Bé gái 11 tuổi tử vong từ tầng 39: Khi con là nạn nhân trong “cuộc chiến” của bố mẹ

(Dân trí) - Câu chuyện bé gái 11 tuổi ngã từ tầng 39 và lá thư tuyệt mệnh đang gây "bão mạng" vài ngày nay. Chuyên gia tâm lý cho rằng, trong trạng thái cảm xúc tiêu cực dữ dội, nhiều cha mẹ quên mất con là “nạn nhân” của cuộc chiến.

Ngày 26/11, vụ việc bé gái 11 tuổi rơi từ tầng 39 chung cư Goldmark City (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và tử vong sau đó khiến nhiều người xót xa.

Ngay sau đó, trên mạng xã hội lan truyền bức thư tuyệt mệnh được cho là của bé gái 11 tuổi nói trên, gửi cho bố mẹ trước khi quyết định nhảy lầu.

Nội dung bức thư khiến nhiều người đau lòng và thương xót cho bé gái đang tuổi ăn tuổi chơi mà phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi cọ, chung sống không hạnh phúc.

Mặc dù chưa xác minh được bức thư này có đúng là của bé gái 11 tuổi nhảy lầu chung cư hay không, nhưng cộng đồng mạng vẫn chia sẻ nhằm cảnh tỉnh các bố mẹ và cũng là nhắc nhở chính bản thân mình.

Bố mẹ hay xung đột: Con gặp vấn đề về cảm xúc

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), việc cha mẹ thường xuyên ức chế và lo lắng cũng sẽ phóng chiếu lên trẻ khiến trẻ cảm thấy lo lắng, tức giận và bất an.

PGS. TS Thành Nam cho hay, mối quan hệ giữa cặp đôi trong cuộc sống gia đình luôn có những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.

Những xung đột có thể này sinh do nhiều nguyên nhân: Không được thoả mãn như cầu hoặc mục tiêu của từng người, do công việc, không sẻ chia được tình cảm cho nhau…

Sự bất mãn đó dần tăng cao, dẫn đến các cuộc cãi vã, giận dữ, buộc tội, chỉ trích từ người này hướng tới người kia.

Trong trạng thái cảm xúc tiêu cực dữ dội đó, nhiều cha mẹ đã quên mất con cái đang trở thành nạn nhân trong “cuộc chiến”.

Những trẻ thường xuyên chứng kiến cha mẹ xung đột với nhau nhìn chung, gặp nhiều vấn đề cảm xúc và ít hạnh phúc hơn những đứa trẻ khác.

Bé gái 11 tuổi tử vong từ tầng 39: Khi con là nạn nhân trong “cuộc chiến” của bố mẹ - 1

Việc cha mẹ thường xuyên ức chế và lo lắng cũng sẽ phóng chiếu lên trẻ làm trẻ cảm thấy lo lắng, tức giận và bất an hơn. (Ảnh: Minh hoạ). 

Cụ thể, các em này thường có kết quả học tập thấp hơn, nhiều vấn đề về hành vi chống đối và bạo lực hơn, khả năng điều chỉnh tâm lý kém hơn, mức độ tự nhận thức về bản thân tiêu cực hơn.

Nhiều em gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội thậm chí không thể duy trì giao tiếp bình thường với cha mẹ.

Khi cha mẹ xung đột, không khí gia đình đầy ắp cảm xúc tiêu cực, đứa trẻ mất đi thời gian quan tâm, hỗ trợ, yêu thương và ở bên của cả cha và mẹ.

“Việc cha mẹ thường xuyên ức chế và lo lắng cũng sẽ phóng chiếu lên trẻ làm trẻ cảm thấy lo lắng, tức giận và bất an hơn.

Sự tức giận và ức chế do xung đột, làm suy giảm kỹ năng làm cha mẹ khiến họ ít bộc lộ cảm xúc với trẻ, ít giám sát và sử dụng nhiều hình phạt khắc nghiệt hơn”, PGS. TS Thành Nam cho hay.

Cha mẹ ức chế: Trẻ lo lắng

Theo phân tích của chuyên gia này, chính xung đột của bố mẹ dẫn đến nhiều hệ luỵ cho các con.

Trong đó, có thể làm cho trẻ tức giận và bắt đầu sử dụng bạo lực bằng cách nào đó, nhằm giải quyết sự khác biệt hoặc khó chịu của bản thân.

“Điều đáng buồn là một số trẻ lại sử dụng bạo lực với chính bản thân mình như một cách giải quyết sự khó chịu.

Trẻ có thể sử dụng những hình thức tiêu cực như tự gây hại hoặc tự sát để trốn chạy khỏi những tình huống mà bản thân cảm thấy không thể chấp nhận hoặc chịu đựng được (ví dụ như bố mẹ chia tay và không thể được sống với cả bố mẹ)”, ông nói.

Bé gái 11 tuổi tử vong từ tầng 39: Khi con là nạn nhân trong “cuộc chiến” của bố mẹ - 2

Khi cha mẹ xung đột, không khí gia đình đầy ắp cảm xúc tiêu cực, đứa trẻ mất đi thời gian quan tâm, hỗ trợ, yêu thương và ở bên của cả cha và mẹ. (Ảnh: Minh hoạ). 

Với một số trẻ khác, khi bố mẹ xảy ra xung đột, trẻ tự đổ lỗi cho bản thân khi nghĩ rằng, mâu thuẫn này có phần lỗi do mình, do không học thật giỏi, không đạt được thành tích như kỳ vọng, đã làm việc này việc khác khiến bố mẹ giận dữ …

Từ đó, các em cho rằng, chỉ có cái chết mới đủ để chuộc lại sai lầm của mình. Cũng có em cảm thấy quá mức tổn thương vì cha mẹ không quan tâm chú ý đến mình.

Đặc biệt, có trẻ cảm thấy bất lực trong việc giải quyết mâu thuẫn xung đột của bố mẹ, cảm thấy mọi mong muốn của mình không được lắng nghe đáp ứng nên lựa chọn cái chết để bày tỏ một thông điệp và cố gắng để cha mẹ phải hành động khác đi (dừng việc cãi nhau lại).

Chính vì vậy, theo PGS.TS Trần Thành Nam, nếu tình trạng xung đột giữa cha mẹ là không thể tránh được, cha mẹ phải bảo vệ và giúp con cân bằng tâm lý bằng cách nhờ đến các nhà chuyên môn, các chuyên gia tâm lý trị liệu gia đình.

Nhà tâm lý sẽ có chuyên môn và biết rõ mình cần làm gì để giúp giảm lo lắng, thù địch và những hiệu ứng khác của xung đột, lôi kéo hai bên tham gia tìm một giải pháp thích hợp nhất với nhu cầu của họ và của những đứa trẻ.

Thậm chí, bố mẹ nên chuẩn bị tư tưởng trước cho con, kể cả những trường hợp xấu nhất như đối diện với ly hôn và đặt ra các kế hoạch tương lai mà các bên đều cảm thấy đỡ tổn thương nhất.

M. Hà (ghi)