Căng thẳng cuộc đua giành “tấm vé”... cô giáo mầm non

(Dân trí)- Ngày 17/7, hơn 3.500 thí sinh dự thi ngành Giáo dục Mầm non của trường CĐ Sư phạm TW bước vào môn thi năng khiếu khối M. Thí sinh dự thi đông trong khi chỉ tiêu ít nên tạo ra một cuộc cạnh tranh “khốc liệt” để tìm tấm vé trở thành cô giáo mầm non.

Với việc hơn 3.500 nữ sinh dự thi vào ngành Giáo dục Mầm non nên trường CĐ Sư phạm Trung ương bắt buộc phải tổ chức thi năng khiếu khối M cả ngày. Nội dung của môn thi năng khiếu gồm đọc diễn cảm và hát. Năm nay chỉ tiêu ngành Giáo dục Mầm non của trường ở con số rất khiêm tốn là 330.

Không khí nhộn nhịp ở Hội đồng thi bắt đầu từ khoảng 7h sáng với muôn màu phong cách ăn mặc của các thí sinh. Ai cũng muốn mình “diện” những bộ đồ đẹp nhất trong môn thi cuối cùng quyết định đến tấm vé để trở thành giáo viên mầm non.

Với đặc thù môn thi năng khiếu nên sẽ có 7-10 thí sinh được gọi vào dự thi mỗi đợt. Thí sinh vào dự thi được giám thị đối chiếu kỹ càng giữa thẻ dự thi với hồ sơ dự thi để tránh việc thi hộ. Ngay sau khi vào phòng thi, thí sinh sẽ được phát đề và có 15 đến 20 phút để chuẩn bị. Dựa vào số báo danh giám khảo sẽ gọi lên kiểm tra về đọc diễn cảm và hát.

Ở trong phòng thi thí sinh tập trung cao độ để hoàn thành tốt bài dự thi thì ở phía ngoài các thí sinh còn lại chăm chú theo dõi để rút kinh nghiệm cho bản thân. Thậm chí có thí sinh còn hỏi han những người dự thi trước để rút ra những kỹ năng cần thiết khi thể hiện trước Ban giám khảo.
Thí sinh dự thi đọc diễn cảm và hát thuyết phục Ban giám khảo

Thí sinh dự thi đọc diễn cảm và hát thuyết phục Ban giám khảo

Giới trẻ ngày nay thường cho rằng, giáo viên mầm non thì vất vả và thu nhập không được cao. Bên cạnh với việc cạnh tranh khốc liệt ngay từ khâu thi tuyển đầu vào nên dường như chỉ có những người thực sự tâm huyết với bậc mầm non mới đủ can đảm để đăng ký dự thi. Em Nguyễn Thị Thu Hà đến từ Hà Nội chia sẻ: “Sở dĩ em chọn ngành học này là do lòng đam mê yêu trẻ và phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó cũng được sự đồng thuận từ phía gia đình”.

Cũng theo Hà, khi bước vào thi năng khiếu có một sự căng thẳng nhất định nào đó nhưng với sự động viên của thầy, cô nên mọi áp lực của dễ dàng tan biến.

Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều thí sinh vẫn rất lo ngại về khâu chấm thi bởi thi năng khiếu chủ yếu là chấm theo cảm tính nên dễ xảy ra những vấn đề tiêu cực. Giải đáp thắc mắc này, thầy Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để đảm bảo khách quan nhà trường tiến hành bốc thăm cán bộ chấm thi ở mỗi bàn thi. Chính vì thế giám thị không biết mình ở bàn thi nào. Do đó nguy cơ tiêu cực đã được hạn chế”.

Những nữ sinh vượt qua chặng đường khó khăn để trúng tuyển vào trường, trở thành một cô giáo mầm non, thỏa niềm đam mê nuôi dạy trẻ. Nhưng trên thực tế để gắn bó với nghề không phải là điều dễ dàng. Cô Nguyễn Khánh Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cát Linh chia sẻ: “Đến với nghề đã khó nhưng để bám trụ với nghề càng khó hơn. Chính vì thế ngay khi ngồi trên ghế nhà trường sinh viên cần phải rèn luyện một cách nghiêm túc. Giáo viên mầm non cần phải có lòng nhiệt tình, yêu nghề và mến trẻ”.

Nguyễn Hùng