Có kỹ năng mà thiếu giá trị sống: Nguy hại!

(Dân trí) - Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mềm nên khó thích nghi với thực tiễn là thực trạng đã được các trường ĐH, CĐ đặc biệt quan tâm nhiều năm gần đây. Thế nhưng, việc chỉ tập trau dồi kỹ năng mà bỏ quên nền tảng cốt lõi là giá trị sống thì càng nguy hiểm và bất ổn.

Nhiều vấn đề quanh việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên (SV) được đặt ra tại hội thảo "Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" do Trường ĐH Tài chính - Marketing và ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM tổ chức sáng nay 26/10 thu hút nhiều quản lý, nhà giáo dục tham gia.

Có kỹ năng mà thiếu giá trị sống: Nguy hại! - 1

Thiếu kỹ năng, thiệt đủ đường

ThS Phạm Ngọc Dũng (ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM) dẫn báo cáo về năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 chỉ ra trình độ kỹ năng lao động của Việt Nam thấp, trong đó 65% lực lượng lao động Việt Nam không có kỹ năng và khoảng 78% dân số trong độ tuổi 20-24 không được đào tạo hoặc các kỹ năng cần thiết.

ThS Dũng cho rằng, trước đây vấn đề kỹ năng mềm cho SV chưa được các trường ĐH ở Việt Nam quan tâm, SV cũng ít để ý trau dồi, điều này dẫn đến việc chậm thích ứng với công việc, khó có khả năng tìm việc ở môi trường đòi hỏi sự hợp tác, cạnh tranh cao. Nhiều năm gần đây, vấn đề này được quan tâm hơn, được xác định là kỹ năng cần thiết của SV nhưng trong việc đào tạo lại chưa hiệu quả hay còn phải phụ thuộc vào các trung tâm đào tạo bên ngoài.

Đại biểu trao đổi tại hội thảo
Đại biểu trao đổi tại hội thảo

TS Nguyễn Thị Vân Thanh (ĐH Tài chính - Marketing) chỉ ra thực trạng số lượng SV tốt nghiệp hàng năm nhiều, nguồn lực phong phú nhưng người sử dụng lao động lại không dễ tuyển dụng được nhân lực phù hợp. Các nhà tuyển dụng phàn nàn, SV ra trường thiếu các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, tác phong làm việc, trình độ tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm...

Ngoài một số chuyên đề độc lập, việc trau dồi kỹ năng mềm cho SV hiện nay bắt buộc phải tích hợp vào giảng dạy.

Bà Thanh cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc tích hợp kỹ năng mềm vào giảng dạy ở các trường ĐH - CĐ như thái độ của SV chưa nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm; số lượng SV đông; hạn chế về thời gian khi nhiều giảng viên vẫn cho rằng việc tích hợp kỹ năng mềm làm mất thời gian các chủ đề quan trọng khác.

Giá trị sống mới là nền tảng gốc rễ

Trao đổi tại hội thảo, một giảng viên đến từ ĐH Văn Lang đặt ra vấn đề, có chăng chúng ta đang quay chạy theo vòng cuốn kỹ năng sống mà mà bỏ quên giá trị sống, đó mới là cốt lõi mọi vấn đề.

Ông cho hay, chúng ta có tình trạng vi phạm đạo đức ở ngay trong môi trường học đường. Đó là vấn đề chạy việc, chạy chỗ, tình trạng tiến sĩ, giảng viên đạo văn, thuê người làm luận văn, báo cáo... Hay thực tế SV ra trường khó xin việc còn do thái độ, thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc, với cuộc sống.


Kỹ năng sống phải được hình thành trên nền tảng của giá trị sống. (Trong ảnh: Sinh viên tại TPHCM tham gia tình nguyện tiếp sức mùa thi)

Kỹ năng sống phải được hình thành trên nền tảng của giá trị sống. (Trong ảnh: Sinh viên tại TPHCM tham gia tình nguyện tiếp sức mùa thi)

Cùng chung quan điểm này, trong bài báo cáo của mình, ThS Nguyễn Minh Hiền (ĐH Tài chính - Marketing) nhấn mạnh đến vai trò của giá trị sống trong mối quan hệ với kỹ năng sống.

Theo ông Hiền, giáo dục giá trị sống chính là nền tảng của giáo dục kỹ năng sống. Nếu cá nhân chỉ chú trọng kiến thức, tập trung kỹ năng vào góc độ kỹ thuật hành vi mà không gắn với giá trị sống thì lại trở nên nguy hại, giống như hổ mọc thêm cánh theo nghĩa tiêu cực. Cá nhân giỏi, kỹ năng, kỹ thuật tốt nhưng thiếu nền tảng giá trị lại có thể bất chấp đạo đức.

Ông Hiền cảnh báo, người học nếu không có nền tảng giá trị sống đúng đắn thì dù được nhiều kỹ năng thuộc chuyên môn, nghề nghiệp thì cũng khó trả lời được chính xác ý nghĩa và giá trị bản thân, giá trị nhân bản. Khi đó, nghề nghiệp, công việc chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc, lợi ích cho xã hội và cho chính bản thân người đó.

Hoài Nam