DMagazine
 

(Dân trí) - Người ta thường quan niệm giáo viên mầm non thường dành cho các cô, nhưng chàng trai Lê Công Sự (25 tuổi) đã quyết tâm làm chuyện“lạ lùng”đi ngược với suy nghĩ ấy. Mặc cho sự kỳ thị của bạn bè và xã hội, Sự nỗ lực không ngừng theo đuổi đam mê để trở thành một trong những thầy giáo hiếm hoi đi “nuôi dạy trẻ”...

VƯỢT QUA KỲ THỊ "CON TRAI ĐI LÀM NGHỀ CON GÁI"

Cách đây 8 năm, cậu học sinh Lê Công Sự ở Củ Chi (TP.HCM) cùng các bạn bè đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề để đăng ký tuyển sinh. Đắn đo, suy nghĩ chàng trai trẻ quyết định chọn ngành Sư phạm Mầm non.
 
“Từ lúc học cấp 2, mình đã rất thích trẻ con, mình ước được chơi đùa, trò chuyện với các bé mỗi ngày. Không có việc gì dễ dàng thực hiện được điều mình thích ấy bằng nghề giáo viên mầm non”, Sự lý giải lựa chọn của mình.
 
Tuy nhiên, cái nghề vốn dĩ không quá xa lạ nhưng lại được một cậu con trai chọn khiến Sự vấp phải những ánh mắt dò xét, nghi ngờ của nhiều người xung quanh. Đặc biệt là tất cả các đám bạn học đều bật cười và trêu chọc “con trai mà làm nghề con gái”, thậm chí có người còn chế giễu “hết nghề chọn đi làm việc rửa đít con nít”. Dù cảm thấy buồn tủi nhưng cậu học trò âm thầm ôn luyện để thi tuyển (giáo viên mầm non phải thi năng khiếu-PV) vào cái nghề ai nghe tới cũng ái ngại bởi sự vất vả của nó.
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 1
Có lẽ điều an ủi nhất cho cậu học trò lớp 12 ấy chính là cả ba mẹ đều không can dự hay cản trở vào việc chọn con đường học hành của con mình. Thậm chí, mẹ Sự còn hào hứng với nghề “nuôi dạy trẻ” mà con trai đã quyết theo học. 
 
Năm ấy Sự trúng tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non hệ cao đẳng của trường ĐH Sài Gòn. Trước đó, Sự cũng đã vượt qua các phần thi năng khiếu khá cam go khi phải tranh suất với cả nghìn thí sinh.
 
Nhớ lại, cả trường phổ thông của Sự có 10 bạn tham gia thi thì chỉ có Sự và một bạn gái trúng tuyển. Đó quả là kết quả đáng tự hào của cậu học sinh này.
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 2
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 3
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 4
“Được vào học quả đúng là khó khăn nhưng mình theo đuổi đúng cái đam mê của mình thì không có gì phải ngại ngùng”, Sự bộc bạch. Bước vào năm nhất, cả lớp toàn con gái chỉ duy nhất Sự là con trai nên được các thầy cô ở lớp ưu ái.
 
Rồi khi vào học chuyên ngành, các môn về phương pháp dạy, tâm lý trẻ em khiến chàng trai trẻ mê tít và càng thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Dẫu vậy, nghề giáo viên mầm non vốn là công việc rất vất vả nên không phải ai cũng giữ được “lửa” để theo đuổi tới cùng.
 
Thậm chí trong lớp rất nhiều cô bạn “từ bỏ nghề” dù có người đã nỗ lực học tới tận năm cuối. Kết thúc 3 năm cao đẳng, Sự nằm trong số những sinh viên còn lại đủ sức “trụ” với tấm bằng tốt nghiệp.
 
Vui buồn chuyện nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” .jpg
Tất nhiên, trên hành trình đến với nghề “nuôi dạy trẻ” ấy thầy giáo mầm non này không phải lúc nào cũng "trải hoa". Mặc dù ở nhà mẹ Sự rất ủng hộ và tự hào về công việc của con trai nhưng trái lại ba Sự lại rất ngại ngùng mỗi khi nói đến ngành học của con.
 
