Đề xuất đổi tên Trường Lương Thế Vinh thành Trường Văn Như Cương

(Dân trí) - Ngày 1/10, hội thảo về cố nhà giáo Văn Như Cương được tổ chức tại Hà Nội. Với những đóng góp của nhà giáo này, có ý kiến đề xuất nên đổi tên Trường Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) thành Trường Văn Như Cương.

Năm 1988, nhà giáo Văn Như Cương đã thành lập trường tư thục đầu tiên ở nước ta. Ngôi trường mang tên Lương Thế vinh.

Ông là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học chữ để thành công trên đường đời.

Đề xuất đổi tên Trường Lương Thế Vinh thành Trường Văn Như Cương - 1

Cố nhà giáo Văn Như Cương

Phát biểu tại buổi hội thảo hôm nay, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam - đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo cho hay, 3 năm trước khi nhận được cuộc điện thoại của Chủ tịch một hệ thống giáo dục tư thục của Đức trước thềm một buổi tọa đàm, vị này đã nói rằng:

“Tôi rất quan tâm đến thị trường giáo dục của Việt Nam, các bạn có nhiều nhà giáo rất đặc biệt như thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Lê Qúy Đôn, thầy Phan Bội Châu… và thầy Văn Như Cương”. 

Đề xuất đổi tên Trường Lương Thế Vinh thành Trường Văn Như Cương - 2

Cố nhà giáo Văn Như Cương và câu nói bất hủ

Riêng về thầy Văn Như Cương, Chủ tịch hệ thống giáo dục tư thục của Đức nhấn mạnh: “Tôi nghĩ, ông Văn Như Cương không chỉ là một người thầy mà các bạn cần nghĩ đến ý tưởng lớn hơn, ông vừa là người thầy vừa là nhà khoa học giáo dục”. 

Những kỉ niệm về thầy Cương cũng được nhà giáo ưu tú, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi - nguyên Tổng biên tập nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mang đến hội thảo. Đó là những chuỗi ngày gian nan trước khi thầy Văn Như Cương mở Trường Lương Thế Vinh.

Đó là những ngày đầu, khi đội ngũ giáo viên của trường phải dạy học trong những căn phòng tạm bợ, được thuê mướn từ các đơn vị khác… Tất cả đã được thầy cô “trường Lương”, trong đó đứng đầu là nhà giáo Văn Như Cương vượt qua trong suốt chặng đường 30 năm, để có được ngày hôm nay.

Câu chuyện về “ông đồ gàn” Văn Như Cương được GS Nguyễn Khắc Phi chia sẻ, khiến nhiều người xúc động. 

Đề xuất đổi tên Trường Lương Thế Vinh thành Trường Văn Như Cương - 3

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi - nguyên Tổng biên tập nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cùng phu nhân cố nhà giáo Văn Như Cương tại hội thảo.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), một trong những cựu học sinh “Trường Lương” chia sẻ thêm: “Thầy Cương là bài học lớn cho tất cả chúng tôi. Tôi học ở thầy Cương và các thầy cô “Trường Lương” sự kiên tâm, làm giáo dục phải bền lòng, không được nản chí".

Thầy Nghiêm Ngọc Anh, nguyên giáo viên Trường Lương Thế Vinh nhớ lại những ngày đầu khi “đầu quân” về “Trường Lương”: “Tôi nói với anh Cương, anh cho tôi dạy, tôi không cần thù lao và chỉ muốn trải nghiệm tại Trường Lương Thế Vinh. Và tôi đã trở thành giáo viên ở đây như thế”.

Cũng theo cựu giáo viên này, mặc dù có nhiều ý tưởng nhưng có một nguyên tắc ông không bao giờ sai, đó là phải dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT. “Mặc dù thầy Cương viết rất nhiều sách Toán nhưng ông không đưa giáo trình của mình vào giờ dạy ở trường".

Cũng nhân hội thảo này, thầy Ngọc Anh đề xuất, nhà trường nên làm đơn gửi Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, đề nghị xin đổi tên Trường Lương Thế Vinh (cơ sở ở Tân Triều) thành trường tư thục Văn Như Cương.

Trao đổi với PV Dân Trí, bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, đồng thời phụ trách cơ sở Tân Triều, cho biết, trước khi thầy mất, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu tách trường bởi mỗi đơn vị giáo dục ngoài công lập chỉ được thành lập một cơ sở.

“Lúc đó gia đình có hỏi thầy về việc, sẽ đổi tên một cơ sở thành tên Văn Như Cương nếu ông qua đời. Tuy nhiên, ông không đồng ý và mong muốn giữ tên cũ bởi nó đã đồng hành suốt nhiều năm.

Do đó, gia đình quyết định, cho dù phải tách ra thì vẫn giữ nguyên tên Lương Thế Vinh bởi khi nhắc đến Lương Thế Vinh sẽ nhớ đến tên Văn Như Cương và ngược lại”, cô Liên Na cho biết.

Mỹ Hà