Hội tụ trí tuệ và nhiệt huyết để nâng cao chất lượng môn tiếng Anh

Ngày 27/6 vừa qua tại Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh để khẳng định ưu thế của trường chất lượng cao”. Đây là nơi gặp gỡ của trí tuệ và nhiệt huyết của những người thầy trong và ngoài nước để cùng bàn về nâng cao chất lượng học tiếng Anh.

Hội thảo có sự góp mặt của ông Bùi Văn Khiết – Chuyên viên Sở GD-ĐT Nam Định cùng đại diện Ban giám hiệu của các trường ở thành phố Nam Định (Trường THPT Nguyễn Khuyến, trường THCS Lê Quý Đôn, trường THCS Nguyễn Hiền).
 
Hội tụ trí tuệ và nhiệt huyết để nâng cao chất lượng môn tiếng Anh

Mở đầu cuộc hội thảo, cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú bày tỏ: “Từ ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam (28/6), chúng ta họp mặt bên nhau bàn về nâng cao chất lượng. Từ năm nay, ngày 28/6 cũng sẽ là ngày của đại gia đình Phan Huy Chú. Để mọi thành viên đang công tác, giảng dạy trọng ngôi trường có một ngày đánh dấu thêm sự gắn kết cùng nhau, trong gia đình lớn mang tên nhà sử học Phan Huy Chú”

Cô Nhiếp cũng cho biết, từ năm học 2013 – 2014, trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa đã phối hợp với Trung tâm ngoại ngữ E-Connect xây dựng và triển khai đề án tăng cường Tiếng Anh cho học sinh bằng việc tổ chức học Tiếng Anh với giáo viên bản ngữ cho học sinh. Qua hai năm học, nhà trường đã nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá cao của phụ huynh và học sinh.

Trong tháng 5 vừa qua, trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa vui mừng được UBNDTP, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công nhận là trường chất lượng cao đầu tiên của toàn Thành phố Hà Nội. Chính vì thế việc nhà trường tổ chức hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh để khẳng định ưu thế của trường chất lượng cao” là việc làm rất ý nghĩa với sự phát triển chất lượng của nhà trường.

Trường chất lượng cao phải có giáo viên “chất lượng cao” 

Theo quan điểm của cô Nhiếp, việc chọn cho học sinh được học nâng cao môn Tiếng Anh do giáo viên bản ngữ dạy là con đường đúng. Đúng, vì có mục tiêu sáng rõ tất cả vì học trò. Đúng, vì chọn được đối tác tâm huyết và tiềm năng như Trung tâm ngoại ngữ E-Connect. Đúng, vì đáp ứng được cả 5 tiêu chí của trường chất lượng cao và ngày càng ở mức tốt hơn.

“Chỉ có thể hợp tác ổn định, phát triển và bền vững trên nền tảng chất lượng thực sự và chất lượng không ngừng được nâng cao. Và thầy cô ở trường Chất lượng cao phải là thầy cô Chất lượng cao” - Cô Nguyễn Thị Nhiếp nhấn mạnh việc thống nhất quan điểm hợp tác của nhà trường với Trung tâm ngoại ngữ E-Connect.

Với đề tài tham luận “Để học sinh yêu thích môn Tiếng Anh”, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, giáo viên Tổ tiếng Anh của trường THPT Phan Huy Chú đã có những chia sẻ hết sức thiết thực. Qua bài tham luận được trình bày song ngữ bằng nguồn cảm hứng và cuốn hút người nghe, cô Kim Liên đã thể hiện một “đẳng cấp” và nhiệt huyết của giáo viên trường Chất lượng cao đối với những người tham gia hội thảo.

Hội thảo cũng đặc biệt làm rõ vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh.

Cô giáo Nguyễn Kim Anh – Khối trưởng chủ nhiệm khối 12 (năm học 2015 – 2016) đã có bài tham luận mang những trăn trở, những câu hỏi phản biện và giải đáp đến cuối cùng đưa đến khẳng định: Giáo viên chủ nhiệm không thể thờ ơ với nâng cao chất lượng Tiếng Anh trong nhà trường.

