Bộ GD-ĐT lên tiếng về phản ánh HS ngồi túi nilon qua suối tới trường

(Dân trí) - Ngay sau khi báo chí phản ánh sự việc giáo viên và học sinh xã Nà Hỳ, huỵện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên ngồi trong túi vượt suối tới trường, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 19/3, ông Phạm Ngọc Phương - Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết: “Đây là trách nhiệm của cả xã hội khi đứng trước sự việc trên. Do đã phân cấp thẩm quyền quản lý, việc quy hoạch xây dựng là của UBND các tỉnh, xây dựng đường xá là của ngành giao thông. Bộ GD-ĐT tập trung vào làm các công tác chuyên môn, phối hợp với các địa phương xây dựng hạ tầng trường, lớp ở một số dự án về kiên cố hóa trường, lớp, điểm trường”.

Ông Phương cho hay, ngay sau khi biết sự việc trên, Bộ GD-ĐT cũng đã kiểm tra, trao đổi với địa phương. Được biết, đây là con suối cạn, nước chảy nhiều khi vào mùa lũ nhưng không phải là thường xuyên. Điện Biên là vùng khó khăn nhưng cách ứng xử của người lớn khi qua suối như vậy là rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới tính mạng.

Bộ GD-ĐT lên tiếng về phán ánh HS ngồi túi nilon qua suối tới trường

Học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc, bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình bơi qua dòng sông chảy xiết đến trường.

Một học sinh giơ cao cặp sách lên đầu, hì hục bơi qua sông.

Một học sinh giơ cao cặp sách lên đầu, hì hục bơi qua sông.

Theo ông Phương, chủ trương của Bộ GD-ĐT là triển khai ngay những công việc mà ngành GD-ĐT có thể làm được để đảm bảo thuận lợi nhất, an toàn nhất cho học sinh, cha mẹ học sinh và các giáo viên trên đường tới trường - lớp học.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn khi có thời tiết bất thường, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT và đề nghị UBND các tỉnh/thành phố, nêu rõ 3 nội dung triển khai ngay để đảm bảo thuận lợi, an toàn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh đến trường. Cụ thể:

Thứ nhất, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành giáo dục từ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tới, phụ huynh học sinh nhận biết và phòng tránh nguy hiểm, rủi ro đến tính mạng, không để xảy ra những vụ việc nguy hiểm như ngồi trong túi vượt suối hay đu dây để qua sông tới trường.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT, UBND các tỉnh/thành phố tổng rà soát các vùng khó khăn, trường học, điểm trường, lớp học lẻ, bán trú, nội trú dân nuôi… nếu gặp khó khăn như tỉnh Điện Biên hay phải đu dây tới trường thì phải tính toán và có biện pháp giải quyết ngay, tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên tới trường.

Đặc biệt, các địa phương cần thực hiện quy định của Bộ là chú ý điều chỉnh thời gian học tập phù hợp với thời tiết, điều kiện của từng địa phương. Có thể cho học sinh nghỉ học, lùi thời gian học tập để tránh lũ. Sau đó, có kế hoạch học bù lại. Không được ép học sinh tới trường khi mùa lũ tới.

Thứ ba, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành liên quan, UBND các tỉnh/ thành phố, các Sở GD-ĐT... rà soát quy hoạch các điểm trường để có những giải pháp, dần dần khắc phục tình trạng điểm trường, trường học, lớp học không có đường giao thông thuận lợi, đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh, giáo viên đến trường... Bộ GD-ĐT đề xuất với Chính phủ có phương án tối ưu, quy hoạch mạng lưới tốt cho học sinh tới trường.

Ông Phạm Ngọc Phương khẳng định:Quan điểm của Bộ là làm quyết liệt, khẩn trương, triển khai nghiêm túc trong toàn Ngành, đặt sự an toàn tính mạng, thuận lợi trong việc đến trường, lớp học của học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên lên hàng đầu”.

Hồng Hạnh