Đỗ đại học với 23,7 điểm khối A, nữ sinh mồ côi có nguy cơ lỡ hẹn giảng đường

(Dân trí) - Dù thừa điểm vào trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng nhưng đối với em Nguyễn Thanh Thúy, việc học có thể dở dang vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Bố mất vì bạo bệnh, người mẹ tần tảo buôn bán sớm hôm không đủ nuôi 3 con ăn học…

Liên tiếp đạt học sinh xuất sắc trong 3 năm cấp ba và đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cô học trò Nguyễn Thanh Thúy (khối phố Tứ Câu, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) khiến bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ với kết quả thi đại học khá xuất sắc với 23,7 điểm khối A (Toán 8,2 điểm, Lý 8,25 điểm và Hóa 7,25 điểm).

Đỗ đại học với 23,7 điểm khối A, nữ sinh mồ côi có nguy cơ lỡ hẹn giảng đường - 1

Thành tích trong 3 năm học THPT của Thúy

Sau khi có điểm chuẩn vào trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Thúy lại thông báo với tôi: Em đã đỗ rồi. Đó là niềm vui lớn với em và gia đình nhưng ngặt nỗi, hoàn cảnh gia đình Thúy quá khó khăn, bố mất vì bạo bệnh cách đây 4 năm, một mình mẹ tần tảo sớm hôm nuôi 3 con ăn học.

Mẹ Thúy, chị Huỳnh Thị Nhường kể lại hoàn cảnh của mình: Cách đây hơn 4 năm, chồng phát bệnh hiểm nghèo, một mình chị phải tất tả sớm hôm vừa lo tiền thuốc men cho chồng, vừa lo cho cuộc sống của cả gia đình.

Đỗ đại học với 23,7 điểm khối A, nữ sinh mồ côi có nguy cơ lỡ hẹn giảng đường - 2

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần hai mẹ con Thúy đã bật khóc

Hoàn cảnh của chị cũng đặc biệt hơn người khác: Chồng bị bệnh hiểm nghèo, con trai đầu tên Nguyễn Viết Phước bị hội chứng down, con trai thứ hai Nguyễn Viết Thọ học cũng giỏi, thích ngành Kiến trúc nhưng vì quá khó khăn, gia đình không lo nổi nên em chọn Trường Cao đẳng Điện lực Miền Trung ở Hội An để học cho đỡ chi phí.

Làm đủ việc mưu sinh nhưng cũng không đủ, khi chồng phát bệnh, không còn cách nào khác, chị phải đi vay mượn của nhiều người và nhà nước. Với số nợ hàng chục triệu đồng mà đến nay chị vẫn chưa trả xong.

Đỗ đại học với 23,7 điểm khối A, nữ sinh mồ côi có nguy cơ lỡ hẹn giảng đường - 3

Ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp của gia đình

Chị kể: 2h sáng phải thức dậy nấu xôi, sữa đậu nành để 4h xuống chợ Điện Ngọc bán. Ngày đắt khách thì kiếm được trên 100 ngàn, ngày ế ẩm thì kiếm chưa đến trăm ngàn. Buổi chiều thì ở nhà làm rau, làm bắp, tỉa đậu, nuôi heo để trang trải thêm cho gia đình nhưng không đủ đâu vào đâu. Cuộc sống rất bế tắc.

Một mình lo cho cả nhà, sức khỏe của chị cạn kiệt, bệnh tật xuất hiện nhưng chị vẫn không bỏ cuộc vì chỉ mong cho con ăn học đàng hoàng, thi đỗ đại học như người ta. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần chị không kìm được nước mắt…

Đỗ đại học với 23,7 điểm khối A, nữ sinh mồ côi có nguy cơ lỡ hẹn giảng đường - 4

Những ngày hè, Thúy phụ giúp mẹ việc nhà và buôn bán ở chợ

Dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng chưa khi nào Thúy đầu hàng trước số phận. Những năm học cấp hai chỉ là một học sinh khá, nhưng từ ngày gia đình gặp biến cố, bố bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời cách đây 4 năm, Thúy luôn tự nhủ mình phải học thật tốt để lớn lên có một cái nghề kiếm tiền phụ mẹ.

Xác định chịu thua thiệt với bạn bè nên Thúy hạn chế những buổi vui chơi, dã ngoại để phụ mẹ nuôi anh trai ở giảng đường và anh đầu bị bệnh. Thúy bảo, ngày ba mới mất cũng là lúc anh trai sắp sửa bước vào đại học. Dù anh học giỏi, ước mơ thi vào ngành Kiến trúc nhưng nhà nghèo, ngành học phải đóng học phí cao nên anh đành chọn Trường Cao đẳng Điện lực ở Hội An để gần nhà.

Tâm sự của nữ sinh mồ côi cha có nguy cơ lỡ hẹn giảng đường

Thúy chia sẻ: “Bản thân em không muốn bỏ học nhưng thấy mẹ quá khổ, không ít lần em có ý định thôi học đi làm thêm để phụ giúp mẹ nhưng những lần như thế em đều bị mẹ mắng. Đêm đến, mẹ nằm động viên phải nhớ lời bố dặn trước lúc mất là phải cố học giỏi, sau này ra trường trả công ơn cha mẹ. Từ đó, em luôn hứa với lòng mình, phải học ngày học đêm, học thật giỏi”.

Vì hoàn cảnh quá khó khăn nên suốt những năm học cấp 3, đến cả sách học Thúy cũng đi mượn sách cũ của anh chị lớp trước hay bạn bè trong xóm. Tuy vậy, trong 3 năm học THPT, Thúy luôn là học sinh xuất sắc, là cô học trò gương mẫu, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Lớp 10 và 11, em giành được Huy chương Bạc môn Sử ở kỳ thi Olympic. Tiếp đến lớp 12, em được chọn vào đội bồi dưỡng môn Vật lý và xuất sắc đạt giải Nhì trong cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh.

Nhận được tin mình đã chính thức có tên đỗ vào khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành - ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng nhưng nỗi lo nhiều hơn niềm vui vì những ngày sắp tới là những ngày lo toan. Bao nhiêu việc cần đến tiền để trang trải chi phí cho việc học, ngặt nỗi giờ gia đình vẫn còn nợ tiền vay của nhà nước, công việc của mẹ Thúy không kiếm ra nhiều tiền…

Dịp nghỉ hè này, từ tinh mơ sáng Thúy lại lặn lội xin làm phụ bàn quán cà phê ở Đà Nẵng để phụ giúp mẹ. Không có xe máy, Thúy phải xin đi nhờ bạn ở hàng xóm ra chỗ làm.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Trương Thế Phương - giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp ba trường THPT Nguyễn Khuyến (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) của Thúy cho hay, Thúy là một học trò rất thông minh, hoàn cảnh khó khăn thật sự. Về học tập thì em đứng thứ 2 và 3 của trường.

“Với kết quả thi đại học của em, bản thân tôi và nhà trường cũng rất mừng, nhưng cũng lo cho em vì gia đình khó khăn trăm bề. Mẹ em cũng gọi cho tôi nói nhà khó khăn quá, chắc là không cho Thúy đi học nữa, tôi cũng khuyên chị là cố gắng vay mượn ngân hàng hay nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân để cho cháu tiếp tục đi học”, thầy Phương nói.

Bạn đọc có lòng hảo tâm muốn hỗ trợ em Nguyễn Thanh Thúy, xin liên hệ số điện thoại: 0764 569 466 (em Thúy) hoặc 0905 689 044 (chị Nhường - mẹ em Thúy).

Công Bính