Bạo lực, xâm hại trẻ em: Mới chỉ thấy phần chóp, thời gian tới sẽ còn thấy nhiều hơn

(Dân trí) - Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói rằng trước đây chúng ta mới chỉ thấy cái “chóp" của những vấn nạn bạo lực học đường, xâm hại trẻ, thời gian tới đây sự thật sẽ dần dần nhô lên. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để chứng kiến sự phơi bày ra ánh sáng của những vụ việc đáng sợ như vậy.

Chiều ngày 8/4, báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Ngăn ngừa bạo lực học đường để trẻ em không đơn độc” với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hiệu trưởng một số trường học và chuyên gia tâm lý học đường.

Bạo lực, xâm hại trẻ em: Mới chỉ thấy phần chóp, thời gian tới sẽ còn thấy nhiều hơn - 1

Toạ đàm “Ngăn ngừa bạo lực học đường để trẻ em không đơn độc”

Sẽ còn thấy nhiều vụ việc bạo lực và xâm hại trẻ em hơn, nhưng các em không đơn độc

Tại buổi toạ đàm, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT chia sẻ rằng qua quá trình nghiên cứu, bạo lực học đường là vấn nạn của hầu khắp các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển có đời sống cao. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý, muốn khám phá và thể hiện mình nên thường xảy ra những chuyện vượt ngoài kiểm soát.

Ông Bùi Văn Linh cho biết vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản với mong muốn làm trong sạch môi trường giáo dục, đẩy lùi bạo lực học đường. Bộ GD&ĐT đã kí hơn 10 thông tư liên quan để tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.

Ông Linh nhìn nhận rằng thực tiễn có những vụ bạo lực học đường, có những vụ việc cá biệt xảy ra nhưng ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần của học sinh, ảnh hưởng lâu dài tới việc hình thành cá tính, hành vi của học sinh.

Từ các vụ việc bạo lực học đường gần đây có thể thấy rằng nguyên nhân có mẫu số chung là do mâu thuẫn. Gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể chưa tiếp cận sâu sát để hiểu được mâu thuẫn của các em. Cần thiết phải có sự quan tâm sâu sát hơn đối với các em để giúp dục và định hướng học sinh.

“Chúng ta cần có thái độ kiên quyết lên án và nói không với bạo lực học đường, làm sao để con em chúng ta có môi trường lành mạnh để học tập”, ông Linh nói.

Bạo lực, xâm hại trẻ em: Mới chỉ thấy phần chóp, thời gian tới sẽ còn thấy nhiều hơn - 2

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Mỗi lần thấy những video bạo lực học đường chúng ta lại trải qua một cú sốc".

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận xét: “Mỗi lần thấy những video bạo lực học đường chúng ta lại trải qua một cú sốc. Rất nhiều người bày tỏ tâm tư, suy nghĩ về vấn nạn này vì nó không còn xảy ra đơn lẻ”.

Ông Nam nói về xu hướng xâm hại trẻ em gần đây, trong đó có bạo lực học đường và xâm hại tình dục. Ông Nam thấy rằng xu hướng trong 2-3 năm tới, tình trạng các clip, thông tin về vấn đề xâm hại trẻ em sẽ tăng lên do nhiều lí do. Đó là điều tất yếu không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới có nền giáo dục và tư vấn tâm lý học đường phát triển.

Đặc biệt ở Việt Nam, những vụ việc trẻ em bị xâm hại, bị bắt nạt từng bị giấu giếm, ẩn sau những bức tường. Còn hiện nay, đời sống dân trí tăng cao, sự hiểu biết của người dân được nâng lên, do vậy người dân sẵn sàng đứng ra tố cáo để bảo vệ cho bản thân và con em mình.

Theo ông Nam, trước đây chúng ta mới chỉ thấy cái “chóp" của những vấn nạn bạo lực học đường, xâm hại trẻ, thời gian tới đây sự thật sẽ dần dần nhô lên. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để chứng kiến sự phơi bày ra ánh sáng của những vụ việc đáng sợ như vậy.

Ông Nam đặt ra câu hỏi: Vậy thì ai là nạn nhân? Các em bị bạo lực, rõ ràng là nạn nhân. Còn những em đánh bạn cũng là nạn nhân. Lỗi phần lớn không nằm ở các em mà lỗi ở những người giáo dục, dẫn dắt, chăm sóc các em nên người, giúp các em trở thành một công dân tốt. Chúng ta cần nhìn thẳng vào trách nhiệm của chúng ta!

Phải chịu trách nhiệm trước hết là chính các em làm sai, các em phải chịu trách nhiệm. Thứ hai nữa là những người có trách nhiệm giáo dục, giám sát các em trong môi trường học đường và chính cha mẹ các em. Nếu như các em gây ra tổn thương cho bạn của mình đến mức phải xử lý hình sự thì không chỉ răn đe, giáo dục các em mà phải giáo dục chính các bậc cha mẹ, để có biện pháp giáo dục, giám sát con em tốt hơn.

