Chịu tiếng keo kiệt, lì xì trẻ 10 ngàn đồng

(Dân trí) - Cho dù có lời ra tiếng vào, còn bị chê "kẹo kéo" nhưng nhiều năm qua, chị Loan giải tỏa được áp lực mừng tuổi khi chỉ bỏ bao lì xì 10.000 - 20.000 đồng.

Trước thực tế tiền lì xì cho con trẻ bị đưa "so đo đong đếm", việc mừng tuổi đầu năm đã trở thành gánh nặng với không ít người. Với nhiều gia đình, áp lực lì xì sao cho đẹp mặt trở thành một mối lo toan không đáng có. 
 
Không "nương" theo trào lưu làm biến tướng lì xì, người lớn thì áp lực, con nhỏ bị "nhiễm" thói xấu, nhiều người đã mạnh dạn thay đổi để mỗi chiếc bao lì xì mang đúng ý nghĩa mừng tuổi. 
 
Lixi2.jpeg

Những chiếc bao lì xì mang ý nghĩa mừng tuổi còn mang cả những tâm tư nặng trĩu của người lớn (ảnh minh họa)

 

 
Chị Huỳnh Thị Loan, nhà ở Bình Thạnh, TPHCM kể, nhiều năm trước vợ chồng chị nặng nề vì tiền lì xì cho trẻ nhỏ dịp đầu năm mới. Bỏ bao lì xì 50.000 đồng, chị cũng sợ bị chê ít nên lại cứ ráng cho được 2 tờ.
 
Về quê trẻ nhỏ thì đông, nhất là nhiều trẻ đến chơi đúng nghĩa là chỉ để lấy xì lì... Vợ chồng anh chị tay miệng thì chúc mừng mà nặng trĩu bụng dạ. Cũng một phần vì gánh nặng tiền lì xì mà có năm, anh chị "trốn" không về quê ăn Tết. 
 
Phong bao lì xì mang ý nghĩa tốt đẹp mà rồi người lớn thì khổ tâm, trẻ nhỏ thì bị ảnh hưởng, chị Loan thấy không đáng. Ba năm nay, chị quyết tâm chỉ bỏ bao lì xì tờ 10.000 hoặc 20.000 đồng, thấy mọi thứ rất nhẹ nhõm. 
 
Ban đầu chị cũng có chút ái ngại. Nhất là khi tình huống hợp có bé rút ra xem, thấy 10.000 đồng thì chạy đi "mách" bố mẹ "Cô Loan mừng con có 10 ngàn hà". Chị cũng chỉ cười xòa rồi quen. Tình huống chị nặng lòng nhất là một người bạn khi nói chuyện qua lại, đã hỏi: "Nghe nói mày mừng tuổi con nhà Tú 20.000 đồng thật à?". 
 
Chị Loan không ngại mà chỉ buồn lòng vì đây không còn là cách ứng xử của trẻ nhỏ mà là của người lớn. Chị cũng không ngờ, cô bạn lại đi kể về số tiền trong bao lì xì bằng lời phàn nàn, chê bai. 
 
Người mẹ nói: "Nhưng điều tôi nhẹ nhõm nhất là từ ngày tôi lì xì 10.000 đồng thì các cháu nhà tôi cũng bắt đầu nhận lại được mức lì xì thấp hơn. Thay vì đua theo nhau lì xì tiền mệnh giá cao thì chúng ta lan tỏa việc lì xì sao mình thấy thoải mái, không áp lực là được". 
 
lixi.jpeg

Nhiều phụ huynh đang "nắn" cho con trẻ trân quý ý nghĩa tiền lì xì chứ không nằm ở mệnh giá (ảnh minh họa)

 

 
Cũng từ lâu, anh Nguyễn Minh Đạo ở quận 1, TPHCM cũng chỉ lì xì tờ 10.000 hoặc 20.000 đồng cho trẻ nhỏ dù mang tiếng là "giàu mà keo". Với mức tiền này, anh có thể mang niềm vui mừng tuổi cho nhiều đứa trẻ hơn, bản thân không phải lo nhức đầu tính toán. Với trẻ nhỏ, cũng giúp các cháu hiểu ý nghĩa "tiền lộc" trong bao lì xì cao hơn là giá trị về mặt tiền bạc. 
 
"Trong nhà anh chị em hay với mọi người, nếu giúp đỡ, chia sẻ với nhau thì tôi sẽ biếu tiền mặt cho bố mẹ chứ không thông qua lì xì cho các cháu. Việc nào ra việc nấy", ông bố nêu quan điểm rõ ràng. 
 
Lì xì không chỉ là tiền 
 
Anh Nguyễn Văn Tùng, có con học ở Trường tiểu học Tân Phú (huyện Củ Chi, TPHCM) kể ngày đầu đi học, con anh đã được cô giáo giáo dục bài học về tiền lì xì rất ý nghĩa. 
 
Hôm đó, cô giáo đón học sinh quay lại lớp và tặng bao lì xì cho toàn bộ học sinh trong lớp cùng lời nhắn nhủ rằng đây là bao lì xì bí mật, cô cũng không biết có gì ở trong. Nhưng nếu bạn nào nhận được 10.000 đồng là cô chúc mừng bạn đó đã cực kỳ may mắn, tờ lì xì mang rất nhiều ý nghĩa mong các con tuổi mới luôn khỏe mạnh, tươi vui. 
 
Lixi2.jpeg

Học sinh ở TPHCM tìm hiểu về ý nghĩa của tiền lì xì 

 

Hàng chục học sinh hồi hộp mở bao lì xì và các em cùng reo hò đều nhận được tờ 10.000 đồng. Qua sự lồng ghép khéo léo này, cô giáo cũng đã dạy trẻ trân quý tiền lì xì từ những tờ mệnh giá nhỏ. 
 
Thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên ở TPHCM kể, ngày đầu quay lại trường đầu năm mới, thầy thường chuẩn bị cả trăm bao lì xì mừng học trò. Trong các bao có thể có tiền và cao bao là những lời chúc, gửi gắm của mình đến với học trò để các em hiểu ý nghĩa lì xì không chỉ là tiền. 
 
Nhiều năm gần đây, ít nhiều cũng có xu hướng đồng tiền chỉ mang tính tượng trưng khi lì xì cho con trẻ. Có những người đổi sang lì xì cho trẻ bằng socola, lì xì những thông điệp ý nghĩa, lì xì bằng sách, hạt giống... có thể kèm tờ 500 đồng hay vài nghìn lấy lộc. 
 
Những cách thức này ít nhiều giúp cho việc lì xì thật sự ý nghĩa hơn, việc lì xì cũng ít bị bóp méo, biến trướng, góp phần giúp con trẻ nhìn nhìn nhận hợp lý về lì xì. Tuy nhiên, theo nhiều người, có nhiều cách để giáo dục tiền lì xì cho con trẻ nhưng ở đây, đối tượng cần được "nắn" nhiều nhất chính là người lớn.
 
Hoài Nam