Gần Tết, giáo viên lo học sinh chểnh mảng học hành

(Dân trí) - Tết Mậu Tuất đang đến gần. Khắp các nẻo đường, sắc xuân đang tràn về. Ai cũng náo nức tâm trạng chờ mong Tết, nhất là những em học sinh. Tuy nhiên bên cạnh niềm vui chung khi Tết về thì các em bắt đầu chểnh mảng chuyện học hành.

Năm nào cũng thế, cứ gần Tết học sinh lại nôn nao với niềm vui chung. Các em bắt đầu bê trễ với việc học hành. Ngồi trong lớp mà đầu óc luôn phân tán, chỉ mong được nghỉ Tết. Nhiều nhóm bắt đầu rục rịch kế hoạch rủ nhau đi chơi.

Nói chung thì đây là tâm trạng chung của nhiều học sinh. Ngày Tết các em được nghỉ xả hơi, được vui chơi thoải mái lại được nhận lì xì. Vì thế học sinh nào chả mong nghỉ Tết.

Năm nay nhuận nên các em nghỉ muộn hơn một tháng so với năm trước. Tuy nhiên điều giáo viên chúng tôi lo lắng nhất là thời điểm ấy đang vào những bài trọng tâm. Trước Tết thì nôn nao mong nghỉ, sau tết thì dư âm vẫn còn. Vì thế một số em học lực trung bình yếu bị hổng kiến thức. Mà chương trình học kì 2 rất quan trọng, đặc biệt là những em học cuối cấp. Các em sẽ bị ảnh hưởng đến việc thi cử chuyển cấp của mình.

Những ngày này, giáo viên chúng tôi luôn lo lắng cho các em. Nhiều em không tập trung cho việc học. Các em không còn hào hứng phát biểu xây dựng bài. Một số lớp lác đác đã có học sinh nghỉ.

Một em học sinh nhà ở thành phố Tây Ninh cho biết: “Nhóm em chơi cùng nhau gồm 5 bạn. Dường như đứa nào cũng thích Tết. Những ngày Tết thật sự là những ngày thú vị. Chúng em vừa được chơi, vừa ăn ngon lại không phải học bài. Bên cạnh đó lại được tiền lì xì. Còn gần một tháng nữa mới đến Tết mà chúng em nôn nao quá, chẳng muốn học hành gì cả.”

Cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên một trường THCS ở thành phố Tây Ninh chia sẻ: “Gần Tết chúng tôi rất lo lắng vì học sinh bê trễ chuyện học hành. Năm nào tôi cũng lo cho lớp chủ nhiệm của mình, các em cá biệt thường nghỉ học, cúp tiết đi chơi. Hôm rồi, một nhóm học sinh (Hòa Thành) rủ nhau đi hồ Núi Đá, gần Núi Bà chơi. Một em mới 16 tuổi, đi chơi với bạn rồi trượt chân té xuống hồ chết đuối. Thật là đáng buồn, Tết gần đến mà còn xảy ra chuyện. Như vậy chúng tôi không chỉ lo lắng cho các em việc chểnh mảng học hành mà còn sợ cả những điều bất chắc đến với các em khi tự phát đi chơi.”

Bản thân là giáo viên THCS, tôi thấy rằng để khắc phụ tình trạng trên, các trường cần siết chặt công tác quản lí sĩ số của học sinh. Công việc này bây giờ khá thuận lợi. Nhất là những trường đăng kí sổ liên lạc điện tử. Chỉ cần giám thị điểm danh xong cập nhật vào mạng là phụ huynh được báo qua điện thoại. Tuy nhiên, một số trường thường làm việc này sớm nên chỉ những em nghỉ học phụ huynh mới biết. Còn những em cúp tiết giữa giờ (thường là những tiết cuối) thì phụ huynh lại không biết do trường không điểm danh giờ đó. Gần Tết, các trường cần lưu ý hơn về vấn đề này.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm phải sát sao cùng với lớp, luôn nhắc nhở các em việc giữ gìn nề nếp học tập. Làm sao để các em hiểu được việc học tập rất quan trọng đối với học sinh. Thầy cô luôn theo dõi để uốn nắn cũng như thông báo cho phụ huynh kịp thời.

Riêng các bậc phụ huynh thì không nên cho con tiền. Hầu hết các em cúp tiết đi chơi vì có tiền. Ở tuổi này các em chưa biết giá trị của đồng tiền nên xài rất thoải mái. Nếu cha mẹ cho tiền con cái là đang tiếp tay cho cái xấu hình thành. Các em có tiền sẽ đi chơi rồi la cà quán xá. Từ đó dễ nhiễm các thói hư tật xấu ngoài xã hội. Cha mẹ cũng cần nắm chắc lịch học của con để có thể phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để quản lí các em.

Công tác Đội và Đoàn thanh niên cần tổ chức thêm các trò chơi dân gian có ý nghĩa để các em tham gia. Các phòng chức năng như thư viện trường cần bổ sung thêm nhiều sách báo hay để thu hút các em. Các buổi sinh hoạt cuối tuần giáo viên chủ nhiệm cần nhắc nhở các em ổn định nề nếp. Làm sao để các em nhận ra rằng việc học hành vẫn là quan trọng nhất.

Loát Trần

(Châu Thành, Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!