do dẫm đạp, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm giá thuê nhân công xịt rất nhiều…

Anh Võ Văn Phước nói: “Có máy phun thuốc tiện lắm. Vì trong 1 giờ mình có thể phun được 36 bình thuốc trong khi sử dụng bình phun thuốc truyền thống, một người phun thuốc  thuê giỏi chỉ được 5 bình/giờ. Hơn nữa, khi phun thuốc bằng tay sẽ không đồng đều như máy phun thuốc”.

Anh Nguyễn Văn Tân ở ấp K8 (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) canh tác 3,8 ha lúa đã rất hài lòng khi thuê anh Phước điều khiển chiếc máy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa trên mảnh ruộng của mình. Anh Tân cho biết:“Từ ngày có máy của anh Phước, bà con rất phấn khởi. Bởi, máy này phun thuốc rất đều và tiết kiệm công sức và tiền của. Vì nếu mình thuê nhân công trong một giờ chỉ phun được 5 bình thuốc (công phun 1 bình thuốc khoảng 10.000 - 15.000 đồng) trong khi đó chiếc máy phun thuốc của anh Phước phun tới 36 bình do vậy bà con tiết kiệm trên 300.000 đồng.  

Nông dân chế máy phun thuốc, máy đào đất… thay thế hàng chục nhân công (nhờ chị Thương xem cho mục Khoa học)
Đây là chiếc máy phun thuốc của anh Phước, nếu tính trong 1 giờ máy hiệu suất làm việc của máy gấp 6 -7 lần so thuê nhân công phun thuốc.

Để có được 2 chiếc máy hoạt động hiệu quả thiết thực nêu trên, anh Phước đã trải qua nhiều tháng miệt mài thiết kế trên giấy. Sau đó, do không am tường về cơ khí nên anh đem bản thiết kế của mình tìm đến xưởng cơ khí của anh Nguyễn Văn Hoàng gần nhà để thực hiện ý tưởng của mình và được anh Hoàng đồng ý hợp tác.

Anh Hoàng chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, nói chung cũng không phải là dễ và cũng không phải là quá khó đối với hai anh em chúng tôi. Để thành công mất khoảng 15 ngày và phải nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” thì hai chiếc máy mới hoàn thiện như mong muốn. Theo tôi hai chiếc máy này rất phù hợp cho bà con trong sản xuất nông nghiệp, vì máy gọn nhẹ dễ điều khiển, phù hợp với hộ gia đình”.

Nông dân chế máy phun thuốc, máy đào đất… thay thế hàng chục nhân công (nhờ chị Thương xem cho mục Khoa học)
Hiện anh Phước (người chỉ tay) đang tiếp tục phối hợp với anh Hoàng (người đứng bên cạnh) để cải tiến máy phun thuốc có thêm chức năng gieo sạ lúa giống và rải phân.

Hiện nay, anh Võ Hữu Phước đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến từ chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật này để có thêm các công năng nữa là gieo sạ lúa giống theo hàng và rải phân… Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên anh Phước gặp không ít khó khăn trong việc sản xuất ra thêm các loại máy trên và cải tiến thêm công năng mới của máy.

Ông Đoàn Văn Ân - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Long cho biết:“Anh Phước là một nông dân sản xuất giỏi và hết sức tích cực tham gia các buổi tập huấn, học hỏi những kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Từ đó, thời gian qua, anh tự nghiên cứu sáng chế ra máy đào ao, nạo vét mương rất hiệu quả và kế đến là anh Phước đã mạnh dạn cải tiến máy phun thuốc của một số anh em đã sáng chế ra nhưng chưa phù hợp với tình hình địa phương cũng rất thành công. Theo quan điểm của Hội Nông dân, chúng tôi hết sức hoan nghênh đối với tinh thần này và chúng tôi sẽ có đề xuất giúp anh Phước có đồng vốn để tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời nhiều chiếc máy đào ao, phun thuốc hợp với “lòng dân” hơn nữa”.

Trọng Trung - Nguyễn Hành