Đà Nẵng:

Chuyển trường công sang trường tư, giáo viên lo lắng

(Dân trí) - Ngày khai giảng năm học mới đã gần kề, nhưng hàng chục giáo viên Trường Mầm non 29-3 (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đang rất hoang mang, lo lắng khi trường này đang từ một trường công lập lại chuyển thành trường tư theo chủ trương xã hội hóa của thành phố.

Trường Mầm non 29-3 vừa được xây mới và sắp chính thức chuyển từ trường công sang trường tư
Trường Mầm non 29-3 vừa được xây mới và sắp chính thức chuyển từ trường công sang trường tư.

Trường Mầm non 29-3 được tách ra từ trường Mầm non 20-10 nằm trên địa bàn Q. Hải Châu (Đà Nẵng) từ năm 2009. Đến tháng 7/2011, TP Đà Nẵng có chủ trương chuyển đổi loại hình hoạt động từ một trường công lập sang trường tư (ngoài công lập); đồng thời cấp phép cho Công ty CP Lương thực Đà Nẵng thực hiện Dự án xã hội hóa (XHH) trường này.

Từ khi biết chủ trương của thành phố, cán bộ giáo viên trong trường đã hết sức lo lắng, nhiều lần bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục phục vụ quản lý, nuôi dạy trẻ trong môi trường công lập, cũng như đề nghị cấp trên phải có một lộ trình rõ ràng từ nhân sự, cơ sở vật chất… khi chuyển đổi từ trường công sang trường tư. Thế nhưng từ năm 2011 đến nay, đã 2 năm, như cô Nguyễn Thị Hoài Thu - Hiệu trưởng nhà trường nói: “Mọi chuyện vẫn còn hết sức nhập nhằng”.

Trao đổi với PV, cô Thu hết sức bức xúc và lo lắng chia sẻ: “Từ khi biết có chủ trương chuyển từ trường công sang trường tư, chúng tôi đã hết sức lo lắng không biết rồi mình sẽ đi đâu về đâu. Nhưng khi đó, cấp trên trấn an chúng tôi là các cô cứ yên tâm làm việc đi, khi nào trường được chuyển giao thì các cô sẽ được bố trí về các trường công lập khác trên địa bàn; còn nếu như ai thích thì ở lại với Công ty Lương thực (chủ đầu tư mới của Trường mầm non 29-3 khi chuyển từ công sang tư). Cho nên dù lo lắng, chúng tôi vẫn an ủi nhau tập trung công tác quản lý, nuôi dạy trẻ ở trường khi trường được dời sang một điểm trường tạm trong thời gian chủ đầu tư mới thi công xây lại trường.
 
Thế nhưng mới đây, khoảng ngày 24/7, khi trường mới xây xong, trường chuẩn bị chuyển từ công sang tư hoàn toàn, thì UBND thành phố lại có công văn về việc “giải quyết chuyển đổi loại hình trường mầm non 29-3”, thì chỉ có những người trong biên chế mới được xem xét, bố trí về các trường công lập khác trên địa bàn. Điều này khiến các cô ngoài biên chế rất bức xúc”.

Video cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoài Thu phản ánh sự việc và những lo lắng của cán bộ, giáo viên trường mầm non 29-3:


Mặc dù là cán bộ trong biên chế, nhưng cô Hiệu trưởng cũng thấy bất bình: “Tiếng là hợp đồng, ngoài biên chế, nhưng có nhiều giáo viên đã cống hiến cho ngành giáo dục, đã làm việc trong môi trường công lập hơn 20 năm rồi, các cô hoang mang, lo lắng là đúng chứ”

Cô Trần Thị Trà My, giáo viên hợp đồng được chi trả lương từ ngân sách nhà nước, và đã công tác trong ngành được 15 năm nói: “Khi biết được việc chỉ có giáo viên trong biên chế được giải quyết bố trí chuyển về các trường công lập khác, còn chúng tôi thì không, chúng tôi và cả gia đình chúng tôi nữa đều rất lo lắng, hoang mang.

Theo cơ chế của Nhà nước từ năm 1990 đối với giáo viên mầm non thì không xét vào biên chế mà chỉ hợp đồng nhận lương từ ngân sách Nhà nước, chúng tôi phải theo cơ chế đó. Tuy vậy, chúng tôi vẫn được cấp trên khẳng định thường xuyên là dù là giáo viên hợp đồng nhưng tất cả mọi chế độ, đãi ngộ chúng tôi đều được hưởng như giáo viên trong biên chế.

