Bạn đọc viết:

Học thêm đối với con tôi là chuyện “không có trong từ điển”

(Dân trí) - Sau gần một tháng con nhập học lớp 1, ngày tôi được mời dự họp phụ huynh học sinh chính là lúc tôi và con có thêm “tự tin” với lựa chọn không học trước, không học thêm… Bây giờ con tôi đã hết bậc tiểu học, việc học thêm đối với con tôi là chuyện (mà tôi hay nói vui với bạn bè) “không có trong từ điển”.

Câu chuyện học trước chương trình lớp 1, cùng với chuyện học thêm của con luôn là “tâm điểm” của những bàn cãi của các bậc phụ huynh. Có thể thấy phần nhiều các phụ huynh khi cho con học... trước đều có chung tâm lý là để mình an tâm hơn, để con thấy tự tin hơn, không mặc cảm so với bạn bè (nếu không học trước lớp 1 chẳng hạn, thì con sẽ thấy lạc lõng vì các bạn đã biết “đọc thông viết thạo”). Câu chuyện của bạn Đỗ Quyên trên báo Dân trí ngày 27/5/2018 có phần giống với câu chuyện của tôi khi con vào lớp 1 của 5 năm về trước.

Gia đình tôi thuộc vùng nông thôn, con học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở một trường dạy 2 buổi/ngày. Buổi sáng con học đến 10g30’ gia đình đón về, buổi chiều 2g lại vào. Biết năm cuối bậc mầm non có ý nghĩa “bản lề”, tôi thường hay hỏi cháu về những điều được học ở trường, qua đó được biết cháu cũng đã được làm quen với chữ cái (theo quy định về chương trình của Bộ Giáo dục-Đào tạo).

Ngày con hết bậc mầm non, sổ sách tôi nhận về có sổ theo dõi sức khỏe, sổ bé khỏe bé ngoan và một quyển tập tô số, tô chữ - quyển tập tô rất đơn giản. Với sổ theo dõi bé khỏe bé ngoan, tôi thấy được những nhận xét cụ thể của cô giáo về kỹ năng phát triển thể chất, kỹ năng thẩm mỹ, kỹ năng ngôn ngữ... Đặc biệt, ở “kỹ năng ngôn ngữ”, vài tháng cuối của năm học, tôi thấy cô giáo nhận xét về cháu là “Tô viết tốt”.

Tiếp nối cách học này, những ngày hè của con tôi chỉ là tập tô chữ, tô số theo mẫu (tôi mua sách của nhà xuất bản Giáo dục), mà tôi cũng không ép con, chỉ giao nhiệm vụ con phải tô xong mấy dòng một ngày rồi mang sản phẩm cho mẹ kiểm tra. Việc đọc những chữ cái, chữ số đã tô ấy, tôi đề nghị con nhớ lại phần cô giáo ở mẫu giáo đã đọc và đọc lại để không bị quên mà thôi.

Tôi còn nhớ, vào lớp 1, con có 1 tuần để làm quen cô mới, bạn mới và nề nếp, quen với việc “đánh dấu” môn học bằng màu sắc của bìa bao tập (mà tôi nhớ lúc đó tập Toán được quy ước có bìa màu vàng, tiếng Việt có bìa xanh). Tên của mình, con chưa thể ghi lại được thì cô giáo quy ước bằng số thứ tự, cháu có số thứ tự 25, chỉ cần ghi số 25 lên góc nhãn dán tập là con nhớ tên mình. Một tuần lễ dõi theo con vào bậc học mới, tôi hiểu rất rõ vất vả của giáo viên lớp 1 trong việc rèn cho các bé tư thế, tính kỷ luật, quy ước đi vệ sinh (cô thống nhất giơ tay phải là xin phát biểu, giơ tay trái là xin đi vệ sinh)...

Học sinh lớp 1 (ảnh minh họa)
Học sinh lớp 1 (ảnh minh họa)

Sau gần một tháng con nhập học, ngày tôi được mời dự họp phụ huynh học sinh chính là lúc tôi và con có thêm “tự tin” với giải pháp của mình: không học trước, không học thêm. Cô giáo chủ nhiệm của cháu gửi cho mỗi phụ huynh 1 phiếu nhận xét về các bé trong đó có mặt mạnh, mặt yếu và đề xuất hướng khắc phục.

