Bạn đọc viết:

Đáng buồn khi phần thưởng bị đem ra mua bán, đổi chác

(Dân trí) - Năm học vừa kết thúc cũng là thời điểm nhạy cảm vô cùng khi các trang mạng xã hội ngập tràn bảng điểm, giấy khen, phần thưởng. Thành tích lung linh như thế nhưng thực tế lại lắm điều trần trụi đáng buồn.

“Chị nộp vào một trăm nghìn là cháu có phần thưởng?”

Hai cháu tôi năm nay 3 tuổi, đều xin vào học lớp C của một trường mầm non thành phố từ sau Tết. Đi học được dăm bữa nửa tháng, cả hai cháu đều nghỉ học vì bố mẹ xót con đi học sút cân, hay ốm vặt, sợ con ăn không đủ no, lo con bị bạn bè ức hiếp…

Cuối năm, mẹ cháu đến gặp cô giáo để hỏi về trường hợp của các cháu. Thấy cô giáo đang gói quà cuối năm và sắp xếp giấy khen để phát vào dịp tổng kết phát thưởng, mẹ cháu lân la hỏi: “Chắc hai cháu nhà tôi không có phần thưởng đâu cô nhỉ?”. Cô giáo ngần ngừ rồi bảo: “Chị nộp vào một trăm nghìn là cháu có phần thưởng!”.

Vậy là hai trăm nghìn được rút ra nhẹ nhàng từ ví, nộp vào và hai phần thưởng cùng giấy khen được chuẩn bị sẵn cho hai cậu bé suốt năm học chỉ đến lớp một, hai tuần. Tôi bảo có nhất thiết phải xin hai “suất” khen thưởng cho chúng như thế không thì mẹ cháu bảo “Con người ta có giấy khen, con mình phải có cho vui”!

“Niềm vui” của mẹ cháu chính là ngay sáng thứ 6 nhận thưởng về là chụp hình khoe chí chóe lên Facebook, Zalo và hí hửng đi phô tô để đem đến công ty chồng nhận thưởng.

Hai phần thưởng và hai tấm giấy khen kia không hề dính dáng gì tới sự nỗ lực, cố gắng của hai đứa trẻ suốt năm suốt tháng đến lớp đến trường. Chúng được “mua” trắng trợn bằng hai trăm nghìn cho mỗi suất.

Sự “đánh tráo” thành tích “cho vừa lòng nhau”

Một người bạn của tôi là giáo viên dạy Toán mấy hôm nay đăng dòng trạng thái bức xúc trên mạng xã hội. Đại khái là con chị học tiểu học vừa giành được phần thưởng Học sinh giỏi. Nhưng chị muốn con mình có thêm phần thưởng “Học sinh xuất sắc toàn diện” bởi cháu có thêm thành tích về hoạt động ngoài giờ (Giải cờ vua cấp thị xã).

Năm nay, ở ngôi trường tiểu học ấy, danh hiệu Học sinh xuất sắc toàn diện đã thuộc về một học sinh không có nhiều thành tích ngoài giờ nhưng lại là con cháu của một phụ huynh có tiếng ở thị trấn. Và có vẻ như chị khá “cay cú” vì con mình vuột mất một giải thưởng. Chị kết lại dòng trạng thái của mình bằng khẳng định nhà trường làm sai quy định và đang “đổ đồng”, “đánh tráo” thành tích học sinh.

Một danh hiệu đã tồn tại khá lâu trong các trường học phổ thông hiện nay là “Học sinh xuất sắc toàn diện” dành cho những em có nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện và các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Giải thưởng ấy đang bị lợi dụng để “mua bán”, “tạo dựng” các mối quan hệ giữa ban giám hiệu nhà trường và các vị phụ huynh tiếng tăm ở địa phương.

Giải thưởng cho sự cống hiến của con trẻ lại được đem ra trao đổi “cho vừa lòng nhau” giữa nhà trường và phụ huynh. Hóa ra chúng ta đang nói dối con trẻ ư?

Con trẻ có vui không? Tôi không dám chắc vì các con còn quá bé.

Phụ huynh có tự hào không? Có, nhưng đó là niềm tự hào được mua bằng tiền và đổi bằng các mối quan hệ!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!