Bình Định:

Đừng để khái niệm “cháy giáo án” ám ảnh giáo viên

(Dân trí) - Đổi mới căn bản nội dung và phương thức đánh giá giáo viên thông qua giờ dạy để tạo điều kiện cho giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, loại bỏ khái niệm “cháy giáo án” trong việc đánh giá giờ dạy của giáo viên…

Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” giai đoạn 2011 - 2015
Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” giai đoạn 2011 - 2015

Đó là phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) tại Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” giai đoạn 2011 - 2015, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sáng 30/5.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng trên 200 đại biểu đại diện các cán bộ, chuyên viên các Cục, Vụ chức năng Bộ GD-ĐT, Sở giáo dục trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì hôi nghị
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì hôi nghị

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, qua 5 năm triển khai thực hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” (BTNB) đã được áp dụng và đạt hiệu quả ở nhiều trường phổ thông trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, việc triển khai phương pháp BTNB, nhất là thực hiện việc sắp xếp lại nội dung dạy học một cách phù hợp, thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp BTNB. Một số nội dung dạy học trong trương chương trình giáo dục phổ thông được sắp xếp lại một cách hợp lý hơn, khắc phục được một số chồng chéo về nội dung giữa các môn, góp phần giải quyết giảm tải chương trình. Nhiều nội dung đổi mới đã được cập nhật, bổ sung vào chương trình dạy học thông qua yêu cầu thiết kế các hoạt động học tích cực của học sinh…

Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Nhận thức của một bộ phận quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh về bản chất của phương pháp BTNB và phương pháp dạy học tích cực khác còn hạn chế; sự hiểu biết chung về các vấn đề như: khả năng tự học của học sinh; khả năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong tổ chức các hoạt động của học sinh.

Hiện nay khái niệm cháy giáo án vẫn là nỗi áp ảnh của giáo viên khi bị dự giờ
Hiện nay khái niệm "cháy giáo án" vẫn là nỗi áp ảnh của giáo viên khi bị dự giờ

Việc quản lý chuyên môn, nhất là việc quản lý chương trình dạy học, giáo dục của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý cấp sở, phòng, trường còn nặng nề theo phong cách hành chính, áp đặt. Việc dự giờ, nhận xét, đánh giá giờ dạy của nhiều cán bộ quản lý cấp sở, phòng, nhà trường còn chậm đổi mới; vẫn làm theo thói quen cũ mà không cập nhập theo các tiêu chí phân tích, rút kinh nghiệm; khả năng vận dụng để thiết kế tiến trình dạy học của giáo viên còn hạn chế không theo phương pháp BTNB…

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Xuân Thành, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cho rằng: “Khi đổi mới phương pháp, đặc biệt là dạy học theo phương pháp tích cực BTNB mà vẫn giữ nguyên cách đánh giá như cũ sẽ không thể nào đánh giá đúng. Việc đổi mới phương pháp dạy học, trước đây dạy theo từng tiết, giáo viên cố dạy cho hết bài thì bây giờ dạy phải để giờ học, tiết học theo hướng mở ra. Không thể có chuyện đánh giá một giờ dạy hay dự một giờ học của thầy cô mà có khái niệm “cháy giáo án”, cứ ám ảnh trong đầu người thầy trong suốt bao nhiêu năm qua”.

Tặng bằng khen cho 57 cá nhân xuất sắc trong việc triển khai thực hiện phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”.
Tặng bằng khen cho 57 cá nhân xuất sắc trong việc triển khai thực hiện phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”.

Để tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học BTNB, phó Vụ trưởng Thành, nhấn mạnh: “Trong thời gian tới tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về định hướng chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng năng lực của học sinh; tăng cường chỉ đạo việc giao quyền chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cho các trường và giáo viên; tập trung chỉ đạo, tập huấn cho cán bộ quản lý về chủ trương của Bộ và nghiệp vụ quản lý chuyên môn theo hướng tăng quyền chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục cho nhà trường và các tổ chuyên môn; bố trí nguồn nhân lực, tài chính để không ngừng xây dựng, chuẩn hóa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất…”.

Dịp này, Bộ GD-ĐT cũng đã trao bằng khen cho 57 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”.

Doãn Công