Hà Nam:

Gần 100 giáo viên bị loại khỏi danh sách xét đặc cách viên chức vì quy định “bổ sung”

(Dân trí) - Sau khi Bộ Nội Vụ có công văn số 5378 về việc tuyển dụng đặc biệt đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động, gần 100 giáo viên hợp đồng ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, đã rất vui mừng. Nhưng giấc mơ vào biên chế theo diện đặc cách của các giáo viên này bỗng “tan tành” vì những quy định “bổ sung” của UBND tỉnh Hà Nam.

Ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ đã có công văn số 5378 gửi các tỉnh, thành phố về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng lao động sang giáo viên biên chế (viên chức).

Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Sau khi có công văn 5378, gần 100 giáo viên hợp đồng ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, là những giáo viên nằm trong diện được đặc cách xét tuyển biên chế đã vô cùng vui mừng phấn khởi, họ tin rằng thành quả đã đến sau nhiều năm cống hiến với nghề.

Nhưng niềm vui ấy bỗng chốc bị dập tắt vì đến ngày 29/11, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 3598 về kế hoạch tuyển dụng giáo viên, trong đó đưa thêm một số điều kiện xét đặc cách giáo viên, những điều kiện này “vô tình” lại khiến gần 100 giáo viên ở huyện Duy Tiên bị loại khỏi danh sách nằm trong diện xét đặc cách.

Gần 100 giáo viên bị loại khỏi danh sách xét đặc cách viên chức vì quy định “bổ sung” - 1

Kế hoạch 3598 của UBND tỉnh Hà Nam

Cụ thể, theo như Kế hoạch số 3598 của UBND tỉnh Hà Nam, đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giáo viên năm học 2019-2020 hoặc đã hợp đồng lao động trong năm học 2018-2019; có thời gian ký hợp đồng lao động làm công việc giảng dạy phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các huyện, thành phố trước ngày 31/12/2015 (hợp đồng lao động do Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ký hoặc do Trưởng Phòng GD&ĐT ký theo ủy quyền nhưng phải trong danh sách phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện, thành phố.

Thời gian hợp đồng lao động phải đảm bảo liên tục trong các năm học: 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019; trường hợp đơn vị ký hợp đồng lao động theo năm học (9 tháng) được tính liên tục theo năm học; không tính thời gian chấm dứt hợp đồng lao động để xét tuyển giáo viên năm 2017 và thời gian giáo viên hợp đồng lao động nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội).

Theo các giáo viên cho biết, nếu dựa theo Kế hoạch này của UBND tỉnh Hà Nam, thì toàn bộ các giáo viên huyện Duy Tiên nằm trong diện xét đặc cách theo như văn bản của Bộ Nội vụ sẽ bị loại vì 2 lý do. Một là toàn bộ hợp đồng lao động của họ đều do các Hiệu trưởng nhà trường ký; Lý do thứ hai là trường hợp đơn vị ký hợp đồng lao động theo năm học (9 tháng) được tính liên tục theo năm học, với lý do này nhiều giáo viên cũng sẽ không đủ điều kiện, vì đa phần họ đều ký hợp đồng lao động từ tháng 10, tức là sau thời điểm vào năm học 1 tháng, nếu tính liên tục chỉ được 8 tháng.

Gần 100 giáo viên bị loại khỏi danh sách xét đặc cách viên chức vì quy định “bổ sung” - 2

Những lý do khiến gần 100 giáo viên ở huyện Duy Tiên bị loại khỏi danh sách xét đặc cách

Theo cô L.T.H. (tên đã được thay đổi), giáo viên một trường THCS có hơn 10 năm dạy học theo hình thức hợp đồng cho biết: “Nếu làm theo văn bản của Bộ Nội vụ mới ban hành thì mình nằm trong diện được xét đặc cách. Nhưng theo Kế hoạch của UBND tỉnh thì mình bị loại, bởi vì 2 lý do nêu trên, mà đây là những lý do giáo viên khách quan, giáo viên hợp đồng chúng tôi không thể quyết định được”.

Cũng theo cô H., vào năm 2017, khi không đủ điều kiện đỗ biên chế, bị chấm dứt hợp đồng, cô rời khỏi bục giảng và đi làm công nhân cho một công ty, với mức lương gần 4 triệu đồng, thực chất mức lương này cao gần gấp rưỡi so với mức lương giáo viên giảng dạy hợp đồng, nhưng khi được mời ký hợp đồng mới, cô và nhiều đồng nghiệp khác vẫn bỏ việc ở công ty để tiếp tục đứng trên bục giảng, vì quá quá yêu nghề và hy vọng một ngày nào đó sẽ được thi vào biên chế.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Xuân Dưỡng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Nam cho biết: “Những kiến nghị vướng mắc của giáo viên hiện nay vẫn đang được tiếp tục giải quyết theo quy định, quy chế. Thiếu chỉ tiêu biên chế thì sẽ được bổ sung, nhưng phải đáp ứng được điều kiện theo quy định. Hiện nay, các ngành đang thống nhất giải quyết những vướng mắc của từng đơn vị. Thứ nhất là thẩm quyền là của địa phương (của các huyện, tỉnh sẽ không quyết định vấn đề đấy); thứ hai trên cơ sở cụ thể của từng trường hợp nào đó, thì các đơn vị địa phương xem xét đề xuất cơ chế để tạo điều kiện”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Đức Văn