Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Bỏ quy định miễn học phí bậc tiểu học

(Dân trí) - Trong khi điều 59 của Hiến pháp 1992 quy định “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” thì dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bỏ ý này mà thay bằng câu ở điều 42: “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”.

Với việc quy định chung chung như vậy khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng bản dự thảo Hiến pháp mới đang có những bước “thụt lùi” (so với hiến pháp hiện hành)? Với việc sửa đổi này thì liệu việc phổ cập giáo dục tiểu học và THCS có còn khả thi?...
 
Sự lo lắng của dư luận xã hội không phải là không  có cơ sở. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà quản lý thì dưới Hiến pháp còn có Luật và thông tư hướng dẫn.
 
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không đề cập đến việc bậc tiểu học được
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không đề cập đến việc bậc tiểu học được
 miễn học phí như trước kia.
 
Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) Hà Nội cho rằng, đã là Hiến pháp thì phải tổng thể không nên chi tiết quá. Nếu quá chi tiết thì khi soạn thảo các văn bản Luật sẽ nhiều gặp khó khăn bởi sự thay đổi của xã hội, từ điều kiện thực tế… Cụ thể, mình muốn thay đổi Luật để phù hợp với thực tế thì lại vướng “rào cản” quá chi tiết của Hiến pháp. Chính vì thế, việc dự thảo Hiến pháp quy định chung chung như vậy cũng có cái tốt của nó, vấn đề là ở chỗ các văn bản Luật kế tiếp sẽ được điểu chỉnh như thế nào. Hiện tại Luật giáo dục vẫn khẳng định học sinh tiểu học theo học trường công lập được miễn học phí.
 
Dưới góc độ ở đơn vị cơ sở, cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) phân tích thêm: Hiến pháp năm 1992 quy định “cứng” là bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Những nếu so với hiện tại thì rõ ràng có sự bất cập. Như chúng ta đã biết, ngoài hệ thống trường công thì vẫn còn hệ thống trường tư và gần đây là mô hình các trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao, trường công lập tự chủ tài chính… Vấn đề đặt ra: học sinh tiểu học có được miễn học phí khi theo học các loại hình trường như vậy? Rõ ràng hiện tại là không và chúng ta cũng đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục nên việc quy định cứng là không cần thiết.
 
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ thêm: “Ở các nước phát triển khi đưa quy định vào Hiến pháp thì bắt buộc phải thực hiện. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng như nhau vì thế nếu học sinh tiểu học được miễn học phí ở trường công thì khi theo học ở ngoài hệ thống này vẫn phải được nhà nước hỗ trợ tương ứng để hỗ trợ các em đóng góp học phí. Lâu nay chúng ta tuân thủ Hiến pháp nhưng chưa thể thực hiện được điều này”.
 
Dưới góc độ khác, GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiết lộ thêm: “Trước đây Chính phủ có quy định, nếu bậc học nào đó được phổ cập thì cấp học đó được miễn học phí. Chúng ta đã ghi điều này ở trong Hiến pháp nhưng lúc đất nước khó khăn thì thực hiện được nhưng sau này phát triển từ bao cấp sang thị trường thì lại không thực hiện được, nói phải đóng góp rất là nhiều. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của tất cả các văn bản đời sống pháp luật của đất nước thì nên ghi rõ điều đó vào Hiến pháp sửa đổi”.
 
Cũng theo GS.VS Phạm Minh Hạc thì Hiến pháp nếu có sửa đổi, bổ sung thì nên đưa vào quy định: “Tất cả các bậc học phổ cập thì được miễn học phí”. Điều này có nghĩa việc miễn học phí không chỉ được thực hiện ở bậc tiểu học mà còn phải tiến tới ở bậc THCS.
 
Trước vấn đề đặt ra "Hiến pháp có thể không quy định chi tiết nhưng Luật Giáo dục lại quy định thì liệu có sự bất cập gì hay không?", GS.VS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh: “Đúng là dưới Hiến pháp thì còn các văn bản Luật. Tuy nhiên nếu điều này được quy định thẳng vào Hiến pháp thì hay hơn vì nó là tối cao nhất”.
 
Không bàn luận trực diện về bản dự thảo Hiến pháp, lãnh đạo Vụ tiểu học (Bộ GD-ĐT) chỉ khẳng định: “Giáo dục bậc tiểu học có được thành tựu như ngày nay cũng xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi miễn học phí đối với bậc học này”.
 
Nguyễn Hùng