Giáo viên chia sẻ:

Đề cương ôn tập: “Món nợ” với học sinh!

(Dân trí) - Mùa thi về, học sinh các khối lớp nhao nhao đòi đề cương ôn tập các bộ môn. Và dù nhà trường đã triển khai nhiệm vụ giáo viên biên soạn đề cương phát cho học sinh từ cuộc họp đầu tháng 12, nhưng hôm qua thầy hiệu trưởng trường tôi lại nhắc nhở môn nào chưa có đề cương cần khẩn trương hoàn thành và chuyển cho học trò.

Đề cương ôn tập các bài kiểm tra cuối kỳ quan trọng và cần thiết đến thế sao? Từ lâu tôi đã trăn trở vô cùng về những bộ đề cương dài dằng dặc mấy trang giấy, chi chít chữ và con số và cách ôn luyện ra rả học thuộc lòng đề cương của học sinh phổ thông hiện nay.

Nếu đề cương ôn tập của giáo viên chỉ giới hạn phần kiến thức, kỹ năng cần trau dồi và rèn luyện thì không có gì để bàn cãi. Học sinh sẽ dựa vào những yêu cầu giới hạn đó để tự mình biên soạn kiến thức, mày mò tổng kết, thống kê,… Có như thế thì kiến thức mới được khắc sâu, năng lực tự học mới phát huy và học sinh sẽ thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của mình qua việc ôn luyện thi cử.

Đó là còn chưa kể đến việc học sinh có cơ hội trau dồi năng lực sáng tạo qua từng trang viết, năng lực liên hệ, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Sự sáng tạo, tư duy của học sinh cần được mài giũa trong quá trình học lẫn thi cử.

Vậy nhưng tiếc thay một thực trạng tréo ngoe đang tồn tại ở nhiều trường phổ thông hiện nay là giáo viên “vươn dài cánh tay” soạn sẵn bộ đề ôn tập cho học sinh. Kiến thức vừa dài vừa rộng của cả học kỳ bị “ém” lại thành từng câu hỏi trong đề cương kèm sẵn đáp án chi tiết.

Nhiều người bao biện rằng “thương các em lắm” và “lo các em soạn thiếu” nên sẵn tiện thầy cô soạn giúp đề cương. Và việc của trò chỉ đơn giản là học thuộc lòng đến ngày thi trả bài vào giấy cho thầy chấm lại “mớ” kiến thức thầy đã soạn hôm trước.

Mà môn nào cũng có đề cương, đề cương nào cũng dài đến phát khiếp. Chỉ tội bọn trẻ ê a ôn bài suốt ngày suốt đêm và phụ huynh chung tay dò bài con ra rả từ trang này sang trang khác. Kiến thức dồn dập từ môn này sang môn khác, cứ thế bọn trẻ học như một con vẹt, đọc làu làu để vào thi sau đó quay lưng lại quên ngay.

Mùa thi và những bộ đề cương ôn tập đã mài mòn khái niệm “tự học”, “sáng tạo”, “tư duy”… của bọn trẻ. Giáo viên sợ học sinh điểm thấp, chất lượng thấp, chỉ tiêu thấp nên ra sức soạn đề cương càng chi tiết càng tốt. Phụ huynh lo con thi cử kết quả thấp và không đạt danh hiệu này nọ nên ra sức hối thúc con trẻ ôn luyện.

Nếu Sinh, Sử, Địa… còn có thể dễ dàng “gạo” bài trong đề cương để thi thì đáng buồn thay môn Văn cũng đang đi vào vết xe đổ của tình trạng học thuộc lòng văn mẫu. Trẻ tiểu học được giới hạn một số đề văn và cứ thế học thuộc lòng, viết thử vài lần và vào phòng thi chép lại y nguyên bài văn đã ôn.

Trò cấp hai cũng chẳng khá hơn là bao khi tình trạng học thuộc văn và chép văn vẫn còn diễn ra. Đề cương môn văn cấp hai đòi hỏi phải chi tiết, kiến thức văn bản, tiếng Việt phải đầy đủ để trò học. Kiến thức tập làm văn phải có dàn ý chi tiết để trò làm văn.

Tất cả đang dần biến bọn trẻ lệ thuộc vào mấy cái đề cương ôn tập nên tình trạng nheo nhéo đòi đề cương mỗi mùa thi lại tái diễn. Đáng buồn thay! Ngành giáo dục nói nhiều về đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh nhưng đề kiểm tra vẫn nặng về kiến thức, coi trọng việc kiểm tra khả năng ghi nhớ của người học.

Vậy nên, đổi mới phương pháp dạy học phát triển năng lực người học, dạy học tăng cường tính ứng dụng, thực hành… vẫn còn rất mơ hồ khi đề cương ôn tập vẫn tồn tại. Đó là một món nợ với học sinh…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!