Công chúng sẽ thiệt nếu sách giáo khoa bị đội giá vì… tác quyền
(Dân trí) - Tuần qua, trên báo chí, một số tác giả văn học có lên tiếng phê bình Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tuyển chọn tác phẩm của họ vào sách giáo khoa phổ thông (SGK) mà không hỏi ý kiến và cũng không trả tiền tác quyền hoặc trả với mức rất thấp. <br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/choang-voi-con-so-1-trieu-usd-neu-tra-tien-ban-quyen-sach-giao-khoa-948297.htm'><b> >> “Choáng” với con số 1 triệu USD nếu trả tiền bản quyền sách giáo khoa </b></a>
Việc trích dẫn tác phẩm trong SGK không phải xin phép, không phải trả tiền tác quyền
Được biết đầu năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp, trong đó có điều khoản “Bộ GD-ĐT chỉ đạo NXB Giáo dục VN nghiên cứu, phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả văn học VN thực thi các quy định về bản quyền trong xuất bản”. Tháng 8 vừa qua, Hội Nhà văn VN và NXB Giáo dục VN đã thỏa thuận về việc trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm in trong SGK từ năm 2014 theo Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong xuất bản. Trong tháng 10, hai bên sẽ tiếp tục bàn về cách chi trả cho các tác giả.
Việc trả nhuận bút cho các tác giả văn học là thỏa thuận dân sự giữa NXB với các tác giả hoặc đại diện của họ là Trung tâm Quyền tác giả văn học VN; và nếu các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm in trong SGK được trả nhuận bút xứng đáng thì đó là điều đáng mừng. Chỉ có điều hai bên và công luận cũng nên cân nhắc kỹ để không làm ảnh hưởng đến bên thứ ba là hàng chục triệu học sinh phổ thông và gia đình họ. Pháp luật nước ta và các công ước quốc tế đều thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người sáng tạo, nhưng cũng có những quy định giới hạn quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi của công chúng.
Theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ (ban hành năm 2005; sửa đổi, bổ sung năm 2009), việc “trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại” thuộc vào “các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao”. Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra quy định giới hạn quyền sở hữu trí tuệ như vậy là vì lợi ích của công chúng. Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (năm 1971) cũng quy định tại khoản 2 điều 10: các quốc gia “có thẩm quyền quy định cho phép sử dụng trong mức độ phù hợp có mục đích những tác phẩm văn học, nghệ thuật bằng cách trích dẫn, minh họa, giảng dạy trong các xuất bản phẩm, các buổi phát thanh, ghi âm hoặc ghi hình, miễn sao việc sử dụng đó phù hợp với thông lệ chính đáng”.
Trong các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Công ước Berne có 2 vấn đề cần làm rõ:
1. Việc “trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường” là trích dẫn miệng của giáo viên trong giờ lên lớp hay trích dẫn trong SGK? Quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ bao quát cả 2 trường hợp này. Bởi vì nếu hiểu trích dẫn chỉ là trích dẫn miệng thì mỗi thầy cô sẽ trích một khác, làm sao có thể đảm bảo sự thống nhất về kiến thức trong nhà trường? Hơn nữa, nếu không trích dẫn tác phẩm trong SGK, không lẽ mỗi học sinh sẽ phải mua hàng trăm tác phẩm để học? Ngay Công ước Berne cũng chỉ rõ trích dẫn là trích trong “xuất bản phẩm”.
2. SGK có phải mặt hàng “nhằm mục đích thương mại không”? Mặc dù SGK được bán cho học sinh, nhưng ở nước ta, đây vẫn là loại hàng hóa có bù giá, được Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính duyệt, vì vậy không thể coi là nó được bán vì mục đích thương mại. Thực tế cho thấy SGK rẻ đến mức không thể rẻ hơn nên tuyệt nhiên không có tổ chức, cá nhân nào dám in nhái SGK, trong khi rất nhiều loại sách khác bị in nhái để bán trên thị trường. Với mức giá bù lỗ như vậy, SGK nhằm phục vụ công chúng chứ không phải nhằm mục đích thương mại. Nếu SGK cũng phải trả tiền tác quyền như các loại xuất bản phẩm khác thì giá SGK sẽ bị đội lên và người chịu thiệt sẽ là công chúng, tức là học sinh. Điều này trái với tinh thần bảo vệ lợi ích công chúng của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tới đây, với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”, sẽ có nhiều NXB bỏ tiền túi của mình ra làm SGK phục vụ học sinh. Chắc rằng các NXB không thể bù lỗ và ngân sách nhà nước cũng không bù giá cho những bộ SGK này. Nếu không thực hiện quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chắc chắn giá SGK sẽ cao ngất ngưởng và không mấy ai còn hào hứng làm SGK nữa vì không thể cạnh tranh nổi với SGK do Bộ GD-ĐT làm có Nhà nước bù giá.
Việc trích dẫn tác phẩm trong sách tham khảo chắc chắn phải trả tiền tác quyền
Hiện nay có hai loại sách được sử dụng trong nhà trường. Ngoài SGK, còn có sách tham khảo (STK). STK lâu nay vẫn là một mặt hàng lợi nhuận cao nên mới diễn ra tình trạng “trăm hoa đua nở’", rất nhiều nhà xuất bản không liên quan đến lĩnh vực giáo dục cũng phát triển mạnh loại ấn phẩm này. Với loại sách này, không chỉ các nhà văn, nhà thơ bị xâm phạm tác quyền mà quyền sở hữu trí tuệ của tác giả SGK cũng bị xâm phạm nghiêm trọng, vì hầu hết các STK chỉ lặp lại nội dung, bài tập trong SGK; mức “sáng tạo” cao nhất cũng chỉ là thay đổi cách trình bày và để trống một số dòng cho học sinh viết câu trả lời vào sách. Ngay NXB Giáo dục VN cũng làm STK xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả SGK.
STK có mục đích thương mại và đây là điểm khác biệt rõ so với SGK nên chắc chắn tổ chức, cá nhân xuất bản nó phải thực hiện nghiêm túc việc trả tiền tác quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nếu trích dẫn tác phẩm văn học và sử dụng nội dung, bài tập trong SGK.
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, chúng tôi không nhằm làm ảnh hưởng tới thỏa thuận tự nguyện giữa NXB Giáo dục VN với các tác giả có tác phẩm được tuyển chọn vào SGK mà chỉ đề nghị hai bên và công luận lưu ý bảo đảm quyền lợi của hàng chục triệu học sinh theo tinh thần và lời văn của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật quốc tế.
GS Nguyễn Minh Thuyết