Khi sinh viên ca bài ca “im lặng”

(Dân trí) - Sinh vẫn luôn yêu cầu giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều bạn vẫn cho đó là trách nhiệm của giảng viên. Nhưng đã đến lúc sinh viên cũng phải nhìn lại chính cách học của chính mình…

Giảng viên giảng, sinh viên cũng… “giảng”

   

Tại một giảng đường ở nhà nối AB - Trường ĐH KHXH&NV:

 

- Giảng viên vào lớp: “Hôm nay chúng ta sẽ học về… Bài này gồm ba phần: phần 1 là..., phần 2…”

        

- Sinh viên cũng rôm rả: “Mày biết không, hôm qua tao và anh ấy đi chơi vui ơi là vui, mua được bao nhiêu thứ đẹp dã man…”

 

Đi qua lớp học, ai cũng tưởng lớp đang trong giờ thảo luận. Nhưng nghe kĩ sẽ thấy giảng viên và sinh viên đang “giảng” hai chủ đề khác nhau.

 

Tình trạng sinh viên không tôn trọng giờ giảng của giảng viên, không biết đến quyền lợi của mình và không biết mình đang làm ảnh hưởng đến người khác diễn ra khá phổ biến. Lí do được đưa ra là “giờ học chán quá”(!?).

 

Về phía giáo viên, nhắc nhiều cũng không thay đổi được gì, không còn cách nào khác là nhìn vào bốn bức tường để giảng cho khỏi bị ức chế, để hoàn thành bài giảng càng sớm càng  tốt.

        

Nhiều thầy đã phải thốt lên rằng: “Giá như các em bàn chuyện học rôm rả như “buôn chuyện” thì tốt biết  mấy”! Không biết là vì không hiểu hay cố ý mà sinh viên vẫn cười tươi như hoa.

  

Ngại... mở miệng, giơ tay

 

Giờ học môn biên tập của một lớp Báo chí:

 

- “Em nào có thể cho thầy biết: Một người làm công tác biên tập cần có những yếu tố gì?”

 

Im lặng. 5 phút sau thầy lại phải lên tiếng:

 

- “ Em nào? Em nào có thể trả lời?. Em nào… Nói sai cũng được, không sao. Sai thầy sửa, thiếu thì thầy bổ sung…”

      

5 tiết học cứ diễn ra như vậy, giảng viên như ra rả độc thoại, ra sức lôi kéo sinh viên nhập cuộc. Nhưng mãi chẳng có cánh tay nào giơ lên, không ai trả lời, 82 gương mặt “ngoan” hơn lúc nào hết.

Thầy dễ tính thì bỏ qua, thầy khó tính thì: “Các em không chịu suy nghĩ thì tôi buộc các em phải suy nghĩ”. Và thế là thầy bắt đầu “chỉ mặt đặt tên” từng người.

         

Sau nhiều lần như vậy, thầy cũng phải phát cáu mà than rằng: “Các em thụ động quá. Không chịu suy nghĩ. Các em đòi hỏi phải thay đổi phương pháp giảng dạy, phải trao đổi, thảo luận. Nhưng chính bản thân các em đang mâu thuẫn vì các em đâu học theo phương pháp mới đó”.

 

Không chỉ riêng 5 tiết môn biên tập hôm nay mà hầu như hôm nào cũng thế, ở lớp được xem là năng động nhất của trường này, giảng viên tích cực đưa ra câu hỏi để trao đổi nhưng rút cục lại phải “tự biên tự diễn” tất cả.

       

Thực tế đó không chỉ diễn ra ở một giảng đường mà khá phổ biến ở nhiều giảng đường khác.

 

Chúng ta liên tục kêu gọi đổi mới phương pháp dạy học, tăng tính tương tác giữa người dạy và người học nhưng nỗ lực chỉ từ một phía sẽ không thể mang lại kết quả. Thầy tích cực đặt câu hỏi, thì trò cũng phải tích cực “mở miệng, giơ tay”. 

 Bùi Hoa