Cũng theo cô Kim Anh, nếu giáo viên chủ nhiệm không hỗ trợ giáo viên nước ngoài dạy tăng cường Tiếng Anh là thể hiện sự chưa hết mình trong công việc, chưa tận tâm vì sự phát triển của nhà trường. Tham luận cũng đã đưa ra những đề xuất cho việc kết nối tình thân ái giữa các giáo viên của nhà trường với giáo viên nước ngoài, nối giáo viên nước ngoài với phụ huynh và tạo sự gần gũi hơn nữa của giáo viên ngoại quốc với học sinh. Được như vậy, công việc dạy sẽ thuận lợi hơn, quá trình học tập cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Nỗi niềm của giáo viên bản ngữ và người trợ giảng

Sau hai bài tham luận của các thầy, cô giáo trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, hội thảo đã được nghe tham luận “Những khó khăn vướng mắc của giáo viên nước ngoài khi giảng dạy tại Việt Nam, đặc biệt tại trường Phan Huy Chú- Đống Đa” của cô giáo Goergia Llord, đến từ Trung tâm Ngoại ngữ E-Connect.

Cô Goergia Llord chia sẻ: “Ban đầu tôi đã từng lo lắng, căng thẳng đến mức không ăn được bữa trưa trước khi đi dạy chiều. Tôi cũng đã từng bối rối khi dạy tiếng Anh cho học sinh cấp THPT rất khác dạy lứa học sinh nhỏ tuổi, mà tôi đã dạy trước đó”

Để giải quyết những khó khăn của mình, cô Goergia Llord đã tìm nhiều giải pháp khác nhau, thậm chí thay đổi chủ đề của bài học nhằm mang lại sự hứng thú cho học sinh.
 
Hội tụ trí tuệ và nhiệt huyết để nâng cao chất lượng môn tiếng Anh

Cũng theo cô Goergia Llord, cô đã khó khăn trong việc quản lớp, ví dụ như khi cho thảo luận nhóm, học sinh hay nói chuyện riêng bằng tiếng Việt. Thực tế trình độ học tiếng Anh của học sinh ở Việt Nam không đồng đều nên cô luôn lo những học sinh kém không theo kịp. Trong những buổi đầu cô còn khó khăn trong việc nhớ tên và hiểu những nét chính về tính cách của từng học sinh. Song sau một tháng, tình hình đã khác. Dần dần cô đã quen và rất yêu mến các trò. Goergia Llord khẳng định, nếu được hỏi về khoảng thời gian tham dự giảng dạy tại trường, thì cô có thể gói gọn trong một từ: “Tuyệt vời”

Anh Ngô Duy Khánh, sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao nói về vai trò trợ giảng của mình rất có duyên và những khúc mắc mang tính xây dựng cao trong tham luận “Những khó khăn vướng mắc của trợ giảng khi làm việc tại trường Phan Huy Chú - Đống Đa”. Đơn cử như anh mong lớp học kê bàn ghế hình chữ U để việc giao lưu tốt hơn. Anh đề nghị nhà trường không nên “chiều” học sinh khi dễ dàng đáp ứng ngay yêu cầu thay giáo viên người nước ngoài. Hãy để các thầy cô bản ngữ có thêm một thời gian nhất định rút kinh nghiệm, thích nghi và khẳng định mình bằng chinh phục đối tượng.

Khánh tiết lộ rằng lương của người trợ giảng như anh đang nhận được cao hơn hẳn so với các Trung tâm ngoại ngữ lớn. Mức lương không chỉ ổn định mà còn được tăng thường xuyên. Anh sinh viên xuất sắc này đã rất vui vì được làm việc trong môi trường trẻ trung, nhiều các anh chị giỏi.

Theo Ngô Duy Khánh, khi làm trợ giảng, anh có cơ hội được “du học tại chỗ” bởi được làm việc chung và học hỏi được từ giáo viên nước ngoài rất nhiều. Cũng nhờ vậy mà anh có thêm những bạn bè ngoại quốc rất đáng quý.

Kết thúc hội thảo, thầy Bùi Văn Khiết đã tạo được một ấn tượng rất tốt đẹp với toàn thể cử tọa về khả năng sử dụng tiếng Anh cùng sự nhiệt tình hào hứng của người giỏi chuyên môn và tâm đắc với đổi mới vì chất lượng. Ông Khiết cũng bày tỏ sự quý trọng với những cố gắng đầy tâm huyết và sáng tạo của việc dạy học nâng cao tiếng Anh ở trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, trong sự hợp tác tốt đẹp với trung tâm Ngoại ngữ E-Connect.

Hội tụ trí tuệ và nhiệt huyết để nâng cao chất lượng môn tiếng Anh
 
Hội tụ trí tuệ và nhiệt huyết để nâng cao chất lượng môn tiếng Anh
 
PV