Giáo viên đánh trẻ và câu hỏi “Anh có sao không?”

(Dân trí) - Hai sự việc tưởng như không có mối liên quan nhưng đặt ra vấn đề: giáo dục đã làm gì để có thể tạo nên một nhân cách với sự quan tâm và bao dung với con người vượt trên cơ chế phòng vệ bản thân.

Những ngày qua, từ clip cô giáo Trường tiểu học Phan Chu Trinh, TPHCM đánh, kéo tai, mắng học trò gây xôn xao cộng động đã kéo theo nhiều ý kiến về hành vi phản giáo dục của giáo viên với học sinh. 

Giáo viên đánh trẻ và câu hỏi “Anh có sao không?” - 1

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Các em có sao không? khi sử dụng đòn roi, bạo lực với học sinh

Trong các tranh biện, nổi lên là sự... bao biện và đổ lỗi. Nào là muốn tốt cho học sinh, nào là không đánh không được, thương cho roi cho vọt. Phía dư luận cũng nhiều ý kiến đồng tình "phải roi" thì cũng nhiều người uất ức cho rằng phải kỷ luật, đuổi việc cô giáo tạo ra bức tranh giáo dục, bức tranh xã hội hỗn độn đến nhếch nhác. 

Nhắc đến phản ứng với những bạo hành của thầy cô đối với trẻ em, TS Lê Nguyên Phương, giảng viên chương trình cao học bộ môn Tâm lý học đường tại ĐH Chapman (Mỹ) kể một tình huống va chạm giao thông xảy ra với ông nhiều năm trước khi còn sống ở Mỹ như lời tự nhắc nhở chính mình. 

Hôm đó, ông lái xe trên xa lộ và bất cẩn tông vào chiếc xe tải đi trước. Như thông lệ, khi xảy ra va chạm, hai xe sẽ tấp vào lề đường, cùng nhau dàn xếp và trao đổi thông tin bảo hiểm xe để các công ty này tự giải quyết bồi thường cho nhau. 

Người lái chiếc xe tải - là một anh mặc trang phục công  - xuống xe và đi về phía ông Phương. Ông Phương cũng dừng xe, trong đầu đã khởi sự chuẩn bị lý lẽ để phòng vệ, biện bạch và đổ lỗi - một thói quen và sự “khôn ngoan” được học trước khi ông qua đây. 

 "Thế nhưng, trái với những gì tôi đoán trước, lời mở đầu của anh công nhân lại là: “Anh có sao không?” Nghe câu hỏi giản dị nhưng đầy sự quan tâm ấy, bao nhiêu “khiên giáo", tôi sẵn sàng giương lên đã loảng xoảng rơi xuống hết", ông Phương kể. 

Từ những trải nghiệm này, TS Lê Nguyên Phương đặt câu hỏi: xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục học đường và gia đình của họ đã làm gì để có thể tạo nên một nhân cách với sự quan tâm và bao dung với con người vượt trên cơ chế phòng vệ bản thân, biện minh hay trách móc người khác?

Quay lại câu chuyện phản ứng trước hành vi của giáo viên, phải nói số đông chúng ta, từ quản lý, giáo viên và phụ huynh...  phản ứng với nhiều lý lẽ, nhân danh cao đẹp nhưng đó là khởi sự của sự biện bạch, đổ lỗi. 

Nhiều phụ huynh mình đầy sát khí đòi đuổi việc ngay cô giáo. Giáo viên bạo hành học trò, khi họ đưa ra lý do "đánh vì muốn tốt cho các em" hay oán trách gia đình không biết dạy con thì thực chất chỉ là sự bao biện, đổ lỗi để bảo vệ cho bản thân. Rồi đến các cơ quan quản lý, đứng trước sự việc đều tập trung chỉ đạo "xử lý nghiêm". 

Giáo viên đánh trẻ và câu hỏi “Anh có sao không?” - 2

Giáo dục trước hết là tấm lòng hướng về nhau (Ảnh minh họa)

Chúng ta đang có một thái độ ngày càng rõ ràng và nghiêm khắc trước hành vi bạo lực với trẻ nhỏ. Nhưng dường như không một ai trong chúng ta là anh công nhân trong vụ va chạm giao thông như trường hợp có thật trên, để có thể hỏi người khác: "Anh có sao không?".

Biết bao giáo viên bạo hành trẻ khi bị phanh phui thì quay cuồng giải trình, giải thích lý do, xin lỗi vì ảnh hưởng cấp trên, xin lỗi phụ huynh.... Có giáo viên nào từng đặt câu hỏi hướng về học trò: Các em có sao không khi phải chịu đựng cách hành xử của mình? 

Trong sự việc phụ huynh đặt lén camera ở TPHCM, chắc chắn ít nhiều ban giám hiệu, hiệu trưởng phải biết đến hành vi của giáo viên. Sự việc diễn ra công khai giờ học, trong lớp học. Liệu họ đã từng góp ý, nhắc nhở, hỗ trợ giáo viên? Là những người quản lý, có bao giờ họ hỏi: Giáo viên mình có vấn đề gì không? Học trò mình như thế nào? Có cần giúp đỡ không?  

Các cấp quản lý, trước khi có những văn bản chỉ đạo xử lý, đã từng thổn thức: Có chuyện gì đang xảy ra với các cô giáo của mình, với học sinh của mình? Mình có thể làm điều để mọi việc tốt hơn?

Hay chỉ khi có sai phạm bị phát hiện thì xử lý nghiêm.

Hiển nhiên, cô giáo làm sai thì phải chịu trách nhiệm, phải chịu kỷ luật. Nhưng tất cả chúng ta là tổng hòa của mối quan hệ tạo nên cuộc sống. Mà cuộc sống chỉ có thể tốt đẹp khi chúng ta nghĩ cho nhau, nghĩ về nhau. Và khi hướng về người khác cũng có nghĩa là đang nghĩ cho mình. 

Trước cuộc sống vội vã, trước những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh, điều chúng ta thiếu có thể là một câu hỏi: "Anh có sao không?". 

Hoài Nam