Hai vợ chồng nghèo nuôi bốn người con vào đại học

(Dân trí) - Cả cuộc đời gắn bó với ruộng đồng nên ông bà hiểu được những khó khăn, vất vả mà mình đã trải qua để quyết tâm cho các con ăn học thành tài. Thành quả có được ngày hôm nay khiến vợ chồng ông cảm thấy tự hào nhưng cũng thật lắm gian nan…

Về thôn Bích La Trung (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) hỏi nhà ông Dương Đình Hữu và bà Lê Thị Chiến, mọi người trong thôn đều tấm tắc khen ngợi về nghị lực vượt khó của hai vợ chồng nghèo. Vậy mà khi trò chuyện với chúng tôi về thành quả của các con mình, ông Hữu khiêm tốn cho rằng đó là chuyện hết sức bình thường. “Mình vất vả nhiều rồi nên luôn mong muốn các con được học hành chu đáo, có kiến thức, có thể chúng tôi chịu cực khổ nhưng hy vọng cuộc sống của các con sau này bớt đi phần nào khó khăn”.

Từ quyết tâm đó, ông Hữu, bà Chiến không quản ngại khó khăn, thức khuya dậy sớm làm việc để kiếm tiền nuôi các con đi học. Vào mỗi vụ mùa, ông Hữu dậy thật sớm ra đồng, còn bà Chiến ở nhà chăm sóc đàn lợn, đàn gà để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, ông bà còn tận dụng những khoảnh đất trống trong vườn trồng rau đem bán, chắt bóp từ cái ăn, cái mặc để dành dụm chút tiền dù là nhỏ nhất. Cũng nhờ sự cố gắng lao động cộng với lối sống giản dị, biết tằn tiện, ông bà đã tạo dựng được cho mình một mô hình kinh tế hộ, tạm gọi là đủ để các con có điều kiện tập trung vào chuyện học tập một cách nghiêm túc.

Hai vợ chồng nghèo nuôi bốn người con vào đại học
Ông Dương Đình Hữu là một trong số những nông dân nghèo có ý thức cho con cái học hành để thay đổi sự nghèo khó.
 
Bà Chiến chăm sóc vườn rau.
Bà Chiến chăm sóc vườn rau.

Một điều khiến chúng tôi khá bất ngờ đó là với trình độ chưa đến lớp 10, ông Hữu là đã tự mày mò kiến thức để truyền đạt cho các con, bởi gia đình không có điều kiện cho con đi học thêm. Ông Hữu kể: “Hồi đó do cuộc sống gia đình quá khó khăn nên tôi phải động viên các con tự học là chính chứ cha, mẹ không có tiền cho con đi học thêm. Ngoài thời gian học trên lớp, khi về nhà tôi phải tự tìm kiếm các tài liệu để dạy kèm cho các con. Dù không có trình độ, nhưng một số bài tập trong sách giáo khoa tôi đều biết và bày cho con cách giải, thậm chí giải đúng. Bài nào khó quá thì bảo con lên lớp nhờ thầy, cô chỉ bảo thêm. Chính vì vậy, các con tôi đã bớt đi một phần chi phí từ học thêm để trang trải việc khác”.

Cũng nhờ khả năng tự lập mà các con ông luôn có ý thức trong học tập, người nào cũng tự nỗ lực, rèn luyện và tìm tòi kiến thức để áp dụng vào việc học của mình đạt kết quả cao nhất.

Thế rồi, các con ông Hữu lớn lên, lần lượt noi gương nhau vào giảng đường Đại học. Đầu tiên là anh Dương Đình Hướng (SN 1975) đi học nghề tại một trường ở Huế. Tiếp đó, anh Dương Thanh Bình (SN 1979) sau khi hoàn thành khóa học Quân sự, ra trường mang quân hàm Thiếu úy vẫn thi lại và đậu vào trường ĐH Sư phạm Huế; anh Dương Đình An (SN 1982) thi đậu cùng lúc 2 trường ĐH Kinh tế Huế và ĐH Bách khoa Đà Nẵng; anh Dương Hoàng Hà (SN 1989) thi đậu vào trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng; em Dương Thị Thúy Hằng (SN 1992) cũng thi đậu vào 2 trường ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Y dược TPHCM.

Những năm con đi học xa nhà cũng là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình ông. Không cam chịu sự nghèo khó, ông Hữu, bà Chiến lại tự vạch ra cho mình nhiều kế hoạch trong phát triển kinh tế gia đình. Để tạo nền tảng vững chắc, tiếp sức cho các con học hành, ông Hữu vay mượn tiền để xây thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi, nhận thầu thêm ruộng để trồng lúa…Mỗi khi đến kỳ gửi tiền cho các con, vợ chồng ông phải bán lúa, thậm chí lợn, gà chưa lớn, không để thiếu thốn mà việc học của các con bị gián đoạn.

Thấu hiểu sự khó khăn của ba, mẹ, những người con của ông Hữu đều tự biết thu xếp thời gian học để đi làm gia sư, bán quán ăn, quán cà phê… nhằm trang trải thêm cho việc học. Ai cũng phải tự lập cho mình kế hoạch chi tiêu hợp lý, và thực hiện bằng được. Ngoài tiền học phí và các khoản cần thiết, mỗi tháng ông chỉ gửi cho mỗi người khoảng vài trăm ngàn, sau đó nâng dần lên qua hàng năm nếu có đủ khả năng. Bên cạnh đó, anh em phải tự giúp đỡ nhau, người trước giúp đỡ người sau, em út noi gương anh, chị để cùng nhau tiến bộ.

Anh Dương Thanh Bình đã hoàn thành xong chương trình Thạc sĩ, là tấm gương để các em noi theo.
Anh Dương Thanh Bình đã hoàn thành xong chương trình Thạc sĩ, là tấm gương để các em noi theo.

Sau mấy năm trời cố gắng, các con ông Hữu lần lượt tốt nghiệp ra trường và đều đạt kết quả khá, giỏi. Hiện nay, trừ em Hằng đang học năm thứ 4 thì các anh đều đã có công việc ổn định. Anh Hướng hiện đang mở cửa tiệm sửa chữa máy ảnh tại TP Huế; anh Bình đã hoàn thành xong chương trình đào tạo Thạc sĩ và đang công tác tại Sở GD- ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; anh An đang làm trong lĩnh vực Nông nghiệp ở TP Đà Nẵng; anh Hà làm ở Công ty sữa Vinamilk ở Gia Lai.

Nói về những thành tích học tập của các con và thành quả có được của gia đình, ông Hữu chia sẻ: “Nhà tôi cực khổ mấy đời rồi, tôi không được ăn học tử tế nên phải cho con cái đi học để có thể thoát nghèo, quyết không để các con phải cầm cày, cầm cuốc như cha, mẹ từng trải qua. Đó cũng là trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ chứ không riêng gì vợ chồng tôi. Tuy trong quá trình cho con đi học có thể gặp những khó khăn nhất định nhưng gia đình luôn tự động viên nhau cố gắng, tự lực cánh sinh để vươn lên. Bây giờ thì vợ chồng tôi đã thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn bởi các con luôn nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, cố gắng học tập và kiếm được việc làm như hôm nay”.

Để các con thành đạt như hôm nay, ông Hữu, bà Chiến đã trải qua rất nhiều khó khăn.
Để các con thành đạt như hôm nay, ông Hữu, bà Chiến đã trải qua rất nhiều khó khăn.
 
Đăng Đức