Mỗi khi bạn bè đến chơi nhà hỏi thăm con trai học ngành gì thì ba Sự luôn tìm cách lãng đi hoặc nói tránh “nó học ngành giáo viên tiểu học”. Mặc cảm sợ người ngoài chê cười “con trai đi làm nghề của con gái” khiến ba Sự giấu kín sự thật suốt những năm cậu đi học cho tới lúc đi làm. Dù rất chạnh lòng nhưng chàng trai trẻ vẫn động viên ngược lại ba mình rằng “không dễ để vào được ngành này đâu ba à”. 

Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ”

 Tuy nhiên 3 năm gần đây, nhìn thấy con trai hăng say làm việc, nỗ lực không ngừng nghỉ mà ba Sự đã thay đổi cách nghĩ. Ông không còn mặc cảm về nghề của cậu con trai cả mà tự tin khoe với bạn bè xung quanh rằng “con trai tôi là thầy giáo mầm non”. Chia sẻ điều này, gương mặt thầy giáo trẻ Lê Công Sự hiện lên vẻ hạnh phúc xen chút tự hào.  
 
Giờ đây khi bản thân Sự gắn bó được với nghề được 5 năm trời thì nhiều bạn bè bắt đầu cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ xen lẫn nể phục với thầy giáo này. Đó cũng là động lực để thầy Sự theo đuổi và hoàn tất chương trình đại học chuyên ngành mầm non của mình. 

"SAO THẦY LẠI..."

Mỗi ngày đến trường Mầm non 12 quận 3, thầy Lê Công Sự cũng làm công việc như các cô giáo mầm non khác trong trường. Sáng 6H15 có mặt ở trường cùng đồng nghiệp vệ sinh lớp học chuẩn bị để đón trẻ; đón hướng dẫn trẻ tập thể dục; cho học sinh vui chơi trong và ngoài lớp, dạy trẻ ca hát; cho trẻ ăn sáng, ăn trưa, ăn xế; cho trẻ đi ngủ; thay đồ cho học sinh…. 
Vui buồn chuyện nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ”.jpg
Hằng ngày có biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng sự cố đầu tiên với phụ huynh xảy ra cách đây 4 năm khiến thầy giáo trẻ nhớ mãi không quên. Khi đó, chàng tân cử nhân Lê Công Sự mới “chân ướt chân ráo” ra trường vẫn còn những bỡ ngỡ với công việc. Vừa về trường, thầy giáo trẻ được giao phụ trách lứa tuổi lớp Mầm.
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 7
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 8
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 9
Hôm đó, cô học trò tên Ngân đòi đi vệ sinh, nhớ lại lúc học ở trường giáo viên mầm non phải làm vệ sinh cho học sinh nên thầy xắn tay vào giúp cô học trò một cách không do dự. Chiều về, phụ huynh sửng sốt khi nghe cô con gái thuật lại. Lập tức, phụ huynh phản ứng gay gắt ngay với nhà trường “sao thầy rửa hộ con gái tôi?”.
 
May mắn thay, cô hiệu trưởng đã gỡ ngay tình huống khó đỡ ấy cho thầy giáo trẻ còn non kinh nghiệm. Trong khi Sự giãi bày thì lãnh đạo trường cũng đã trấn an phụ huynh an tâm tiếp tục gửi trẻ đến trường đến hết năm học.
 
Vui buồn chuyện nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ”.jpg
Sự cố nhớ đời đó khiến thầy giáo Sự cẩn trọng và ứng xử khéo léo hơn công việc. Điều lý thú là hai năm sau, cô học trò ấy lên lớp Lá lại do thầy Sự phụ trách, và tất nhiên không có trở ngại hay lo lắng nào từ ba mẹ của em học sinh. Thậm chí, các phụ huynh gửi con cho thầy Sự luôn vui vẻ chia sẻ với vấn đề của con để thầy giáo nắm bắt.
 
Ngoài ra, mỗi ngày đến lớp thầy giáo Sự luôn đón nhận những niềm vui riêng do chính những cô bé, cậu bé học trò mang lại. Đó là những tình huống hài hước bởi chính ngôn ngữ ngô ghê của trẻ con.
 
Năm ngoái, lớp Sự có một cậu học trò khá cá tính, thay vì như các bạn khác vào lớp “xưng thầy, cô”, chú nhất mực gọi thầy là “chú”, thậm chí là “chú thầy” suốt một năm học. Mỗi lúc nghe cách gọi ngộ nghĩnh của cậu học trò, thầy giáo mầm non bật cười và quên luôn những mệt mỏi.
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 11
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 12
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 13
Thầy Sự cho biết, 5 năm gắn bó với công việc dường như anh không còn cảm thấy vất vả như người ngoài nhìn vào. Thỉnh thoảng có chút mỏi mệt thì Sự lại tìm cách không để cảm xúc đó kéo dài. “Cứ nghĩ về những học trò đáng yêu, nhìn những ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo ấy thì tự dưng mình lại có động lực để đến lớp làm việc”, thầy Sự chia sẻ.
 
