Cô giáo “kì thị” mẹ đơn thân và người nghèo: Vô cảm hay thiếu hiểu biết?

(Dân trí) - Trong cuộc họp ban phụ huynh tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây, một phụ huynh đồng thời cũng là giáo viên khi trình bày quan điểm về việc chọn người vào ban phụ huynh trường đã thể hiện sự kỳ thị với các cha mẹ đơn thân và gia đình nghèo khiến nhiều người phẫn nộ.

Cụ thể, phụ huynh này phát biểu rằng: "Chúng ta nên chọn những người có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con của mình trước đã.

Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ... những người như thế tôi nghĩ chưa đủ tư cách để tham gia Ban phụ huynh.

Hãy chọn gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức và tôi kính mong Ban giám hiệu ở đây xem xét về trích lục của bố mẹ, gia đình như thế nào thì hãy để trong Ban phụ huynh được. Chứ còn lệch bố lệch mẹ thì không ổn một chút nào".

Được biết, phụ huynh này hiện là giáo viên trường THCS ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Phần phát biểu này nhanh chóng gây ra sự phẫn nộ trong cha mẹ học sinh vì có tính kỳ thị các cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn cũng như cha mẹ đơn thân. 

Cô giáo “kì thị” mẹ đơn thân và người nghèo: Vô cảm hay thiếu hiểu biết? - 1

Phần phát biểu kì thị của cô giáo gây phẫn nộ cho nhiều người (Ảnh: cắt từ clip). 

Cũng là một bà mẹ đơn thân, TS Vũ Thu Hương (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của mình và con gái bị "bắt nạt" ra sao.

Theo chuyên gia này, do thấy không vui nên gia đình chị chọn cách tách riêng thay vì sống chung. Việc chia tay diễn ra trong vui vẻ, hoàn toàn không phải do mâu thuẫn gì quá lớn.

“Khỏi phải nói sự kì thị, coi thường của mọi người chĩa vào mình lúc đó như thế nào. Mình mặc kệ thôi. Đầy đủ hay khuyết thiếu, chẳng phải vì bọn mình ngu dốt hay xấu xa mà là do sự lựa chọn của cả hai”, TS Hương cho hay. Chị cho biết thêm, mình hạnh phúc khi lựa chọn là mẹ đơn thân, sống nuôi dưỡng con gái và tình cảm bên con. Hai mẹ con vui từng giờ nên không có giây phút buồn để so sánh với người khác.

Thế nhưng những người xung quanh vẫn không buông tha cho hai mẹ con. “Thư - tên con gái chị, hồi cấp 3 "được" bạn đặc cách để ý. Cháu học giỏi cũng là lý do bị xỏ xiên, ăn mặc kiểu gì cũng là nguyên nhân của những trận cười. Đặc biệt, cháu tham dự bất kì cuộc thi gì của nhà trường cũng sẽ có một đội “Antifan” đi theo phá phách, cười đùa. Con ức chế, mình cũng ra sức giúp con, dù không ra mặt nhưng những việc xảy ra hàng ngày trên lớp khiến con không thể chịu nổi”, chị chia sẻ.

“Cuộc chiến” của chị chống lại sự kì thị của những người xung quanh với con gái của bà mẹ đơn thân trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhưng điều chị muốn nói là nhiều người rất thích đả kích những thứ được coi là khuyết thiếu để hả hê, dù đôi khi chẳng có gì đáng hả hê.

“Chọn ban phụ huynh chẳng có giá trị gì với mình - kể cả khi Thư còn đang đi học phổ thông.

Tuy nhiên, mình muốn mọi người xem lại cách sống - một phong cách vô cùng hẹp hòi, ích kỉ và xấu xa khi đã coi những gia đình khuyết thiếu là nơi để họ vui đùa”, TS Hương khẳng định.

Cô giáo “kì thị” mẹ đơn thân và người nghèo: Vô cảm hay thiếu hiểu biết? - 2

Nhiều người rất thích đả kích những thứ được coi là khuyết thiếu để hả hê, dù đôi khi chẳng có gì đáng hả hê.

Đánh giá về phát biểu của phụ huynh trong cuộc họp ban phụ huynh tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội), TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội cho rằng, nếu phụ huynh đó không biết phân biệt đúng sai đã là không thể chấp nhận được, đằng này lại là cô giáo thì đúng là càng không thể hiểu nổi.

Nhìn nhận về câu chuyện này, chị Hoài Nam - một phụ huynh cũng là bà mẹ đơn thân, đồng thời là Phó trưởng Ban đại diện phụ huynh cho hay, nhiều người ném đá và lên án phát biểu của cô giáo trên.

Thực ra, lời nói của cô ấy không hay chứ chẳng sai. Có điều, quan điểm của cô ấy mở ra một cách nhìn tích cực: Cha mẹ đơn thân cần ưu tiên thời gian, công sức, tiền bạc - cần gấp đôi - cho con cái, cho hạnh phúc của họ.

“Tôi từng nói với con, ba không ở cùng, con sẽ thiệt thòi. Nhưng hãy biến điều đó thành lợi thế. Con hãy mạnh mẽ, dũng cảm, chăm chỉ để còn bảo vệ, giúp đỡ và... cả giữ mẹ nữa chứ. 

Và việc của con là chọn lối sống tích cực, cởi mở, trước hết bằng bài học: học cách tôn trọng sự khác biệt”, chị Hoài Nam cho hay.

Mỹ Hà