Phỏng vấn bên lề kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Đakrông trăn trở bài toán đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ

(Dân trí) - Số sinh viên cử tuyển của huyện Đakrông (Quảng Trị) chủ yếu theo học các chuyên ngành khối xã hội, đặc biệt là ngành Sư phạm, trong khi đó các ngành mà địa phương đang thiếu nhân lực như: kinh tế, tư pháp, quản lý đô thị lại không có người học.

Với hơn 82% số dân là người dân tộc thiểu số, huyện Đakrông (Quảng Trị) là một trong 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Trong những năm vừa qua, huyện đã chú trọng tới việc xây dựng và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ, tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc tộc thiểu số. Tuy nhiên đến nay huyện vẫn gặp phải rất nhiều những khó khăn và thách thức. PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với bà Ly Kiều Vân - tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đakrông, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII để làm rõ những khó khăn nói trên.

Sinh viên cử tuyển không theo nhu cầu

Thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 07/4/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”, từ năm 2006-2011, huyện Đakrông có 111 em học chế độ cử tuyển (đại học, cao đẳng 94 em, trung cấp 17 em). Huyện đã quan tâm bố trí công việc cho đối tượng sinh viên cử tuyển mới ra trường.

“Tuy nhiên, một số ngành đào tạo mà các em theo học khi ra trường rất khó bố trí, sắp xếp do một số ngành thiếu cán bộ làm việc nhưng chỉ tiêu được phân bổ lại ít, phần lớn sinh viên cử tuyển chủ yếu theo học các chuyên ngành khối xã hội, đặc biệt là ngành sư phạm, trong khi đó các ngành mà địa phương đang thiếu nhân lực như: kinh tế, tư pháp, quản lý đô thị lại không có người học…”, Bí thư Kiều Vân cho biết.

Trước đây, chính sách học bổng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển thẳng vào các trường để cấp trực tiếp cho sinh viên cử tuyển. Nhưng từ năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định về chế độ cử tuyển đã giao cho các tỉnh tự cân đối ngân sách để cấp học bổng chính sách cho con em địa phương mình. Đây là một khó khăn đối với các tỉnh nghèo đang thụ hưởng chính sách của Trung ương.
 
Đại biểu Kiều Vân đóng góp ý kiến tại kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Đại biểu Kiều Vân đóng góp ý kiến tại kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, cùng với nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số khác, đại biểu Kiều Vân đã đề nghị Chính phủ có sự quan tâm thỏa đáng, tiếp tục duy trì chính sách cử tuyển để các địa phương tạo được nguồn cán bộ có chất lượng.

Quan tâm bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số

Về công tác đào tạo đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần IV, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đakrông đã ban hành nghị quyết 02 về đào tạo cán bộ. Huyện đã quan tâm đào tạo cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã chưa đạt chuẩn chuyên môn, lí luận chính trị, cũng như cán bộ diện quy hoạch tham gia học ở các trường, cũng như phân viện, các trường đại học, cao đẳng tại tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị và học viện chính trị…

Đến nay, trên 80% cán bộ dân tộc thiểu số đạt chuẩn về chuyên môn. Đối với những cán bộ không chịu khó trau dồi năng lực và lí luận chính trị, huyện kiên quyết không giới thiệu quy hoạch tham gia vai trò cán bộ chủ chốt. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ đã bước đầu có sự thay đổi trong nhận thức. Có một số cán bộ nữ là phó Chủ tịch UBND hay Bí thư Đảng ủy xã con còn nhỏ, gia đình khó khăn nhưng vẫn quyết tâm theo học. Huyện phấn đấu đến năm 2015 có 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn. Những cán bộ luân chuyển từ huyện về cơ sở, huyện có chính sách hỗ trợ ban đầu và hàng tháng nhằm động viên cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thiếu nhà công vụ, trí thức trẻ tình nguyện phải ở nhà dân

Nói về Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức có trình độ đại học tăng cường về làm phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo tại Đakrông, Bí thư Kiều Vân khẳng định bước đầu Dự án đã phát huy hiệu quả. Các phó Chủ tịch xã trẻ đã tham mưu đắc lực giúp các địa phương phát triển chăn nuôi, trồng rừng, phát triển kinh tế địa phương… Tuy nhiên, đối với Đakrông, điều kiện cho đội ngũ trí thức trẻ làm việc còn hết sức khó khăn. Phần lớn trụ sở UBND các xã rất chật hẹp, một phòng có tới 2-3 ban ngành cùng làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Hầu hết các xã không có nhà công vụ nên hầu các cán bộ được tăng cường về xã, các cán bộ công chức xã không phải là người tại chỗ phải ở nhờ nhà dân, việc ăn ở, đi lại rất khó khăn.

Cùng với Dự án nói trên, huyện có 39 trí thức trẻ được tăng cường theo Đề án tri thức trẻ tình nguyện 30a, tham gia trong các lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm… Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là một số cán bộ chủ chốt cấp xã tuổi đã cao, năng lực có hạn nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu nên rất khó trong công tác sắp xếp cán bộ để thay thế. Bí thư Kiều Vân bày tỏ trăn trở, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách để huyện giải quyết những trường hợp cán bộ này cho nghỉ hưu trước tuổi.

“Có xã thiếu một số chức danh như địa chính, tư pháp… nhưng trong xã không có con em nào theo học, huyện buộc phải tuyển người ở nơi khác đến, điều này dẫn đến một bất cập là công tác cán bộ là người tại chỗ tiếp tục hững hụt, việc ăn ở, đi lại của cán bộ không phải là người địa phương tiết tục khó khăn”, Bí thư Kiều Vân phân tích.

Trong thời gian sắp tới, huyện sẽ chú trọng hơn nữa tới việc bồi dưỡng nguồn trí thức trẻ là người địa phương để xây dựng đội ngũ kế cận. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ khi thực hiện các chương trình, dự án đã phê duyệt cần phân bổ đúng, đủ nguồn vốn để các địa phương thực hiện kịp thời, tránh lãnh phí”, Bí thư Kiều Vân kiến nghị.

Phương Nhung