Bạn đọc viết:

Đừng vô tình giúp con “nghiện” smartphone!

(Dân trí) - Hôm trước cuối tuần đến nhà người bạn chơi, tôi giật mình nhìn hai đứa trẻ dán mắt vào màn hình công nghệ. Một cháu gái 3 tuổi chăm chú suốt buổi vào những clip vui nhộn trên iPpad, còn cháu trai 6 tuổi lại cắm cúi lướt smartphone.

Bắt gặp ánh nhìn trăn trở của tôi, cô bạn cười xòa phân bua rằng giờ mà thiếu hai thiết bị điện tử ấy là y như rằng cả nhà sẽ loạn lên mất chứ chẳng thể thảnh thơi chuyện trò, tâm sự. Cháu lớn đã sớm làm quen với màn hình công nghệ từ lâu nên giờ không thể cấm con xem điện thoại, iPad, nếu không cháu sẽ mè nheo, la ó lên đòi cho bằng được. Còn cháu bé lại đang “đi vào vết xe đổ” của anh trai khi cũng khóc nhè đòi smartphone.

Bạn bảo rằng ngẫm nghĩ kỹ cũng thấy buồn vì bọn trẻ đang dần “nghiện” điện thoại thông minh và muốn con “cai nghiện” thật khó như lên trời. Có lẽ câu chuyện của bạn đang trở thành bức tranh chung cả nhiều gia đình hiện đại khi mà công nghệ số dần hiện diện, len lỏi vào từng ngóc ngách trong sinh hoạt gia đình và can thiệp vào các mối quan hệ vốn dĩ thiêng liêng giữa bố mẹ và con.

“Tắt điện thoại đi!”, “Bỏ iPad xuống!” là những mệnh lệnh ngày càng vang lên nhan nhản khắp nơi nơi. Những mệnh lệnh ấy hiếm khi được con trẻ thực thi với tinh thần tự nguyện mà hầu như là miễn cưỡng tuân theo, thậm chí là vung văng kéo dài thời gian chìm đắm trong các clip, video và game online.

Và vì mải mê trong thế giới riêng, dường như con trẻ ngày càng co cụm mình lại, ít chuyện trò, ít sẻ chia. Cuộc sống xung quanh có vui nhộn và sinh động như thế nào dường như cũng ít làm bọn trẻ bận tâm. Bố mẹ vất vả mưu sinh thế nào cũng ít được bọn trẻ đồng cảm và thấu hiểu.

Đến lúc này thì người lớn chúng ta lại than vãn, phàn nàn sao bọn trẻ vô tâm và vô tình đến thế. Nhưng phải chăng những đứa trẻ hiện hữu hôm nay với lời ca thán “vô tâm”, “vô tình” lại là kết quả tất yếu của cách nuôi dạy con có phần hời hợt của chính bố mẹ?

Chúng ta luôn lo lắng con ham chơi hơn ham học. Chúng ta mong muốn con rời bỏ điện thoại để giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Chúng ta khao khát con trẻ có thể phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Nhưng rồi thì sao?

Mỗi khi con mè nheo không chịu ăn, ta lại nhanh chóng bật ti vi lên để những clip vui nhộn làm trẻ há miệng và nuốt ừng ực. Mỗi khi trẻ quấy khóc bướng bỉnh, ta lại vội vàng giao con cho iPad. Và mỗi khi cần không gian riêng, ta lại nhờ smartphone quản con. Chính bố mẹ chứ không ai khác tạo cơ hội và điều kiện để bọn trẻ tiếp cận và ngày càng lệ thuộc hơn vào công nghệ số.

Cả chúng ta nữa, liệu bố mẹ đã tự hào khẳng định mình không hề nghiện mạng xã hội hay có thể rời bỏ chiếc di động luôn kè kè bên mình hay chưa? Chính chúng ta vẫn hay “lướt”, “chạm”, “trượt” bên cạnh một đứa trẻ cũng đang cắm cúi trong màn hình công nghệ.

Chính chúng ta, những người lớn vẫn luôn rao giảng về vai trò của sách và văn hóa đọc lại dễ dàng lướt ngang qua hiệu sách mà dành nhiều thơi gian cho quán xá đông đúc để “tám”, “buôn” chuyện. Và bọn trẻ theo chân bố mẹ đến đó lại được ưu ái cho sử dụng điện thoại “thả ga”.

Chính chúng ta, ngay trong bàn ăn vẫn chăm chú trả lời tin nhắn hoặc là mê mẩn một bộ phim online mà bỏ mặc đứa trẻ đang muốn kể một câu chuyện nào đó về bạn bè, trường lớp, học hành. Và khoảng cách bố mẹ - con dần hiện ra từ lúc nào.

Thói quen dành thời gian cho nhau, kể chuyện cùng nhau, lắng nghe lời tâm sự tỉ tê đang dần mờ nhạt. Gia đình - khối gắn kết đang dần rời rạc bởi chính công nghệ số ư? Xin đừng vô tình giúp con “nghiện” smartphone…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!