Khắc phục tình trạng xa rời tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài

(Dân trí) - Hiện có khoảng gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài nhưng phần đông giới trẻ trong các cộng đồng người Việt quên dần hoặc không biết tiếng Việt, có nguy cơ trở thành lớp người ngày càng xa rời bản sắc văn hoá và cội nguồn dân tộc.

Ngày 22/10,  tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Hội thảo “Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài". Chương trình nằm trong khuôn khổ chương trình Đoàn phóng viên, báo chí kiều bào về nước làm việc năm 2013.

Nhạt nhòa tiếng mẹ đẻ

Theo Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu của các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, những hoạt động này diễn ra với các mức độ và kết quả khác nhau.

 Ở một số quốc gia như Australia, Canada, Mỹ, Nhật, Pháp..., tiếng Việt khá được coi trọng, thậm chí tiếng Việt còn được chính quyền sở tại nhiều nước công nhận như một ngôn ngữ chính thức, được giảng dạy ở cấp tiểu học, trung học và đại học. như ở Pháp, tiếng Việt được Bộ giáo dục Pháp công nhận như một ngoại ngữ chính thức trong các kỳ thi tú tài hoặc tuyển sinh vào đại học…

Tuy nhiên, tham luận tại hội thảo, nhà báo Ngô Tiến Điệp - Liên bang Nga cho biết, thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba, thứ tư ở Nga đang ngày càng bị xa dần với tiếng dân tộc của mình, khiến tiếng Việt bị mai một, nhạt nhòa dần.
 
"Thật buồn khi chúng ta phải chứng kiến chính những đứa con, đứa cháu của mình phát âm sượng sạo, ấp úng, lắp bắp khi dạ, thưa bằng tiếng Việt trong khi lại nói rất trôi chảy bằng tiếng bản địa” - nhà báo Điệp xót xa.

Phân tích nguyên nhân trên, nhà báo Ngô Tiếp Điệp cho hay: “Người Việt ở Nga hiện nay chủ yếu là những tiểu thương, mưu sinh bằng công việc buôn bán, không có nhiều thời gian gần gũi để chăm sóc, chỉ bảo thường xuyên cho con cái mình. Đa phần trẻ Việt được gửi cho các bảo mẫu người Nga nuôi từ khi bắt đầu chập chững biết đi. Khi đến tuổi đi học, trẻ Việt cả ngày ở trường, học nét ăn, nét ở, nét sinh hoạt của người Nga. Hơn nữa, phần đông cha mẹ các cháu không đánh giá cao tầm quan trọng của việc giáo dục ngôn ngữ, về nết ăn, nết ở theo phong tục Việt cho trẻ em, thường xuyên phó mặc cho nhà trường, xã hội. Sự nhận thức hời hợt đó đã dẫn đến việc nhiều thanh, thiếu niên Việt ở Nga hiện nay không hiểu về lối sống, văn hóa Việt Nam”.

Còn tại Mỹ, nói về hiện trạng của việc bảo tồn văn hóa và tiếng Việt, ông Lê Vũ, đại biểu Mỹ cho biết: “Khi mới di dân tới Mỹ, đa số không biết tiếng Anh, không biết văn hóa Mỹ, và không có tay nghề trong tay. Ưu tiên đầu tiên là tồn tại. Cha mẹ bươn chải đi làm, lắm khi hai ba công việc cùng một lúc. Con trẻ phó mặc cho trường Mỹ. Sau một thời gian, khoảng cách “xung đột văn hóa” giữa con cái và cha mẹ bắt đầy nảy sinh. Đây là một vấn nạn khá phổ biến trong cộng đồng người Việt tại Mỹ và hầu như không có một nỗ lực cứu vãn nào. Mỗi gia đình tự đối phó lấy. Những sinh hoạt mang tính cách văn hóa như lễ hội và dạy Việt ngữ cuối tuần chỉ mang lại một số kết quả giới hạn. Những em Việt kiều trở về Việt Nam với sự lạ lẫm và cách biệt văn hóa phản ánh phần nào hiện thực tại hải ngoại”.

Phải thực sự coi tiếng Việt là một tài sản!

Phải thực sự coi tiếng Việt là một tài sản!

