Hai nhà Toán học chia sẻ giải thưởng Abel danh giá năm 2020

(Dân trí) - Hai Giáo sư gốc Do Thái đã nghỉ hưu Hillel Furstenberg, 84 tuổi, và Gregory Margulis, 74 tuổi, vừa đoạt Giải Toán học Abel, Giải thưởng được đánh giá tương đương với Giải Nobel trên các lĩnh vực khác.

Hai giáo sư gốc Do Thái đã nghỉ hưu Hillel Furstenberg, 84 tuổi, và Gregory Margulis, 74 tuổi, mới đây được thông báo đoạt Giải Toán học Abel, Giải thưởng được đánh giá tương đương với Giải Nobel trên các lĩnh vực khác, được trao cho những ý tưởng mở đường và phương pháp mới trong toán học.

Theo đó, hai nhà toán học này sẽ chia sẻ giải thưởng trị giá 7,5 triệu Kroner Na Uy (tương đương hơn 700.000 USD) cho các công trình mang tính khai phá của mình về Toán xác suất và Động học.

Trong trích thư của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương Na Uy vinh danh hai nhà toán học có đoạn: “hai ông đã đi tiên phong trong việc sử dụng các phương pháp từ xác suất tới động học trong lý thuyết về nhóm, lý thuyết số và tổ hợp”.

Hai nhà Toán học chia sẻ giải thưởng Abel danh giá năm 2020 - 1

Giáo sư Hillel Furstenberg tại Đại học Hebrew (Jerusalem). Ảnh: New York Times

Theo Tiến sĩ toán học François Labourie tại Đại học Côte d’Azur (Pháp), một thành viên Ủy ban Giải thưởng Abel, hầu hết các nhà toán học thuộc giai đoạn giữa thế kỷ 20 đều không nghiên cứu sâu về toán xác suất.

Toán xác suất cũng được xếp vào hàng cuối cùng trong các nhóm ngành của toán học. Tiến sĩ François Labourie cho rằng: “Xác suất chỉ là toán học ứng dụng”. Tuy nhiên, Tiến sĩ Furstenberg và Tiến sĩ Margulis đã tìm ra con đường cho thấy các phương pháp của toán xác suất có thể giải quyết được các vấn đề trừu tượng.

Tiến sĩ François Labourie nhấn mạnh: “Đây thực sự là một cuộc cách mạng. Họ là những người đầu tiên đưa các phương pháp xác suất vào vị trí trung tâm của toán học. Giờ đây điều đó là hoàn toàn rõ ràng”.

Hai nhà Toán học chia sẻ giải thưởng Abel danh giá năm 2020 - 2

Giáo sư Gregory Margulis tại Đại học Yale (Mỹ). Ảnh: New York Times

Tiến sĩ Furstenberg sinh năm 1935 tại Berlin trong một gia đình Do Thái. Gia đình ông rời nước Đức sang Mỹ trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra. Khi còn là sinh viên tại Đại học Yeshiva, ông đã được có một số công trình toán học được xuất bản tại đây.

Sau khai lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Princeton, ông ở lại giảng dạy tại Princeton trong một năm và chuyển tới Học viện Công nghệ Massachusettes trước khi chuyển sang giảng dạy cho Đại học Minnesota. Năm 1965, ông chuyển về Đại học Hebrew (Do Thái) tại Jerusalem và làm việc tại đây cho đến khi nghỉ hưu năm 2003.

Tiến sĩ Margulis sinh ra trong một gia đình Do Thái tại Mátx-cơ-va năm 1946. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Mátx-cơ-va năm 1970.

Năm 1978, ông giành Giải toán học Fields khi mới 32 tuổi, nhưng không được phép rời Liên Xô đi nhận do giải được tổ chức tại Helsinki, Phần Lan.

Trong những năm 1980, khi quy định đi lại nới lỏng, ông được phép lui tới các trường đại học ở các nước khác và cuối cùng ông đã chọn tới định cư ở Yale vào năm 1991.

Do không có Giải Nobel cho Toán học nên nhiều thập kỷ qua, giải thưởng danh giá nhất cho Toán học là Giải toán học Fields, thường được trao tặng thành các đợt nhỏ bốn năm một lần cho các nhà toán học thành danh từ 40 tuổi trở xuống.

Giải toán học Abel, đặt theo tên nhà toán học Na Uy Niels Hendrik Abel, được thành lập giống như Giải Nobel. Từ năm 2003, giải thưởng này được trao thường niên cho những tiến bộ nổi bật trong toán học.

Những người đoạt giải trước đây có nhà toán học Andrew J. Wiles, người đã chứng minh định lý cuối cùng của Fermat và hiện đang giảng dạy tại Đại học Oxford; nhà toán học John F. Nash Jr., và Giáo sư Karen Uhlenbeck tại Đại học Texas, phụ nữ đầu tiên đoạt giải Abel.

Lễ trao Giải Abel dự kiến sẽ được tổ chức tại Oslo vào ngày 19/5 tới, nhưng đã bị tạm hoãn do dịch Covid-19 đang lan rộng ở châu Âu.

Ví dụ về việc xác suất có thể được ứng dụng trong toán học lý thuyết: Hãy hình dung một người say rượu thường xuyên ngã xuống nền nhà và đập người vào tường trong một căn phòng, bằng việc xác định người này thường xuyên đi qua một vị trí nào đó trong phòng, người ta có thể suy ra được hình dạng và diện tích của căn phòng.

Hữu Dương (theo The New York Times)