“Cơ hội vàng” để Việt Nam đi tắt đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

(Dân trí) - Ngày 28/8, tại trường ĐH Thương Mại đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế cách mạng công nghiệp 4.0: “ Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam”.

Đây là diễn đàn khoa học để các nhà quản lý kinh tế, nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng CN 4.0.

Hội thảo do trường ĐH Thương Mại, trường ĐH Hải Phòng, trường ĐH Kinh tế Huế, trường ĐH Toulon – Pháp và trường ĐH Khoa học & Công nghệ Long Hoa – Đài Loan tổ chức.


Hội thảo khoa học quốc tế

Hội thảo khoa học quốc tế

Phát biểu tại hội thảo GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, đối với người lao động, cách mạng CN 4.0 cũng có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Tự động hóa ban đầu sẽ ảnh hưởng đến công việc văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng và các ngành hỗ trợ. Ngành bảo hiểm có thể không cần sự can thiệp của con người, hầu hết truy vấn khách hàng được trả lời tự động.

Trong lĩnh vực tài chính, “robot tư vấn” đã có trên thị trường và nếu có ít nhân viên trong ngành nào đó, ngành đó cũng sẽ ít cần tới người quản lý. Sự kết hợp này có thể giải phóng một lượng lớn người lao động.

Như vậy, lao động phổ thông và kỹ năng trung bình có thể đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong thời gian tới, trừ phi họ có thể tự “nâng cấp” hay chuyển đổi.

Theo GS Sơn, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với lượng nhân lực xếp thứ 2 Đông Nam Á với 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,4% tổng dân số. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD/năm, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; và 35,2% của Thái Lan.

GS Đinh Văn Sơn cho rằng, đây có thể là một “cơ hội vàng” để đi tắt đón đầu công nghệ, ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là CNTT, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu của nền kinh tế. Từ đó, giúp thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất, quản lý những tiến bộ, thành tựu khoa học và công nghệ.

“Để đạt được mục tiêu đó, vai trò và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 cần được nghiên cứu thấu đáo bởi các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và quản lý doanh nghiệp để nhận dạng rõ những cơ hội và thách thức to lớn của cuộc cách mạng này, ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau của nền kinh tế VN; qua đó, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm vượt qua các thách thức cũng như tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng CN 4.0 mang lại” – GS Sơn nhấn mạnh.


Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Tại hội thảo, GS Hervé Boismery, đại diện trường ĐH Toulon – Pháp cho biết, trí tuệ nhân tạo và robot đang làm ra tăng các công việc mà máy móc có thể thực hiện hiệu quả và nhanh chóng hơn so với con người. Mặc dù điều này có thể làm giảm chi phí và gia tăng năng suất nhưng điều này sẽ đe dọa đến công việc và một số quốc gia thành viên ASEAN sẽ bị tác động nhiều hơn các quốc gia khác. Các nguy cơ trước mắt là những công việc lặp đi lặp lại, không cần đến kỹ năng (chẳng hạn như công nhân dây chuyền lắp ráp), nhưng công việc trong các lĩnh vực dịch vụ cũng gặp nguy cơ cao.

GS Hervé Boismery cho hay, tổ chức lao động quốc tế ước tính rằng 56% công việc ở 5 nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines) đang trong nguy cơ tự động hóa trong một vài thập kỷ tới. Cùng lúc với công việc đối mặt với các rủi ro tự động hóa, lực lượng lao động ASEAN được dự đoán sẽ tăng thêm 11,000 công nhân mới mỗi ngày trong vòng 15 năm tới. Trong ngắn hạn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Đào tạo và phát triển kỹ năng có thể sẽ giúp làm giảm tác động của tự động hóa, nhưng sẽ không thể ngăn cản các sự giảm sút sâu hơn về lâu dài.

“Để đáp ứng sự phát triển của cách mạng công nghiệp mới, Việt Nam cần tận dụng hợp tác và hội nhập quốc tế, vượt qua các thách thức để phát triển bền vững và đảm bảo người dân có thể tiếp cận một cách đồng đều và được hưởng lợi từ cách mạng công việc và tăng trưởng bền vững” –GS Hervé Boismery chia sẻ.


Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo

Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận bàn về cơ chế và chính sách quản lý nhà nước trong bối cảnh cách mạng 4.0; Ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý hành chính, cung ứng dịch vụ công và chính phủ điện tử; Đổi mới mô hình phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam; Hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững ; Chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo và tái đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao…

Hồng Hạnh