Câu chuyện giáo dục:

Đúng gật, sai cũng gật

(Dân trí) - Những khi khách hàng nước ngoài đến làm việc, ông giám đốc phải “tư vấn” trước để đối tác hiểu về thái độ của nhân viên người Việt. Đừng tưởng họ gật đầu mà họ đồng tình, đừng tưởng họ nhận lời nghĩa là họ có thể làm được.

Vị giám đốc một công ty xây dựng, từng học tiến sĩ tại Pháp nói rằng sinh viên (SV) chúng ta cần học ở SV bản ngữ tính thẳng thắn, thật thà và dám thể hiện đúng con người mình khi đề cập đến sự khác biệt giữ SV Việt Nam với SV các nước bản xứ.

Nhiều khách hàng từ các nước sang Việt Nam, mới đầu rất thích thú khi trong các cuộc họp, các vấn đề đưa ra luôn nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân viên. Giao việc gì họ cũng nhận.

Sai cũng gật, đúng cũng gật
Sinh viên chúng ta ít dám bày tỏ quan điểm, bảo vệ chính kiến của mình cũng như ngại thừa nhận năng lực thật sự của bản thân. (Ảnh minh họa) 

Chỉ khi bắt tay vào công việc thì kết quả khác hẳn. SV chúng ta không làm được như những gì mình thể hiện và cam kết với người khác. Có nhiều điều họ không đồng tình, thấy không hợp lý nhưng họ vẫn gật đầu.

Bởi thế, mỗi khi làm việc với người nước ngoài, ông giám đốc phải “tư vấn” trước để đối tác hiểu rằng, nhân viên người Việt trước các vấn đề đưa ra, đúng hay sai thì họ... cũng đồng tình hoặc cùng lắm là im lặng chứ ít bày tỏ chính kiến của mình. Khác với SV các nước, điều không biết, họ sẽ thừa nhận để học hỏi. Còn điều họ biết và cho là đúng, họ sẽ rất quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình.

Từng làm việc ở môi trường trong và ngoài nước, ông David Dương, Tổng GĐ Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam đưa ra hình ảnh rất rõ về sự khác biệt của người nhân sự trong nước. Ở nước ngoài, khi tiếp nhận một công việc, nhân viên có trách nhiệm rất cao, quản lý có thể yên tâm. Còn ở trong nước, do thái độ “không biết đường nào mà lần” của nhân viên nên sếp vừa giao việc vừa thom thóp lo giám sát, nhắc nhở.

Nguy hiểm nhất có nhiều người được giao việc quá khả năng nhưng không dám thừa nhận mình không làm được mà cứ gật đầu... nhận bừa. Như thể, người ta bảo anh nhảy xuống hồ, anh không dám nói rằng mình không biết bơi mà vẫn nhắm mắt làm liều một cách vô trách nhiệm.

Sản phẩm “sai cũng gật, đúng cũng gật” là kết quả của phương thức giáo dục áp đặt từ gia đình đến nhà trường. Từ ngày nhỏ, trẻ con chúng ta được “rào” bởi khuôn khổ chỉ cần nghe lời bố mẹ, thầy cô là đủ. Người lớn luôn cho rằng ý mình là đúng, là tốt nhất chỉ vì mình là người đi trước mà ít cho trẻ cơ hội phản biện.

Trẻ làm không đúng ý người lớn có thể phải đối diện với những hình phạt nên cách tốt nhất với các em là... làm theo, không đưa ý kiến. Trẻ mất dần tính tư duy phản biện và trở nên mất tự tin vào bản thân. Mất tự tin đến mức những việc ngoài khả năng, không làm được nhưng ít ai dám thừa nhận để nhờ hỗ trợ hoặc biết cách từ chối.

Một trong những nhiệm vụ của giáo dục là giúp học trò có niềm tin ở chính mình, tin vào năng lực của bản thân. Nhưng chúng ta đang dạy cho các em tin và dựa dẫm vào năng lực của người khác nhiều hơn vào bản thân. Khi không tin vào mình thì một trong những cách để tồn tại là sống và làm việc một cách thiếu trung thực.

Hoài Nam