“Hãy cứ yêu trẻ một cách chân thành, tuyệt đối nhất” chính là phương châm để thầy giáo này luôn giữ được nhiệt huyết với nghề.  
 

LỚP HỌC RỘN NIỀM VUI CỦA THẦY GIÁO  ĐA TÀI

Không chỉ yêu thương học trò, thầy giáo Sự còn rất nhiều tài lẻ khác mà không ít người nể phục. Chứng kiến một buổi học trong lớp học của thầy mới thấy không khí luôn sôi động bởi lúc thì thầy múa, lúc diễn rối với các câu chuyện thú vị lôi cuống học trò. Ngoài sở trường sẵn có, thầy giáo này còn tận tâm dành thời gian chuẩn bị các học cụ kèm theo, các mô hình con rối…để làm phong phú hơn việc dạy.

Vui buồn chuyện nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ”.jpg
Hỏi ra thì được biết ngoài mê trẻ con, thầy giáo này còn rất thích nghệ thuật biểu diễn. Phát hiệu điều này, cô hiệu trưởng đã tạo điều kiện để Sự được tham gia khá đầy đủ các lớp kỹ năng nghệ thuật ở nhà văn hoá Thanh niên. Vậy là ngoài thời gian dạy ở trường, Sự theo học lớp MC dẫn chương trình, nghệ thuật biểu diễn chú hề, xiếc vào ảo thuật…
NVQ_2603.jpg
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 16
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 17
Câu chuyện vượt định kiến về nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ” - 18

Cứ thế, mỗi dịp trường tổ chức lễ hội, thầy giáo Sự được giao luôn trọng trách các vai trò dẫn chương trình, làm chú hề hoạt náo, diễn ảo thuật, xiếc, làm bong bóng nghệ thuật…Những lúc ấy, chỉ cần nhìn thấy những gương mặt háo hức, những nụ cười rộn vang của học trò thì thầy giáo Sự lại thấy hạnh phúc hơn bao giờ.

Vui buồn chuyện nghề của thầy … “nuôi dạy trẻ”.jpg
Trân quý những người thầy yêu nghề “nuôi dạy trẻ”
Chia sẻ về thầy giáo duy nhất của trường, cô Lê Thị Hạnh- hiệu trưởng trường Mầm non 12 Quận 3 cho biết: “thầy Sự về trường công tác đã 5 năm và luôn nhiệt tình, tận tụy với công việc. Đặc biệt, dù là nam nhưng thầy có cách nói chuyện nhẹ nhàng, có năng khiếu múa dẻo, hoạt náo nên các trẻ ở lớp rất yêu thích”. 
  
Cô Hạnh chia sẻ thêm, lúc mới nhận thầy Sự về công tác nhà trường cũng đã tổ chức buổi gặp gỡ “làm tư tưởng” cho phụ huynh. “Bình thường trường sẽ không giới thiệu giáo viên đển phụ huynh nhưng do là giáo viên nam, nên chắc chắn phụ huynh cũng lo lắng, không biết chăm sóc các cháu như thế nào? Khi đó, nhà trường giới thiệu thầy cho các ba mẹ học sinh và giải thích cho họ hiểu, yên tâm và xoá mọi rào cản với thầy”, cô Hạnh chia sẻ. 
  
Vị hiệu trưởng cũng cho biết thêm, nhiệm vụ của bậc giáo dục mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nên cũng có những đặc thù mà thầy giáo cũng gặp bất lợi. Chẳng hạn, thầy sẽ chỉ được hỗ trợ các bé nam vệ sinh, thay đồ… còn  học sinh gái sẽ do các cô giáo cùng phụ trách lớp hỗ trợ. 
  
Đánh giá về sự xuất hiện của nam giới tham gia dạy bậc mầm non, cô Hạnh cho rằng đó là điều rất trân quý, bởi công việc “nuôi dạy trẻ” này rất vất vả, không phải ai cũng chịu được. Chỉ những ai thật sự đam mê, yêu thương trẻ em mới đủ sức theo đuổi đến cùng. 

Lê Phương- Tuệ An