Nhưng mà theo như công văn mới đây của UBND thành phố thì rõ ràng có sự phân biệt giữa giáo viên trong và ngoài biên chế. Chúng tôi đã có cống hiến cho ngành bao nhiêu lâu nay, sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy”.

Video cô Trà My bày tỏ bức xúc và lo lắng trước sự phân biệt giáo viên trong và ngoài biên chế:


Trường có 34 cán bộ, giáo viên; trong đó chỉ có 7 giáo viên trong biên chế, còn lại là giáo viên ngoài biên chế gồm 18 giáo viên hợp đồng nhận lương từ ngân sách nhà nước và 9 giáo viên hợp đồng nhận lương do trường chi trả từ nguồn học phí.

Cô Trà My bày tỏ: “Trong hay ngoài biên chế, đã cống hiến, công tác trong ngành bao lâu nay, chúng tôi đều có chung một nguyện vọng là được tiếp tục làm việc ở môi trường công lập, vì sự ổn định trong công việc. Chứ về làm cho tư nhân, chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Chúng tôi chỉ có thể đồng ý ở lại trường thêm một thời gian đầu hỗ trợ chủ đầu tư mới trong thời gian ban đầu chưa có người; thêm nữa, các cháu đến trường học cũng cần quen dần với sự đổi mới của trường mới và rồi cô giáo mới…”

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ thêm: “Đáng lý khi chuyển đổi từ trường công sang trường tư thì phải có một lộ trình rõ ràng, trước hết là vấn đề nhân sự và cả các vấn đề khác nữa. Nhưng đã hai năm rồi mà mọi chuyện vẫn còn hết sức nhập nhằng, công tư không rõ ràng. Như trong 2 năm qua, trường thì chưa chính thức chuyển từ trường công sang tư, cán bộ, giáo viên chúng tôi vẫn nhận lương từ ngân sách Nhà nước, mà đất của trường thì đã chuyển cho tư nhân, tài sản cũng được thanh lý bán cho tư nhân một phần rồi. Đáng lý ra, khi nào chính thức chuyển đổi mới tiến hành kiểm kê tài sản rồi mới thanh lý chứ.

Việc mua sắm trang thiết bị cho trường thời gian qua vẫn được chi từ ngân sách nhà nước, và tới ngày 15/8 là “chốt” ngân sách. Bên tư nhân họ cũng chưa động tĩnh gì. Vậy là khai giảng tới nơi rồi, mà sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh chưa biết hướng dẫn phụ huynh mua sắm cho cháu như thế nào, giáo án của giáo viên cũng chưa có…”

Cô Hiệu trưởng băn khoăn lo “Không chỉ tâm tư của cán bộ giáo viên nhà trường, mà về phía phụ huynh học sinh cũng khó tránh khỏi hoang mang, lo lắng. Lâu nay học trường công lập, mức học phí của học sinh được nhà nước hỗ trợ nên học phí cũng nhẹ nhàng chứ chuyển sang trường tư, học phí tăng vọt một cái là choáng ngay. Kham không nổi, lại phải lo chuyển trường cho con em. Không biết sắp tới đây sẽ ra sao?…”

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Thúy Hà - Phó Trưởng Phòng Mầm non Phòng GD Q. Hải Châu cho biết: “Trong các cuộc gặp mặt cán bộ, giáo viên nhà trường, chúng tôi đã trình bày là trước mắt giải quyết cho các cô trong biên chế chuyển về công tác ở phòng hay các trường công lập khác theo công văn chỉ đạo của UBND thành phố. Các cô còn lại thì Phòng đã có yêu cầu phía chủ đầu tư trường mới khi đã chuyển sang trường tư cam kết nhận các cô lâu nay công tác ở trường, và trả lương không thấp hơn mức lương trước đây của các cô, cũng như có các chế độ đảm bảo quyền lợi của người lao động khác.

Còn về phía học sinh, trường có khoảng 200 học sinh, những chỉ có khoảng hơn 60 học sinh nội tuyến. Đối với học sinh nội tuyến, nếu phụ huynh có nhu cầu, sẽ bố trí chuyển các em học sinh này về 3 trường mầm non công lập còn lại trên địa bàn thành phố. Còn lại học sinh trái tuyến nếu không muốn học ở trường tư mới thì ở đâu về đó đăng ký nhập học vào các trường đúng tuyến địa bàn mà học sinh cư trú”.

Khánh Hiền