GS.TS Tô Xuân Dân:

Có “bẫy” trên thị trường dịch vụ giáo dục đại học Việt Nam

(Dân trí) - Nói về vấn đề trường đại học tư thục ở Việt Nam và những yếu tố cốt lõi cho sự thành công, GS. TS Tô Xuân Dân cho rằng hiện có “cái bẫy” trên thị trường giáo dục đại học Việt Nam.

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Tô Xuân Dân, nguyên Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho rằng: “Do tư duy kinh tế thị trường ở mức sơ khai nên đây đó xuất hiện cách tổ chức và quản lý trường theo ý chủ quan, môi trường sư phạm không được quan tâm, chủ sở hữu gây sức ép với nhà quản lý để tối đa hóa lợi nhuận. Việc nhận thức quan hệ cung - cầu về dịch vụ giáo dục đào tạo luôn luôn rất cần thiết trong điều hành vĩ mô và vi mô nhưng phải hiểu đúng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng mà xã hội cần, từ đó mà điều chỉnh quy mô và cơ cấu đào tạo. Đây là vấn đề khó khăn và phức tạp, cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và thực tế khó tránh khỏi những vấp váp”.

Giấy phép mở trường đi vào miền đất hứa

Ngay khi ra đời, các trường ngoài công lập đã được sự hưởng ứng của người học và sự quan tâm của xã hội, nhưng đồng thời cũng nhanh chóng bộc lộ sự bất cập. Theo GS, nguyên nhân chính của vấn đề này là gì?

Mức cầu về dịch vụ giáo dục đại học ở nước ta là rất lớn so với khả năng đáp ứng của mức cung, mặt khác, do sự biến dạng mối quan hệ “cung - cầu” bởi nhiều yếu tố khác nhau và dẫn tới sự ngộ nhận hay có thể gọi đó là “bẫy trên thị trường dịch vụ giáo dục. Gọi là “bẫy” vì một bộ phận khá lớn người học cũng như nhà đào tạo bị cuốn hút vào đó nhưng kết quả thu được lại không như mong muốn, gây nhiều lãng phí.

 Nhiều người học không tự nhận thức được năng lực, sở trường của mình mà cứ muốn học lên đại học bằng mọi cách, còn về phía nhà cung cấp, khi cầm được giấy phép mở trường thì không ít người coi đó là một “tấm giấy thông hành” đặc biệt để có thể “đi vào miền đất hứa”.

Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế đáng lẽ phải được nhận thức đúng đắn từ cả phía người học và từ phía nhà đào tạo, đặc biệt, còn cần có sự nhận thức và dự báo của nhà quản lý nữa.

 Người học muốn học tập là để có việc làm và do sở thích/năng lực bản thân, nhất là khi họ tự trả tiền. Nhận thức của người học so với đòi hỏi của xã hội luôn có khoảng cách và bởi vậy họ sẽ phải tự điều chỉnh khi có thông tin phản hồi. Nhận thức nói trên bị biến dạng do dư luận xã hội hướng thí sinh và gia đình của họ vào những ngành được cho là dễ kiếm việc, có lương cao và nhàn hạ. Nhu cầu nói trên, vì lý do khác nhau, nhiều khi còn bị biến dạng thành nhu cầu về “bằng cấp”. 
 
Lựa chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân là yếu tố quan trọng của mỗi thí sinh
Lựa chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân là yếu tố quan trọng của mỗi thí sinh.

Như vậy, nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội đã chuyển thành “cầu”của cá nhân người học?

Đúng là người học phải nhận thức được nhu cầu việc làm của xã hội và đối chiếu với bản thân mình. Nhưng do thiếu thông tin đa chiều tin cậy và thiếu trải nghiệm nên “cầu “ của người học dễ bị biến dạng theohiệu ứng đám đông”. Từ đó, thay vì nhận thức nhu cầu thực của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà đào tạo buộc phải (và chỉ cần) đáp ứng nhu cầu chủ yếu từ người học.

Thêm vào đó, xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ giáo dục tinh hoa sang đại trà đã đưa tới tình trạng là, có một số lớn người học luôn “túc trực trước cửa các trường đại học, kể cả đại học tư. Điều này được minh chứng rất rõ qua tỷ lệ giữa số người dự thi/số người được tuyển, kể cả việc người học “đổ xô” vào một số ngành trong khi xã hội lại có nhu cầu thực ở ngành khác nhưng lại không được đáp ứng.

Chính điều đó đã đưa tới cáibẫy”, vì nhiều trường tư  được triển khai ồ ạt, thiếu bài bản, theo kiểu phong trào, cùng với tư duy muốnlàm ăn siêu lợi nhuận và từ đó có thể đưa tới hậu quả đáng tiếc.

Những điều nói trên nếu không được làm rõ, không những gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, mà còn phương hại không nhỏ tới việc đào tạo thế hệ trẻ.

