Gặp cô giáo mầm non tâm huyết, sáng tạo từng nhiều lần “trò khóc, cô cũng khóc”

(Dân trí) - Làm cô giáo mầm non vốn đã vất vả, một mình nuôi con khi chồng mất, vừa hoàn thành tốt công việc ở trường càng vất vả hơn. “Nhiều trẻ mới đến lớp mầm non ngày đầu đều rất quấy, lúc ấy trò khóc, cô cũng khóc” - đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Vân, Trường Mầm non Tân Lập, Đan Phượng (Hà Nội) tâm sự tại buổi trao giải “Giáo viên tâm huyết sáng tạo” do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 11/11.

Từng có lúc nghĩ bỏ nghề nhưng không thể

7 năm trước, trong cơn bạo bệnh, chồng cô Nguyễn Thị Vân, Trường Mầm non Tân Lập, Đan Phượng (Hà Nội) đột ngột qua đời.

Một mình Vân chăm con với hai vai, vừa làm bố, vừa làm mẹ. “Không có chồng hỗ trợ, đồng lương giáo viên eo hẹp, mình nghĩ đến việc đi làm thêm nhưng nghề giáo viên có mặt từ 6h30 sáng đến 7h tối mới về nên không biết làm gì. Cũng có lúc áp lực, mình nghĩ đến chuyện bỏ nghề nhưng rồi yêu trẻ lại gắn bó”, cô Vân nói.

Cũng theo cô Vân, chăm trẻ mầm non vốn đã vất vả. Hoàn cảnh gia đình neo đơn như cô, càng vất vả hơn. Nhiều bé mới đi học ngày đầu tiên đều rất quấy dỗ mãi không được, những lúc như thế, nhiều khi trò khóc, cô cũng khóc.

Hiểu hoàn cảnh của hai mẹ con, nhà trường bố trí cho cô ở lại trông trẻ muộn để có thêm thu nhập nuôi con thơ. Được biết, dù trường chưa đưa  vào phương pháp giảng dạy Montessori nhưng cô Vân đã tự đọc các tài liệu, học hỏi ứng dụng vào dạy trẻ ở trường.

Cô thiết kế lại lớp học thành những góc học tập có chủ đề, chuyên sâu phù hợp với sở thích của từng nhóm trẻ…

Sáng kiến dạy học của cô Vân được giải C cấp ngành giáo dục của Hà Nội.

Gặp cô giáo mầm non tâm huyết, sáng tạo từng nhiều lần “trò khóc, cô cũng khóc” - 1

Nhiều bé mới đi học ngày đầu tiên đều rất quấy dỗ mãi không được, những lúc như thế, nhiều khi trò khóc, cô cũng khóc. (Ảnh: M. Hà). 

Cũng theo cô Vân, ở lớp giáo viên dành nhiều thời gian rèn cho trẻ thói quen tự lập, tự phục vụ nhưng không ít phụ huynh lại nuông chiều, khi đưa trẻ đến trường, cô giáo dạy trẻ khoanh tay chào nhưng có người để con tự đi vào lớp hoặc trao trẻ cho cô là vội vàng quay lưng đi. Hay cô rèn cho trẻ đến lớp tự cởi giày dép để lên kệ thì phụ huynh lại làm thay cho con tất cả những việc đó.

Trong 9 năm qua, nhiều năm liền cô Vân là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt” tiêu biểu Thủ đô.

Cô nằm trong danh sách 125 giáo viên được tôn vinh "Nhà giáo tâm huyết sáng tạo" của Hà Nội năm học này. 

15 lần hiến máu cứu người

Trải qua 9 năm công tác, cô Vân luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chủ nhiệm, coi lớp học như một gia đình, coi các con như con của mình luôn đảm bảo ba tiêu chí “Yêu thương - An toàn - Tôn trọng”.

Cô luôn coi trọng công tác tự bồi dưỡng, tự học, tìm tòi học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, sách, báo, truyền hình, các trang Pinterest, trang facebook “Hội giáo viên mầm non” những biện pháp mới, cách thức bài dạy mới lạ để áp dụng vào bài dạy.

Ngoài ra, cô Vân còn tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng công nghệ thông tin và sáng tạo nhiều ý tưởng vào bài giảng điện tử hay, bổ ích áp dụng vào bài dạy giúp trẻ hứng thú, tích cực hoạt động và mang lại hiệu quả caotrong giáo dục trẻ hàng ngày.

Được biết, trong quá trình công tác, cô Vân thường xây dựng nhiều tiết kiến tập cho các giáo viên trong trường và trong huyện và được đánh giá cao như: chuyên đề “Giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập”, chuyên đề “Phát triển vận động”.

Ngoài ra, cô tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, làm đồ dùng dạy học, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm.

Gặp cô giáo mầm non tâm huyết, sáng tạo từng nhiều lần “trò khóc, cô cũng khóc” - 2

Học sinh Trường mầm non Tân Lập, Đan Phượng

Cô có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong việc hình thành thói quen, nền nếp, kỹ năng tự phục vụ cho trẻ nhà trẻ. Cô đã thành lập nhóm email, facebook, zalo của lớp để hàng ngày trao đổi với phụ huynh những bài tập hình thành thói quen nền nếp cho trẻ, những kỹ năng tự phục vụ thực hành trong cuộc sống của trẻ và những phương pháp nuôi dạy con khoa học. Cô còn trao đổi giới thiệu tới phụ huynh tham khảo một số trang mạng hướng dẫn dạy trẻ những kỹ năng tự phục vụ …

Bằng việc phối kết hợp với phụ huynh, đến cuối năm, trẻ lớp cô Vân đã có nền nếp, thói quen rất tốt được các trường bạn đến tham quan, học tập đánh giá rất cao.

Bận rộn là thế nhưng cô Vân luôn sắp xếp thời gian tích cực tham gia các phong trào của công đoàn, đoàn thanh niên, công tác thiện nguyện, cô tham gia giải cứu cam và dưa hấu giúp bà con tỉnh Quảng Ngãi, tổng dọn điểm trường tiểu học xã Nặm Păm - Mường La - Sơn La sau lũ lụt và giúp đỡ một số em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra, cô còn tham gia phong trào hiến máu nhân đạo 15 lần và được Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) tặng giấy khen trong buổi lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu của huyện năm 2017.

Cô giáo mầm non này tâm niệm rằng “Gieo hạt giống, gặt yêu thương” nên trong những năm học qua cô luôn đồng hành cùng đồng nghiệp, Ban Giám hiệu nhà trường đưa trường mầm non Tân Lập trở thành ngôi trường đầy tình yêu thương, hạnh phúc và là điểm đến tin cậy cho các bậc phụ huynh.

M. Hà