Giáo viên mang bệnh bị luân chuyển đến vùng xa: Khó xác định thế nào là bệnh nặng

(Dân trí) - Theo ông Hồ Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) thì bệnh nặng phải là bệnh “liệt giường liệt chiếu”. Với số giấy tờ cô Lưu Mai Yến cung cấp thì khó xác định giáo viên này có bị bệnh nặng hay không. Trong khi đó, chỉ khi giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo mới thuộc diện miễn luân chuyển.

Như Dân trí đã thông tin, trước năm học 2017-2018 chính thức bắt đầu, cô Lưu Mai Yến (SN 1973, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bình, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có trong danh sách luân chuyển của UBND huyện Hưng Nguyên. Nơi công tác mới của cô Yến là Trường tiểu học Hưng Yên Nam (xã Hưng Yên Nam - một xã vùng xa của huyện Hưng Nguyên), cách nhà cô 20km.

Cô Lưu Mai Yến đang điều trị sau ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An)
Cô Lưu Mai Yến đang điều trị sau ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An)

Do đang mắc nhiều bệnh như tim, basedow (cường giáp) khiến một mắt bị giảm thị lực, u đa nhân xơ tử cung… nên cô Yến có đơn đề nghị Hội đồng luân chuyển giáo viên của huyện xem xét, chuyển công tác đến trường mới có khoảng cách tương đương trường cũ (8km). Tuy nhiên, kiến nghị của cô không được giải quyết.

Trong quá trình công tác tại đơn vị mới, cô Yến mới đi dạy được 5 buổi vì sức khỏe yếu, có lần ngất xỉu trên trường. Vừa rồi, cô Yến xin nghỉ dài ngày. Hiện nữ giáo viên này đang được điều trị tại bệnh viện sau ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung để loại bỏ u đa nhân xơ.

Trao đổi về những kiến nghị của cô Lưu Mai Yến, ông Hồ Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết, quyết định luân chuyển cô Yến về Trường Tiểu học Hưng Yên Nam đã được bàn bạc và thống nhất trong Hội đồng luân chuyển giáo viên của huyện. Sau đó, cô Yến có đơn gửi Phòng GD&ĐT huyện Hưng Nguyên đề nghị xem xét.

“Theo đề án thì giáo viên bị bệnh hiểm nghèo sẽ được miễn luân chuyển. Cô Yến chỉ cung cấp sổ khám bệnh, kết quả siêu âm và một số đơn thuốc, chưa có ngày nào nằm viện điều trị. Giấy tờ cô Yến cung cấp khó chứng minh được là bệnh nặng hay nhẹ.

Cô Yến 18 năm công tác ở xã Hưng Phúc, chưa luân chuyển thì phải luân chuyển đến vùng xa của huyện. Cái này đã có bàn bạc, cân nhắc và thống nhất của 5 thành viên Hội đồng luân chuyển rồi”, ông Hồ Văn Hiệp thông tin.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng không đưa ra khái niệm “bệnh nặng”. Theo ông, bệnh nặng phải “nằm liệt giường liệt chiếu” hoặc phải điều trị tại bệnh viện cả tháng trời.

UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An)
UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An)

Ông Phó Chủ tịch UBND huyện cũng rất thấu hiểu thực tế chị em giáo viên ngoài công việc chuyên môn còn phải đảm đương việc nhà, việc gia đình, việc xã hội. Việc giáo viên có nguyện vọng công tác gần nhà là không sai. Huyện cố gắng sắp xếp luân chuyển phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhưng phải đảm bảo sự bình đẳng quyền lợi giữa các giáo viên.

Huyện cũng đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ làm việc với cô Yến và Trường nơi cô Yến công tác (Trường Tiểu học Hòa Bình) để làm rõ việc điều chuyển. Do trong buổi làm việc có sự cố (cô Yến ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu) nên đang tạm dừng, chưa đưa ra kết luận cụ thể.

Ông Hồ Văn Hiệp khẳng định việc luân chuyển giáo viên trên địa bàn huyện không có tiêu cực, không có việc dùng tiền để “chạy luân chuyển” nhưng về mặt tình cảm thì “không rõ”.

“Chúng tôi làm trên tinh thần khách quan, được giáo viên và các trường đồng tình cao. Danh sách được luân chuyển cũng đã được chuyển về cho các trường trước khi có quyết định để làm công tác tư tưởng cho giáo viên”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên nhấn mạnh.

Quyết định luân chuyển cô Lưu Mai Yến trên cơ sở tham mưu của phòng chuyên môn (Phòng GD&ĐT huyện) và Phòng Nội vụ. Để làm sáng tỏ hơn vấn đề, sáng ngày 25/9, chúng tôi có mặt tại trụ sở Phòng GD&ĐT huyện Hưng Nguyên. Các phòng lãnh đạo đơn vị đều khóa cửa. Chúng tôi liên hệ qua điện thoại với Trưởng Phòng GD&ĐT huyện nhưng không nhận được hồi âm.

Hoàng Lam