Hướng dẫn mới nhất về thi trắc nghiệm 2006

Khi tô các ô tròn, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô. Tuyệt đối không gạch chéo, hoặc đánh dấu vào ô được chọn. - Đó là một trong số những lưu ý mà hướng dẫn mới nhất về bài thi trắc nghiệm 2006 nêu ra.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 học sinh (HS) lớp 12 chính thức thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ. Các câu trắc nghiệm dùng trong các đề thi ngoại ngữ đều là câu nhiều lựa chọn. Hướng dẫn thi trắc nghiệm Bộ GD - ĐT ký ban hành sáng qua (20/10) gửi các Sở GD - ĐT và các đơn vị thực thi cả nước.

 

Theo đó, các đề thi ngoại ngữ (tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung) được ra hoàn toàn dưới hình thức trắc nghiệm cho thí sinh học chương trình phân ban và thí sinh học chương trình không phân ban. Câu trắc nghiệm lựa chọn có 2 phần: phần đầu được gọi là phần dẫn, nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần thiết hoặc nêu một câu hỏi; phần sau là phương án để chọn, được đánh dấu bằng các chữ cái A, B, C, D...

 

Phương án để chọn chỉ có duy nhất một phương án đúng. Nếu không nắm vững kiến thức về vấn đề đã nêu, thí sinh không thể nhận biết được trong tất cả các phương án để chọn đâu là phương án đúng.

 

Khi thi trắc nghiệm, thí sinh mang vào phòng thi bút mực (hoặc bút bi), bút chì đen loại mềm (2B...6B), gọt bút chì và tẩy chì. Nên mang theo đồng hồ để theo dõi thời gian làm bài. Mỗi đề thi tốt nghiệp THPT trắc nghiệm có khoảng 50 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài là 45 phút; đề thi ĐH, CĐ có từ 70 đến 100 câu làm trong thời gian 90 phút.

 

Đề thi do Bộ GD - ĐT tổ chức biên soạn trong phạm vi kiến thức, thang điểm và yêu cầu giám sát, bảo mật... Đề được in sẵn và có nhiều phiên bản do máy tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A. B, C, D. 

 

Bộ GD - ĐT cho biết, khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng hoặc đúng nhất và tô kín ô tròn tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu trả lời trắc nghiệm.

 

Thí sinh cần lưu ý:

 

- Không dừng lại quá lâu trước một câu hỏi nào đó; nếu không làm được câu hỏi này thí sinh nên tạm bỏ qua để là câu hỏi khác.

 

- Làm đến câu hỏi nào thí sinh tô ngay câu đó vào phiếu trả lời, tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm để đỡ mất thời gian.

 

- Khi tô các ô tròn, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô. Tuyệt đối không gạch chéo, hoặc đánh dấu vào ô được chọn.

 

- Ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô tròn; khi câu trắc nghiệm có 2 hay nhiều khả năng đúng thì chỉ tô 1 ô tròn ứng với khả năng đúng nhất; nếu tô 2 ô trở lên máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm.

 

- Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy sạch chì ở ô cũ và tô kín ô khác mà mình lựa chọn.

 

- Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải trùng với số thứ tự câu hỏi của đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu hỏi này nhưng tô vào hàng của câu hỏi khác trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

 

- Chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh.

 

- Để cho bài làm của thí sinh được chấm bằng máy thí sinh phải giữ cho phiếu sạch sẽ, không được làm rách, làm nhàu hoặc có vết gấp, mép giấy bị quăn.

 

- Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi. Bài có dấu hiệu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.

- Trong quá trình làm bài thí sinh có thể viết nháp trên giấy nháp, nhưng không được phép chép lại bất cứ câu hỏi nào của đề thi ra giấy. Lưu ý cuối cùng là bài làm phải có 2 chữ ký của 2 giám thị phòng thi.  

 

Bài thi trắc nghiệm của thí sinh được niêm phong từ Hội đồng thi và chuyển về những trung tâm chấm thi do Bộ GD - ĐT tổ chức theo vùng (Bắc, Trung, Nam) hoặc các Hội đồng chấm thi tự trang  bị máy chấm. Chấm thi trắc nghiệm được thực hiện trên máy quét chuyên dụng với phần mềm chấm thi. Kết quả chấm thi được gửi về Hội đồng thi và tuyển sinh các cơ sở giáo dục và đào tạo, các trường ĐH nơi thí sinh dự thi.

 

Bộ GD - ĐT chỉ đạo các Sở GD - ĐT phổ biến các trường THPT, THCN, các ĐH, học viện , các trường ĐH, CĐ (khối D) thông báo cho thí sinh; Cục nhà trường (quân đội) phổ biến cho các đơn vị liên quan.

 

Kế hoạch triển khai chuẩn bị và thi trắc nghiệm

 

- Tháng 11/2005 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tổ chức thí điểm thi ở một số vùng miền (sẽ có thông báo riêng). Mục đích cuộc thi để khảo sát trình độ HS lớp 12 và định cỡ đề thi; không tính điểm vào kết quả học tập của HS.

- Từ tháng 12/2005 tiến hành tập huấn về in sao đề thi, coi thi và chấm thi trắc nghiệm cho tất cả các Sở GD - ĐT, các trường ĐH.

 

- Tháng 1/2006 tổ chức thi thử trắc nghiệm ngoại ngữ cho HS đang học lớp 12 trên toàn quốc để tập dượt. Điểm thi thử không tính vào kết quả học tập của HS, nhưng kỳ thi phải được tiến hành nghiêm túc, với đầy đủ yêu cầu của một kỳ thi chính thức (từ khâu ra đề thi ở Bộ, in sao đề và coi thi ở cở sở, chấm thi ở trung tâm, báo kết quả thi).

 

Ngoài kế hoạch chung, các Sở có thể chủ động đề ra kế hoạch tập dượt trong phạm vi địa phương.

 

 

Theo Vietnamnet