Bạn đọc viết:

Cảm ơn thầy đã luyện con đi trên con đường nghề giáo

(Dân trí) - Ngày ấy, thầy - người thầy giáo hướng dẫn tập sự - chẳng khác gì “cha”, yêu thương người đồng nghiệp trẻ người non dại, dìu dắt con chập chững những buổi đầu tiên làm quen bục giảng phấn trắng...

“Thầy ơi!”, con đã gọi người thầy giáo hướng dẫn tập sự ngày ấy bằng danh xưng “thầy” đầy tôn kính. Danh xưng ấy giờ thân thiết hơn chuyển thành “ông ngoại”, khi con gái nhỏ của con ra đời và tình nghĩa thầy trò của chúng ta vẫn tròn đầy lòng tri ân. 

Thầy không dạy con thời phổ thông dùi mài kinh sử cũng không đứng lớp dạy kiến thức chuyên ngành mấy năm đại học nhưng thầy đã dạy đứa học trò nhỏ vừa nhận nhiệm sở nơi chân đồi xa tít tắp ấy biết bao bài học hay từ cách cầm sách, cách ghi bảng, cách khen ngợi và thuyết phục trò…

Từng là người lính trải qua thời đạn bom gian lao và khốn khó, bao nhiêu đức tính cần cù, nhẫn nại, kiên trì, trung kiên đã ăn sâu bám rễ trong người con Quảng Bình vào Huế nhận nhiệm sở dạy học ấy. Chẳng thể đếm nổi thầy đã dạy bao nhiêu đứa học trò, chỉ biết rằng giờ mỗi bước ra đường đều nghe tiếng “thưa thầy”, “thầy ơi” đều tăm tắp từ đầu thôn đến cuối làng.

Và khối óc cùng nhiệt tâm của thầy cũng đã “thổi lửa” cho biết bao giáo sinh trẻ mới vào nghề. Hồi ấy, trường ta được mệnh danh là “lò luyện” thầy nhỉ! Bao nhiêu giáo viên trẻ mởi trúng tuyển đã được cử về nhận nhiệm sở ở đó, được mài giũa và rèn luyện cho cứng cáp rồi “tung cánh” tỏa đi muôn nẻo. Và con may mắn được thầy dẫn dắt từ những ngày tập giảng đầu tiên.

Nghe đám bạn cùng trang lứa kể chuyện hướng dẫn tập sự ở các trường, con ngạc nhiên lắm vì hầu hết đều “tự bơi” từ chuyện soạn giảng, lên lớp, hồ sơ sổ sách. Con thì ngược lại, thầy tỉ mỉ chỉ ra khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa những bài học nặng kiến thức hàn lâm ở trường sư phạm và thực tế giảng dạy ở phổ thông.

Thầy bảo điều gì không hiểu cứ mạnh dạn hỏi. Thế là con hỏi suốt ngày về đơn vị kiến thức này nên giảng dạy thế nào, bài tập kia nên tổ chức hoạt động ra sao. Là thành viên tổ nghiệp vụ của huyện, thầy có một kho báu kinh nghiệm quý giá mà con có thể học, học suốt đời.

Điều đáng quý nhất là thầy chưa bao giờ từ chối cơ hội giúp học trò của mình trưởng thành và khôn lớn. Con nhớ nhất là những bài giảng ở lớp có tổ chuyên môn dự giờ, khi mọi người vẫn còn đang “vạch lá tìm sâu” bắt lỗi của nhau thì thầy vẫn điềm tĩnh ngồi ở hàng ghế cuối lớp. Cứ hễ có tình huống sư phạm nào phát sinh, một đơn vị kiến thức nào đó còn nhập nhằng đúng sai, con cứ đưa mắt nhìn về cuối lớp, nhìn vào cái gật hay lắc đầu của thầy để điều chỉnh cho học sinh, thế là yên tâm.

Và con nhớ là suốt 7 năm làm học trò rồi làm tổ viên dưới sự quản lý của thầy, hầu như mấy năm đầu con chỉ nhận những tiết dạy xếp loại Khá. Trong khi nhiều đứa bạn mới giảng dạy một vài tiết đã được ưu ái xếp loại Giỏi ở các trường khác, thú thật con không hề phân bì và chạnh lòng đâu.

Bởi “uốn cây từ thuở còn non”, nghề giáo cũng cần rèn giũa nhiều. Con cần một khoảng thời gian để rèn luyện và chín chắn. Và quả thật, khi thầy bắt đầu xếp loại Giỏi cho những giờ dạy thao giảng, thanh tra của con cũng là lúc con cảm thấy mình cứng cáp hơn trong nghề rất nhiều. Con cảm ơn thầy cho con đi trên con đường nghề giáo một cách mạnh mẽ, vững vàng từng bước một.

Hôm rồi đến chia tay thầy rời mảnh đất gắn bó mấy chục năm này để về lại quê cũ, con thấy vui vì thầy vẫn khỏe mạnh và nhiệt huyết với nghề vẫn tròn đầy qua những lời tâm sự về nghề giáo, về học trò dù thầy đã rời bục giảng ba năm qua. Mồng ba Tết thầy năm nay, con không thể thăm thầy như bao năm qua nhưng lời tri ân trong con sẽ chẳng bao giờ phôi pha…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!