TPHCM:

Đề xuất mô hình tốt nghiệp lớp 9 vẫn có thể thi đại học

(Dân trí) - Sở GD-ĐT TPHCM đã trình thành phố đề án mô hình 9 + 5. Theo đó, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, có thêm 5 năm học nghề có bằng cao đẳng thì có thể thi vào ĐH mà không cần bằng tú tài THPT.

Thông tin được bà Trần Thị Kim Thanh, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ tại buổi gặp gỡ giữa Thường trực HĐND TPHCM với cử tri trẻ sáng 8/4 khi đề cập đến thực trạng hướng nghiệp cho học sinh (HS) hiện nay.

Bà Kim Thanh cho biết, hoạt động hướng nghiệp được thực hiện trên những quy định cơ bản theo chiến lược đào tạo 2011 - 2020 của Chính phủ và chỉ thị 10 của Bộ Chính trị về quy định phân luồng HS sau THCS, THPT yêu cầu 30% HS học nghề.

Thời gian qua, ngành giáo dục TPHCM tổ chức rất nhiều hoạt động hướng nghiệp cho HS. Tuy vậy, bà Thanh thừa nhận công tác tư vấn và hướng nghiệp còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là thiếu các hoạt động chuyên sâu để HS nhìn nhận một cách có hệ thống, chọn lọc và không bị lệch hướng trong việc chọn nghề.

Đề xuất mô hình tốt nghiệp lớp 9 vẫn có thể thi đại học
Nếu mô hình 9 + 5 được đưa vào, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vẫn có thể vào ĐH bằng con đường học nghề.

Để khắc phục những hạn chế, ngành giáo dục sẽ tiếp tục kết hợp cùng Thành đoàn, các trường ĐH, CĐ, trường nghề đưa ra những biện pháp cụ thể, hiệu quả hơn giúp HS hướng nghiệp và chọn nghề phù hợp.

Đặc biệt, bà Kim Thanh cho biết, Sở GD-ĐT TPHCM đã xây dựng và trình lên UBND thành phố đề án mô hình 9+5 để thành phố xin Bộ GD-ĐT cho thực hiện thí điểm mô hình này. Nghĩa là sau khi tốt nghiệp THCS, HS sẽ học nghề tiếp 5 năm. Học hết 2 năm thì các em có bằng sơ cấp nghề, còn học hết 5 năm sẽ có bằng cao đẳng nghề. Từ đó, HS có thể thi lên ĐH mà không cần bằng tú tài THPT.

Nếu được chấp nhận, mô hình đào tạo kiểu mới này sẽ góp phần thực hiện yêu cầu 30% HS học nghề của Bộ Chính trị. Đồng thời giúp cho HS tốt nghiệp THCS không có điều kiện học lên THPT vẫn có cơ hội học lên cao bằng chính tay nghề của mình.

Anh Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Thành đoàn TPHCM đánh giá, hoạt động hướng nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các hoạt động chưa đa dạng, đơn thuần là các buổi tư vấn, chia sẻ thông tin. Còn việc phân luồng, định hướng nghề gắn với trung cấp nghề, đào tạo nghề đến với các em còn hạn hẹp.

“Lỗ hổng lớn nhất là việc hướng nghiệp là chưa đến được với phụ huynh. HS được tham gia nhiều hoạt động tư vấn, được giao lưu gặp gỡ với những gương điển hình học nghề nhưng phụ huynh thì không. Trong khi, phần lớn các em chọn nghề theo định hướng từ gia đình”, anh Nguyễn Mạnh Cường nói về bất cập trong hướng nghiệp hiện nay.

Hoài Nam