Độc đáo ngôi nhà “chống lũ, chống bão” của học sinh Quảng Trị

(Dân trí) - Ba học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vừa thiết kế thành công “ngôi nhà sống chung với lũ” và đoạt giải Nhất hội thi Khoa học và Kỹ thuật VISEF tỉnh Quảng Trị năm 2013.

Nhiều lần chứng kiến cảnh lũ tràn vào nhà cửa, cuốn phăng tài sản, phá hủy mùa màng gây thiệt hại lớn về người và của cải, em Trần Thị Tố Như - học sinh lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trăn trở, ấp ủ ý tưởng về một ngôi nhà sống chung với lũ để giúp người dân bớt khổ, yên tâm sinh sống. 

Từ ý tưởng trên, em Trần Thị Tố Như cùng với 2 người bạn thân là Lê Thanh Thiên (cùng học lớp 9C) và Võ Duy Khánh (lớp 9B) dưới sự hướng dẫn của cô giáo dạy toán Nguyễn Thị Vân đã hoàn thành xuất sắc đề tài mô hình trên.

Ngôi nhà dùng vật liệu chủ yếu bằng gỗ có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, ước tính chi phí thực tế khoảng 45 - 50 triệu đồng.

Độc đáo ngôi nhà “chống lũ, chống bão” của học sinh Quảng Trị
Nhóm 3 tác giả Thanh Thiên, Duy Khánh, Tố Như cùng cô giáo Nguyễn Thị Vân bên mô hình “ngôi nhà sống chung với lũ”.

Em Trần Thị Tố Như cho biết, việc xây dựng ngôi nhà không đòi hỏi quá khắt khe về vật liệu, cầu kỳ về kỹ thuật.

Ngôi nhà gồm hai phần: Phần cố định giữ chức năng chính của ngôi nhà, là phần không gian sinh hoạt. Phần hai là phần di động, là nơi ở cho con người khi xảy ra có bão lũ.

Phía dưới ngôi nhà là  8 trụ sắt trượt chống rỉ cùng hệ thống thùng phi với khoảng 40 thùng, có tác dụng khi có lũ, nước lên tới đâu, nhà sẽ dâng lên tới đó nhờ lực đẩy của thùng phi và hệ thống trụ sắt trượt. Trọng tải của ngôi nhà có khả năng nâng lên đến gần 5 tấn.

Phần mái hiên trước và mái hiên sau được làm bằng gỗ hoặc mái tôn. Xung quanh nhà được thiết kế vật liệu gỗ nhẹ (nhóm 3,4), có tác dụng giảm trọng lượng ngôi nhà khi có lũ về sẽ dâng cao hơn và chịu được trọng tải lớn.
 
Cận cảnh mô hình ngôi nhà tự động nổi lên cao khi bơm nước vào
Cận cảnh mô hình ngôi nhà tự động nổi lên cao khi bơm nước vào.

Em Lê Thanh Thiên cho biết thêm, ngoài khả năng chống lũ lụt, ngôi nhà còn có thể chống bão. Khi bão về, phần di động sẽ nổi lên theo mực nước, 8 trụ sắt trượt có tác dụng nâng ngôi nhà lên cao. Để giữ ngôi nhà không bồng bềnh trôi theo sóng nước, chúng em đã tính lực gió đẩy, gió hút hai bên và mua dây cáp neo 8 múi giữ chặt ngôi nhà cân đối đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Chia sẻ về ý tưởng, em Tố Như nói: “Quê em thuộc vùng trũng xã Triệu Long, mỗi mùa mưa bão tới đều phải chạy đi tránh nạn. Nhiều khi, nước lũ nhanh quá cuốn trôi đồ đạc, tài sản cả năm trời người dân tích cóp làm ăn. Bằng kiến thức được thầy cô giáo giảng dạy, em muốn làm được một điều gì đó để giúp người dân bớt khổ, đảm bảo tài sản, tính mạng khi lũ tới và yên tâm sinh sống”.

Đại diện của nhóm bày tò: Để mô hình phù hợp với thực tế, chúng em đã tiến hành đi khảo sát một số vùng trũng thường xuyên xảy ra ngập lụt hàng năm. Sau đó, trong khoảng 6 tháng (tháng 6 đến tháng 12/2012), chúng em mới hoàn thành mô hình này với những yêu cầu đặt ra. Mục đích là giảm thiểu những hậu quả xấu do thiên tai, lũ lụt gây ra, góp phần mang lại cuộc sống an toàn cho người dân.

Đề tài “Ngôi nhà sống chung với lũ” đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, tâm huyết và khả năng ứng dụng thực tế. Đến nay, bộ ba tác giả Như - Thiên - Khánh dự định sẽ mang mô hình này tham gia vào các cuộc thi cấp quốc gia.

Cận cảnh mô hình ngôi nhà tự động nổi lên cao khi bơm nước vào
Cô Vân cùng các học trò đang chỉnh sửa mô hình cho ngày càng hoàn thiện hơn để mang dự thi các cuộc thi lớn.
 
Cận cảnh mô hình ngôi nhà tự động nổi lên cao khi bơm nước vào
Cô trò đang đang làm thí nghiệm đổ nước vào ngôi nhà tự động nổi lên, nước dâng lên tới đâu, nhà nâng lên tới đó.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 29/3, cô giáo Nguyễn Thị Vân - hướng dẫn trực tiếp mô hình này trăn trở: Nhóm 3 học sinh đoạt giải này nhiều năm liền đều là học sinh giỏi. Ý tưởng về đề tài mô hình chống lũ, chống bão của các em đều bắt nguồn từ thực tế bão lũ miền Trung. Ngôi nhà có khả năng ứng dụng cao, hy vọng mở ra cơ hội cho người dân miền Trung sống chung với lũ, giảm tối đa thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. Mong rằng kết quả nghiên cứu của các em sẽ được các cơ quan nghiên cứu ứng dụng và được các mạnh thường quân hỗ trợ để mô hình sẽ được đưa vào cuộc sống, giúp người dân sống chung với lũ”.

Nguyễn Tuấn