Bạn đọc viết:

Giật mình với chỉ tiêu nửa học sinh yếu mỗi lớp

(Dân trí) - Đọc bài viết “Giáo viên áp lực với chỉ tiêu thi đua ngay từ đầu năm học” của cô giáo LT trên báo Dân trí, tôi hoàn toàn đồng tình với những dòng tâm sự chất chứa nỗi niềm của một người thầy đứng lớp vừa lo cho trò vừa lo cho chính bản thân mình.

Cứ mỗi dịp đầu năm học, trước khi nhà trường tiến hành hội nghị cán bộ công chức, mỗi giáo viên phải đăng ký hàng loạt chỉ tiêu. Ngoài những chỉ tiêu về dự giờ, thao giảng, dạy công nghệ thông tin,… thì hai mặt số lượng và chất lượng vẫn luôn khiến người thầy trăn trở.

Không phải bây giờ giáo viên mới kêu ca, phàn nàn về những con số chỉ tiêu cao ngất ngưởng. Năm nào người thầy cũng kiến nghị về cái “vòng kim cô” siết chặt người thầy vào thành tích, chất lượng nhưng tiếc rằng đâu lại vào đấy…

Năm nay, giống như trường bạn, chúng tôi cũng đăng ký chỉ tiêu chất lượng bộ môn và lẽ tất nhiên: năm sau phải cao hơn năm trước! Vậy là tỷ lệ khá, giỏi cũng ngót nghét 60% số học sinh trong lớp. Đặc biệt là không quá 2% học sinh yếu, kém. Mỗi lớp tầm 30 đến 33 em, vị chi… nửa học sinh yếu/lớp. Kinh khủng!

Chúng tôi thở ngắn than dài cùng nhau và bấm bụng đăng ký những con số cao ngất ngưởng. Bởi không có con đường nào khác, không có sự lựa chọn nào khác. Kế hoạch cá nhân của mỗi giáo viên khi đưa lên tổ chuyên môn duyệt nếu đối sánh số liệu chỉ tiêu thấp hơn mặt bằng chung của trường là ngay lập tức bị trả về và làm lại.

Tôi còn nhớ như in cái thuở mới vào nghề cách đây hơn chục năm, khi đăng ký chỉ tiêu bộ môn, bao giờ cũng được đặt bút đăng ký 85% trên trung bình và 15% dành cho học sinh yếu kém. Điều này khá là hợp lý khi mỗi lớp có tầm 4 đến 5 học sinh chưa đạt ngưỡng trung bình.

Vậy mà từ lúc nào chẳng biết, những con số chỉ tiêu cứ vậy mà “leo thang”. Tỷ lệ học sinh khá giỏi cứ thế tăng đều và tỷ lệ yếu kém giảm đến mức èo uột: nửa học sinh/lớp. Hóa ra học sinh thời nay quá giỏi hay chính chúng ta phù phép để tạo nên chất lượng ảo đó?

Bệnh thành tích trong giáo dục người ta đã ca thán rất nhiều. Đầu năm là những con số chỉ tiêu dội từ trên xuống, cuối năm là cảnh giáo viên “vắt chân lên cổ” đảm bảo chỉ tiêu. Muôn kiểu nâng chất lượng đều đã chỉ bị vạch trần không thương tiếc, nào là gieo sạ điểm số, nâng điểm, cộng điểm, cho khống điểm, nào là coi thi lơ là để học sinh làm được bài, nào là chỉ đạo thay đổi thang điểm đáp án để nâng điểm đồng loạt…

Cái đáng sợ ở đây chính là những con số chỉ tiêu đang ép người thầy phải dối lòng trong đánh giá năng lực học sinh. Nhưng trong bối cảnh ngành giáo dục lấy chỉ tiêu để khống chế danh hiệu thi đua, nhà giáo muốn trung thực có được không?

Và như nhiều nhà giáo đã phân tích, chỉ tiêu mỗi ngày mỗi cao hơn trước đang khiến học sinh ảo tưởng về năng lực của bản thân. Chính các em là người tường tận hơn ai hết sau một năm học, với những điểm số mà mình và bạn đạt được qua các bài kiểm tra, bất thình lình từ khá lên giỏi, từ yếu lên trung bình khỏi thi lại. Thử hỏi học sinh nào không thắc mắc và nghi ngờ?

Từ nghi ngờ về sự trung thực trong đánh giá của giáo viên, niềm tin của học sinh có bị hao hụt ít nhiều không? Đó là còn chưa kể đến cá biệt có những học sinh nắm chắc “vé” lên lớp nên lười học, cũng bởi vì thừa biết thầy cô không bao giờ để mình lọt sổ bởi mỗi lớp chỉ chấp nhận… nửa học sinh yếu.  

Nỗi lòng của cô giáo LT và tôi hôm nay có lẽ cũng là trăn trở của không ít người thầy trong bối cảnh hiện tại. Bao nhiêu tiếng nói phản biện mạnh mẽ của giáo viên dường như vẫn không thay đổi được tình hình, bệnh thành tích vẫn tồn tại và những con số chỉ tiêu vẫn hiện hữu làm khổ giáo viên ư?

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!