Con tôi được nhận xét là đọc còn chậm, còn rụt rè, đề nghị của cô giáo là phụ huynh cho cháu đọc lại bài trong sách giáo khoa, đọc to, rõ ở nhà; việc viết của cháu thì phụ huynh tập cho cháu nghe-viết (chứ không nhìn-viết) bằng cách mỗi ngày đọc cho cháu viết khoảng 10-13 từ, theo thời gian có thể tăng dần. Từ khi cầm bút chì để viết đến lúc viết bằng bút mực, cả hai mẹ con đều cứ kiên trì, cứ sau khi xem phim hoạt hình khoảng 20-30 phút mỗi tối là cháu lại ngồi vào bàn học.

Bây giờ con tôi đã hết bậc tiểu học, chỉ 2 tháng nữa cháu sẽ vào lớp 6, việc học thêm đối với con tôi là chuyện (mà tôi hay nói vui với bạn bè) “không có trong từ điển”. Từ lớp 2, việc học của cháu được “lập trình”: Ban ngày ở lớp, ban đêm tự học, gặp khó khăn thì nhờ mẹ hỗ trợ.

Khó nhất với cháu chính là viết văn. Vì là con trai nên cháu cũng nghèo tưởng tượng, chính tờ báo Nhi Đồng cháu đọc từ khoảng gần cuối năm lớp 1 đã giúp cháu có thêm vốn từ, tôi hướng cháu hình dung thêm (đại loại cháu nghĩ ra mắt chú mèo tròn như hai hạt đậu, thay vì văn mẫu cứ ghi “như hai hòn bi ve”, cánh của hoa giấy thì cháu cho nó “mỏng như giấy”, buồng chuối có nhiều nải như những bậc thang leo...). Từ viết đoạn văn với 3 câu (ở lớp 2) đến 5-7 câu (ở lớp 3) rồi 10-15 câu (ở lớp 4) và cả bài văn khi học lớp 5, hai mẹ con cứ “tuần tự nhi tiến”. Có lần cháu kể: Bạn con đều ghi giống nhau là “Ba em làm công an”, tôi hỏi lại là con có ghi giống bạn không, con trả lời là “Con phải ghi đúng nghề của ba chứ!”.

Tôi chưa bao giờ đòi hỏi con phải đạt điểm “gần như tuyệt đối”. Tôi chưa bao giờ đem điểm số của con đi khoe, vì tôi cũng hiểu tính tương đối của điểm số. Trong các bài thi, con tôi hiếm khi có điểm tuyệt đối ở các môn học, cháu thường dừng ở điểm 9. Tôi cũng hiểu rằng điểm 9 với một bài làm văn đã là “thực sự xuất sắc”, con mình chưa đến độ được gọi như thế, nhưng có lẽ (tôi nghĩ), xét trong tổng thể chung, cô giáo thấy cháu đáng được nhận điểm ấy. Và có lẽ một phần cô cũng cần duy trì tỷ lệ học sinh “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện” mà trong quá trình quản lý lớp, cô giáo đã biết rõ học sinh của mình.

Và do vậy, cho đến giờ, nếu theo cách xếp loại quy định, thì cháu cứ đều đều “Hoàn thành xuất sắc...” và được tặng phần thưởng, giấy khen. Thực trong tâm mình, tôi xem đó là một động viên của nhà trường với những gì cháu bỏ ra chứ không phải là thành quả đáng tự hào nhất thời tiểu học của con để có thể mang khoe.

Những ngày hè này, con chỉ có đi bơi, rủ mẹ cùng đánh cầu lông và tự ôn tập kiến thức lớp 5 mỗi buổi sáng và chiều khoảng 30 đến 45 phút. Con chuẩn bị vào lớp 6 chỉ như vậy. Còn lại thời gian là cháu chơi với em, giúp mẹ rửa rau, tự giặt quần áo mỗi khi tắm xong. Có lần con kể bạn con hỏi con có đi học thêm ở đâu không, con trả lời là “Có” rồi sau đó mới nói tiếp là học với mẹ, học miễn phí (con cười toe toét như đó là cách mình gây bất ngờ cho bạn vậy). Tôi xem đó chính là “thành quả” của mình.

Việt Phương

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!