Diễn đàn Kinh tế thế giới: 8 đặc trưng quan trọng của nền giáo dục 4.0

(Dân trí) - Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Davos, đêm 14/1 tại Geneva,Thụy Sĩ (theo giờ Việt Nam), Diễn đàn Kinh tế thế giới đã giới thiệu một báo cáo về những điểm đặc trưng quan trọng và cần thiết của giáo dục trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được coi là bản báo cáo rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục toàn cầu.

Dân trí xin giới thiệu đến bạn đọc và các chuyên gia giáo dục một số điểm quan trọng của báo cáo này. Bạn đọc có thể tham khảo bản gốc của báo cáo bằng tiếng Anh SCHOOL OF THE FUTURE TẠI ĐÂY .

Để đào tạo ra những cá nhân có kiến thức và kỹ năng thích ứng tốt trong thị trường lao động 4.0, giáo dục 4.0 cần có những thay đổi trong nội dung giảng dạy cũng như tạo ra những trải nghiệm học tập mới cho người học thông qua những phương pháp giáo dục mới.

Theo báo cáo có tên đầy đủ Schools of the Future: Defining New Models of Education for the Fourth Industrial Revolution của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trường học tương lai trong kỷ nguyên 4.0 sẽ có 8 đặc trưng quan trọng sau:

1. Những kỹ năng của công dân toàn cầu

Giáo dục 4.0 cần phải trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng, và nhận thức về một thế giới rộng lớn hơn quốc gia mình đang sống để tạo ra những công dân toàn cầu - những người hiểu rõ về các vấn đề của thế giới và cùng tham gia tích cực vào cộng đồng thế giới để giải quyết các vấn đề này.

2. Kỹ năng đổi mới sáng tạo

Giáo dục 4.0 cần trang bị cho người học rất nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho việc phát triển năng lực đổi mới sáng tạo ở người học, bao gồm kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phân tích, kỹ năng phân tích hệ thống và kỹ năng phân tích một cách sáng tạo.

Diễn đàn Kinh tế thế giới: 8 đặc trưng quan trọng của nền giáo dục 4.0 - 1

3. Kỹ năng kỹ thuật trong thời đại số

Nhiều nội dung nhằm phát triển kỹ năng số của người học cần được tập trung phát triển: kỹ năng lập trình, năng lực sử dụng công nghệ, và trách nhiệm số (digital responsibility).

Đặc biệt, năng lực và trách nhiệm số nên được hiểu là những kiến thức về rủi ro khi gia nhập thế giới số, kỹ năng kiểm tra thông tin và nhận biết thông tin thất thiệt, kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin cá nhân của bản thân, cũng như khả năng tự bảo vệ bản thân trước những rủi ro trên môi trường internet và thế giới kết nối đa chiều.

4. Kỹ năng mềm liên quan đến giao tiếp

Khi tự động hóa lên ngôi và robot đang dần thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, những kỹ năng mềm cần được tập trung chú trọng bên cạnh các kỹ năng cứng (kỹ năng kỹ thuật). Những kỹ năng cần được chú trọng phát triển trong nền giáo dục 4.0 bao gồm trí tuệ cảm xúc, khả năng thấu cảm, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, kỹ năng thương thảo, kỹ năng lãnh đạo và nhận thức về xã hội.

5. Học tập cá nhân hóa

Tương lai của giáo dục 4.0 sẽ chuyển từ một nền giáo dục quy chuẩn sang giáo dục mang tính cá nhân hóa, giáo dục hướng đến nhu cầu và năng lực của từng cá nhân.

Nền giáo dục 4.0 cũng cần đạt được tính linh hoạt cần thiết để đảm bảo rằng mỗi cá nhân được học tập với năng lực và tốc độ của riêng mình.

Diễn đàn Kinh tế thế giới: 8 đặc trưng quan trọng của nền giáo dục 4.0 - 2

6. Học tập có tính bao trùm và dành cho tất cả mọi người

Với sự hỗ trợ của công nghệ, học tập trong thời đại 4.0 không chỉ hạn chế trong không gian trường học mà được mở rộng ra cho tất cả mọi người có nhu cầu (thông qua các hình thức học online, học tập theo dự án cùng với các bạn ở nhiều quốc gia khác nhau qua kết nối internet…).

7. Học tập dựa trên giải quyết vấn đề và sự hợp tác, tương tác giữa người học

Giáo dục 4.0 sẽ chuyển từ những mô hình giáo dục truyền thống sang sử những phương pháp giáo dục mới như học tập theo dự án (project-based learning) và học tập theo hướng giải quyết vấn đề (problem-based learning).

Những phương pháp mới này đòi hỏi người học phải làm việc và phối hợp trực tiếp với nhau trong quá trình học, đồng thời phát triển những kỹ năng mềm trong giao tiếp. Các phương pháp giáo dục mới này cũng phản ánh và mô phỏng thị trường lao động trong thời đại 4.0.

8. Học tập suốt đời lấy học sinh làm trung tâm

Với tốc độ thay đổi như vũ bão trong kỷ nguyên 4.0, rất nhiều kiến thức được trang bị ngày hôm nay sẽ trở nên lỗi thời trong tương lai ngắn. Vì vậy, giáo dục 4.0 cần chuẩn bị và tạo điều kiện cho người học được học tập suốt đời.

Nhu cầu đào tạo lại nhân viên của các doanh nghiệp cũng sẽ không ngừng gia tăng, vì vậy các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị tốt cho xu thế này.

Bên cạnh đó, quá trình dạy và học suốt đời cần lấy người học làm trung tâm, để đảm bảo không ngừng cập nhật và trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Bài học cho Việt Nam

Để minh họa cho những đặc trưng kể trên, các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng nêu ra 16 mô hình giáo dục điển hình trên toàn thế giới, được tổng hợp thông qua một quá trình tham vấn và thu thập dữ liệu toàn cầu (xem báo cáo chi tiết bằng tiếng Anh TẠI ĐÂY ).

Những điển hình này cần được tham khảo và nhân rộng ở Việt Nam để đảm bảo rằng nền giáo dục Việt Nam trong tương lai sẽ có khả năng tạo ra những công dân toàn cầu, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng với thị trường lao động thay đổi như vũ bão của thời đại 4.0.

Nga Leopold

(Từ Geneva, Thụy Sĩ)