Nhà báo Ngô Tiến Điệp kiến nghị: “Việc dạy học tiếng Việt ở Nga hiện nay đang diễn ra tự phát, riêng lẻ mà chưa đưa vào trong một lộ trình cụ thể. Đối tượng học sinh cũng không toàn diện. Cho nên, việc dạy học chỉ mang tính chất tạm thời. Muốn xây dựng và phát triển lâu dài tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài cũng như phát triển ngôn ngữ Việt Nam trên đất Nga thì cần phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể, khoa học và sát thực”.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho biết: “Trước hết, là trách nhiệm của các cơ quan liên quan như Bộ GD-ĐT, Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan làm công tác giáo dục, báo chí, truyền thông cần nhận thức rõ một vấn đề quan trọng mà chúng ta đang đề cập đến. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ, giáo dục các thế hệ người Việt ở nước ngoài quan tâm tới việc giữ gìn bản sắc dân tộc bắt đầu bằng việc giữ gìn tiếng nói. Phải thực sự coi tiếng Việt là một tài sản, "một của cải lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc" (Hồ Chí Minh) thì mới thấy có trách nhiệm giữ gìn và yêu quý tiếng Việt đã có từ hàng ngàn năm nay”.

TS Kỷ cho đề nghị: “Cần biên soạn các bộ sách dạy tiếng Việt cho các lứa tuổi, về một số ngôn ngữ có đông người Việt ở nước ngoài sử dụng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách dạy, cách học cho một số giáo viên, tình nguyện viên nòng cốt ở một số nước. Hình thành, phát triển các trung tâm dạy tiếng Việt ở nước có đông người Việt. Cần phải có một hệ thống giáo trình chuyên dụng, soạn riêng cho con em người Việt theo các độ tuổi, trình độ khác nhau. Nội dung giáo trình cũng phải khác, giới thiệu được những tri thức cơ bản của tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua các văn bản điển hình, mang sắc thái tâm hồn người Việt... Ngoài ra, cần lưu ý tới việc biên soạn các cuốn từ điển tiếng Việt riêng cho người Việt ở nước ngoài... Đặc biệt, báo chí phải vừa là người tuyên truyền, nêu tấm gương vè giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt nói chung, vừa phải đẩy mạnh tuyên truyền việc dạy và học Tiếng Việt cho đồng bào ta đang sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài”.
 
Bà Nguyễn Thanh Hằng, báo Đoàn kết, Hội người Việt Nam tại Pháp mong muốn: "Báo chí trong nước cũng cần  đưa nhiều tin chất lượng, nội dung súc tích hơn. Và nên tăng cường các bản tin song ngữ”.
 
Theo bà Hằng, ở Pháp đã có cuốn “Nước Pháp dễ hiểu”. Nếu Việt Nam biên soạn được một cuốn như “Việt Nam dễ hiểu” - với những câu đơn, giải thích văn hóa, lịch sử Việt Nam, in song ngữ càng tốt như vậy việc phổ biến Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ ngày càng thuận lợi hơn”.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng, Viện KHGD Việt Nam cho biết: “Bộ GD-ĐT đã tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt hai chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm Chương trình dạy tiếng Việt cho thanh, thiếu niên (Tiếng Việt vui) và Chương trình dạy tiếng Việt cho người lớn (Quê Việt).  Trước khi hai bộ sách được in chính thức để phát hành rộng rãi, ba đoàn dạy thử nghiệm sách đã được cử đi Thái Lan, Cộng hòa Pháp, Mỹ và một số nước Trung và Đông Âu (CHLB Đức, CH Séc và Ba Lan) để tìm hiểu về nhu cầu học tiếng Việt, giới thiệu về hai bộ sách tiếng Việt của Đề án và dạy mẫu, hướng dẫn cho giáo viên dạy tiếng Việt tại các nước này.  

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, khâu khó khăn nhất đối với việc triển khai dạy theo hai chương trình và hai bộ sách mới (Tiếng Việt vui và Quê Việt) chính là đội ngũ giáo viên đảm nhiệm việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

“Với đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt của Hội người Việt Nam ở hầu hết các nước hiện nay là những người không được đào tạo theo các khoa sư phạm, không có chuyên môn về tiếng Việt nên việc dạy tiếng Việt khó đảm bảo được chất lượng. Rất mong Nhà nước có chương trình hỗ trợ để nâng cao hiệu quả việc đạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” - bà Yến kiến nghị.

Hồng Hạnh