Thoạt nhìn thì mỗi trường đại học đều khác nhau về nhiều mặt. Nhưng dù khác nhau đến mấy thì, mỗi trường đều phải cung cấp cho được nguồn nhân lực chất lượng cao ở một ngưỡng nhất định theo đòi hỏi của xã hội. Vậy làm thế nào để từ những cái rất khác nhau ấy, mỗi trường đại học thuộc cả 2 loại hình đều có thể vươn lên để đáp ứng được theo ngưỡng tối thiểu mà xã hội yêu cầu, thưa GS?  
 
Bất cứ một trường đại học nào khi thành lập, dù trường công hoặc tư, đều cần những điều kiện nhất định để tồn tại và phát triển. Chưa nói đến chủ sở hữu là ai (nhà nước/một tập thể), mỗi trường phải có một số điểm chung như: Điều kiện về cơ sở vật chất; đội ngũ lãnh đạo, quản lý và  giảng viên trình độ cao; về vốn đầu tư và nguồn tài chính về phương thức tổ chức và quản lý một cách khoa học…

Tuy sứ mệnh của mỗi trường khác nhau nhưng đều phải đáp ứng các mục tiêu chung là: Nâng cao chất lượng đào tạo; Cải thiện điều kiện làm việc và học tập cho cán bộ, giảng viên cũng như cho sinh viên; Đồng thời, phải luôn quan tâm đến việc tích lũy để hình thành quỹ phát triển. Mức độ thực hiện các mục tiêu trên quyết định sự thành công của mỗi trường, dù đó là công hay tư. Chính ở điểm này, nếu không chủ động được phần đầu tư phát triển thì có thể rơi vào tình trạng thụt lùi, khi ấy được gọi là “ăn mày dĩ vãng”.

4 yếu tố cốt lõi dẫn tới thành công của 1 trường đại học

Theo GS, những yếu tố nào là cốt lõi cho sự thành công của một trường đại học tư thục ở Việt Nam giai đoạn hiện nay?

Có thể nhìn nhận 4 yếu tố cốt lõi sau đây:

 Về yếu tố đầu tiên: Thế mạnh của trường tư thục là khả năng tự chủ về tài chính nhưng vẫn cần phải biết tự tích lũy, lấy ngắn nuôi dài, xử lý hài hòa các lợi ích, bảo đảm sự thống nhất trong các nhà đầu tư (các cổ đông lớn nếu có), và chính nơi đây người ta thường nhấn mạnh tới vai trò của nhà đầu tư có tâm và có tầm.

Về yếu tố thứ hai: Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao và môi trường sư phạm lành mạnh.

Về yếu tố thứ ba: Chú trọng các yếu tố để nâng cao chất lượng (như chương trình, giáo trình, đội ngũ giảng viên và công nghệ đào tạo) ngay từ khi hoạt động và ngày càng phải được nâng lên ngang tầm quốc gia/quốc tế.

 Về yếu tố thứ tư: Xây dựng uy tín và thương hiệu một cách bài bản.

Nhiều trường đại học tư thường thiếu địa điểm hoạt động, cơ sở vật chất hạn chế, đội ngũ còn mỏng. Trong những cái thiếu này thì thiếu địa điểm với diện tích hoạt động phù hợp là cái vô lý nhất, vì trường đại học đang gánh trên vai trọng trách đối với xã hội về đào tạo thế hệ trẻ. Chính ở đây, vai trò  hỗ trợ của  cơ quan nhà nước là cực kỳ quan trọng khi mà nền kinh tế đang trong thời kỳ công nghiệp hóa.

GS có giải pháp nào để “tháo gỡ” tình trạng khó khăn hiện nay của nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập?

Điều đầu tiên là mỗi trường tự đánh giá lại mình và nghiêm túc khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhất là những yếu tố thuộc năng lực nội sinh.

Đồng thời, cần khẳng định trường đại học tư là một hình thức tất yếu của xã hội hóa, không nên coi đó là hoạt động kinh tế thuần túy như doanh nghiệp. Từ đó có chính sách khuyến khích và hỗ trợ thỏa đáng cho sự vận hành của các trường tư  theo tầm cỡ của tổ chức khoa học và đào tạo trọng yếu trong sự phát triển và trường tồn của quốc gia. Cần làm rõ hơn các mô hình vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, tính đặc thù và các yếu tố tạo nên sự thành công cho một trường đại học tư.

Trước mắt, sớm bổ sung và hoàn thiện Quy chế điều lệ hoạt động của trường đại học tư thục theo hướng không nên có quá nhiều khác biệt giữa trường công và tư vì điều đó có thể sẽ đưa tới sự đối xử phân biệt. Cần huy động mọi nguồn lực của xã hội vào phát triển trường đại học tư mọi lúc, mọi nơi, chứ không chỉ thông qua việc mở trường và qua đó tạo thuận lợi cho các vấn đề cốt lõi của mỗi trường.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)