Cô học trò bật khóc: “Lâu lắm rồi con không... kịp nhìn vào mắt mẹ!”

(Dân trí) - Lâu rồi nhà mình không ăn cơm chung, được một vài bữa thì ba mẹ toàn nhắc việc ăn nhanh, đi học, đi ngủ... Con còn chẳng kịp nhìn vào mắt mẹ!

Đó là chia sẻ của T.D., cô học trò lớp 8 tại TPHCM tại một buổi chuyên đề về tâm tư tuổi mới lớn. 

Lịch sinh hoạt quen thuộc của D. là cả ngày ở trường, hơn 5h chiều được bác xe ôm cạnh nhà mà bố mẹ thuê đưa đón D. đi học chở về nhà. Cô giúp việc chuẩn bị sẵn đồ ăn, D. ngồi ăn một mình, nghỉ ngơi chút đến 7h kém đến lớp học thêm, tối về nhà là khi bố mẹ đã ăn uống xong. Vài câu chào hỏi, nhắc nhở chuyện học thì... vào phòng. 

Cô học trò bật khóc: “Lâu lắm rồi con không... kịp nhìn vào mắt mẹ!” - 1

Các bạn thanh thiếu nhi tại TPHCM trong một chương trình về bảo vệ bản thân 

Được ngày chủ nhật thì bố D. thường đi cà phê, câu cá, nhậu với bạn, hoặc không thì bố nằm xem phim. Mẹ tranh thủ ngày nghỉ lôi hết đồ đạc ra dọn vì không vừa lòng với cô giúp việc. D. vẫn có một buổi học tiếng Anh vào cuối tuần.

Bữa ăn chung của cả nhà thường diễn ra ngoài tiệm, ở các nhà hàng, trung tâm thương mại. Mỗi người cầm một cái điện thoại. Có bữa ăn chung ở nhà thì chỉ quay đi quay lại việc nhắc con ăn nhiều, uống sữa cho cao, nhắc học, sang năm thi rồi. 

Mọi giao tiếp hàng ngày giữa D. và bố mẹ là qua tin nhắn trên Facebook. Nhiều chuyện D. kể với họ, họ đọc tin nhắn rồi thôi hoặc la mắng vài ba câu. Sau này thì chỉ chỉ còn những dòng Con nhớ ăn cơm, nhớ đi học... 

Theo D., bố mẹ em không quá bận rộn nhưng nhưng về  nhà ai làm việc người nấy. "Có nhiều chuyện em muốn kể với mẹ nhưng chẳng biết kể vào lúc nào, chẳng biết bắt đầu làm sao. Lâu lắm rồi, em còn không kịp nhìn vào mắt mẹ", cô học trò bật khóc. Nhiều người có mặt ở buổi nói chuyện phải nghèn nghẹn. 

Trường hợp của D. giống như chuyện một em học sinh khác ở quận 6, TPHCM, cách giao tiếp của em với bố mẹ là cần thì... viết giấy rồi dán ở tủ lạnh, bố mẹ sẽ đọc rồi trả lời lại theo đúng cách thức đó. Trên nóc tủ lạnh luôn sẵn vài tập giấy và cây bút. 

Rồi đến khi, cô học trò gặp sự cố trong cuộc sống, bị khủng hoảng tâm lý thì đã phải lên tìm lên phòng tâm lý. Chuyên viên tư vấn tâm lý của trường buộc phải làm việc với bố mẹ em nhưng bố mẹ từ chối, cô đến tận nhà cũng không thể gặp được bố vì "chúng tôi bận lắm". 

Hay một học sinh khác tại Trường THCS - THPT Đức Trí, TPHCM từng bày tỏ khát khao: Con ước mơ được một lần bố mẹ đến trường cùng con, ngắm nhìn con diễn văn nghệ! Nhưng con hiểu, đó mãi chỉ là... ước mơ.

Tại diễn đàn về trẻ em gần đây tổ chức tại Vũng Tàu, hàng trăm trẻ em tham gia gần như có chung một ước muốn được chơi với bố mẹ nhiều hơn. Đó là: Con mong ba mẹ bớt xem điện thoại, để yêu thương con nhiều hơn, Con mong ba mẹ chơi cùng con, đưa con đi du lịch; Con mong ba mẹ hãy dành thời gian cho con...

Chúng ta thường lo ngại điện thoại, iPad tác động xấu đến con trẻ nhưng chính người lớn cũng đang trong vòng xoáy đó, vì bận rộn và vì chăm chăm vào điện thoại rồi đẩy con ra xa mình. 

Giao tiếp với con, không đơn thuần là thời gian hiện diện trước mặt con. Nhiều bố mẹ bây giờ vừa thiếu thời gian cho con đã đành mà trong thời gian hạn hẹp dành cho con đó, họ lại tiếp tục quay trong những lo toan về học hành, về điểm số, về thi cử của con, rồi con phải thế này, thế chia... nhiều hơn là để chia sẻ với con. 

Trong những lời thúc giục, hối hả lo toan đó, đúng như em T.D. nói: Không kịp nhìn vào mắt nhau!

Cô giáo Đàm Lê Đức, cô giáo lớn tuổi nổi tiếng về các bài dạy đạo đức, trí thức ở TPHCM nhiều lần nhắn nhủ, bố mẹ không cần phải có quá nhiều thời gian cho con. Có khi chỉ cần vài phút trên đường đưa con đến lớp, hỏi han con, lắng nghe con, trao gửi tình yêu của mình đến con... 

Cô học trò bật khóc: “Lâu lắm rồi con không... kịp nhìn vào mắt mẹ!” - 2

Giao tiếp, chơi đùa với cha mẹ là điều cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, chia sẻ, trên các nhóm ông lập ra về chơi và học dành cho trẻ nhỏ thì rất ít khi nhận được các bài viết cổ vũ cho việc bố mẹ chơi đùa, trò chuyện cùng con - dù rằng đó là điều thực sự cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Phần lớn, phụ huynh chỉ quan tâm đến việc học, đến các học cụ làm sao để trẻ thông minh, làm toán nhanh, viết văn giỏi. 

Ông Khanh nhấn mạnh, giao tiếp giữa bố mẹ với trẻ là cực kỳ quan trọng. Trong đó, có giao tiếp về mặt ngôn ngữ và cả giao tiếp bằng ánh mắt. Một trong những khả năng giao tiếp mà các em trong độ tuổi thiếu niên cần đạt được chính là biết nhìn vào ánh mắt của người đối diện với một cái nhìn tự nhiên và thẳng thắn. 

Nhưng bây giờ, có thể ngay trong gia đình, các em đang thiếu đi chính ánh mắt của bố mẹ để nhìn vào, để trao và nhận yêu thương! Đó lại tiếp tục là lời kêu cứu về thực trạng con trẻ thiếu cha, thiếu mẹ ngay khi đang ở bên cạnh. 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm