Cắt giảm thời lượng dạy các môn cơ bản đối với đại học

(Dân trí)- Tám trường ĐH trong cả nước đã áp dụng thí điểm chương trình đại học theo định hướng nghề nghiệp (POHE) Hà Lan. Theo đó, tất cả đều cắt giảm thời lượng các môn khoa học cơ bản so với chương trình cũ từ 12% -60%.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi tổng kết sau bốn năm áp dụng Chương đại học theo định hướng nghề nghiệp (POHE) Hà Lan do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 16/12.
 
Cắt giảm thời lượng dạy các môn cơ bản đối với đại học - 1
Nhiều sinh viên năm thứ nhất trượt các môn cơ bản. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo về đánh giá sinh viên của dự án, tỷ lệ sinh viên thi trượt các môn cơ bản tương đối cao. Phần lớn rơi vào sinh viên năm thứ nhất. Ví dụ như Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, 57/68 sinh viên thi trượt môn công nghệ thông tin; Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, môn Chính trị thí sinh trượt nhiều nhất…Kết quả giám sát cũng cho thấy, các môn học chuyên ngành đều có thiết kế tốt nhưng việc thực hiện đánh giá lại không thực hiện được.

 Khi tham gia thực hiện thí điểm dự án, các quỹ thời gian học các môn cơ bản được chuyển giao cho các nội dung giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp.Theo đó, dựa trên khả năng của nhà trường và kết quả tự điều tra nhu cầu lao động tại địa phương hoặc toàn quốc, các trường xây dựng một khung chương trình đào tạo với nhiều kiến thức, môn học mới liên quan đến kỹ năng như giao tiếp, truyền thông, quản lý, làm việc nhóm ...

Việc đánh giá sinh viên cũng được chuyển từ đánh giá bằng kiến thức sang đánh giá bằng năng lực. Thời lượng thực hành ở các môn học đồng loạt được các trường tăng lên, chiếm tỷ lệ trên 30% tổng thời lượng học.Ví dụ như trường đại học Nông lâm Thái Nguyên yêu cầu sinh viên của mình phải đáp ứng được 3 năng lực “khuyến nông”, “nghiên cứu” và “quản lý sản xuất nông nghiệp”; Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên hướng sinh viên tới 5 kỹ năng “phân tích - thiết kế - trợ giúp - thực hiện - bảo trì” ...  Kết quả học tập này được tổng hợp từ 4 hình thức đánh giá sinh viên: kiểm tra kiến thức đầu và cuối kỳ, bài tập lớn viết bằng tay và điểm thực tập tại xưởng.

Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, POHE và đào tạo theo nhu cầu xã hội là một trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam. Kết quả thí điểm của tám trường đại học sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng khung chính sách quốc gia về chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Trong thời gian tới, tuỳ từng điều kiện cụ thể, các trường sẽ nhân rộng mô hình thí điểm này ở các bộ môn khác để đảm bảo đến năm 2020, 70-80% sinh viên Việt Nam sẽ theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng này theo như mục tiêu đã đề ra trong Đề án đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006 - 2020.

Hồng Hạnh