Mặt khác, ông Nam nêu ra vấn đề: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đã làm hết sức chưa? Vì sao trong luật pháp Việt Nam quy định có 17 cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giám sát, giúp đỡ trẻ em mà trong một số vụ việc trẻ em vẫn bị đơn độc. Ông Nam đề nghị những người có trách nhiệm giáo dục trẻ em hãy làm hết trách nhiệm của mình, theo đúng Luật Trẻ em 2016.

Trong nhiều trường hợp, trẻ em thực sự đơn độc bởi sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một số người, một số cơ quan. Nhưng nhìn rộng ra, các em không đơn độc. Các em cần phải biết các em sẽ phải nói với ai khi bị xâm hại, bị bạo lực nhưng trước hết các em phải được trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình, điều này cần nhà trường và gia đình nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh đó, tổng đài bảo vệ trẻ em 111 cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các em. Chỉ cần gọi điện tới tổng đài, các em sẽ không còn cảm thấy đơn độc.

Trong quý 1 năm 2019, lực lượng công an ghi nhận 310 vụ bạo lực học đường

Bạo lực, xâm hại trẻ em: Mới chỉ thấy phần chóp, thời gian tới sẽ còn thấy nhiều hơn - 3

Đại tá Phạm Mạnh Thường - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết: Theo thống kê của ngành Công an, riêng về bạo lực học đường xảy ra trong quý 1 năm 2019 là 310 vụ.

Đại tá Phạm Mạnh Thường - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đại diện cơ quan hành pháp phân tích vấn nạn bạo lực học đường từ góc độ pháp luật. Ông Thường cho rằng chưa bao giờ Đảng và Nhà nước quan tâm giải quyết vấn đề này như hiện nay.

Theo thống kê của ngành Công an, riêng về bạo lực học đường xảy ra trong quý 1 năm 2019 là 310 vụ. Về luật pháp, để xử lý sự việc, chúng ta đã có bộ luật hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để phân tích rằng lỗi của ai, học sinh hay những người chịu trách nhiệm giáo dục… thì cần nhiều thời gian.

Qua điều tra, lực lượng công an thấy rằng mâu thuẫn trong học sinh dẫn tới bạo lực nhiều, nhưng nguyên nhân từ đâu dẫn tới mâu thuẫn cần phải tìm ra để xử lý tận gốc.

Do vậy, cần phải phối hợp trách nhiệm giữa phụ huynh, nhà trường, cần phải quan tâm tới con em mình sâu sát hơn. Ông Thường đề nghị các trường lắp đặt camera giám sát trong nhà trường, có thể lấy nguồn kinh phí từ xã hội hoá. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải được thực hiện ngay trong nhà trường, để học sinh ý thức được hậu quả của bạo lực học đường.

Người tiếp theo nói về chủ đề ngăn ngừa bạo lực học đường là TS. Nguyễn Tùng Lâm - nguyên Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng. Ông đặt câu hỏi vì sao chúng ta đặt ra vấn đề này nhiều rồi nhưng không giải quyết được?

Về mặt tâm lý của trẻ em chưa ổn định, xảy ra chuyện là điều tất yếu. Không phải chúng ta tích cực làm việc là ngày mai trẻ em sẽ ngoan ngoãn hết. Nhưng chúng ta cần làm làm nâng cao ý thức trách nhiệm của người lớn, tạo ra nề nếp gia đình, dành thời gian giáo dục con em. Vai trò của giáo dục gia đình là rất quan trọng, cần phải giáo dục đúng phương pháp. Sau đó là nhà trường.

Biện pháp được TS. Nguyễn Tùng Lâm đưa ra là: Trước hết là chúng ta phải giải quyết đồng bộ ở tất cả các nơi, các địa phương, các trường và gia đình.

Trong nhà trường, điều đầu tiên là nội dung và phương pháp giáo dục phải hiệu quả hơn, tiếp cận với học sinh gần gũi hơn. Trong chương trình giáo dục, học sinh phải được qua thể nghiệm, qua nhận thức để các em có kĩ năng sống, biết yêu thương, khoan dung… bằng những câu chuyện và việc làm cụ thể. Đặc biệt là để các em được tự chủ, tự quản trong nhà trường. Hãy để các em được đề xuất những điều mà các em mong muốn được thực hiện trong nhà trường.

Với những người làm giáo dục, vai trò của giáo viên chủ nhiệm phải được nêu cao, bên cạnh tuyển chọn đầu vào cao còn phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng các giáo viên chủ nhiệm, người sát sườn với học sinh. Gíao viên chủ nhiệm phải được đề cao, được trả lương cao hơn để có động lực hoàn thành trách nhiệm với học sinh.

Bà Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương cho biết, về phía các tổ chức Đoàn, Đội cũng đang tổ chức nhiều hoạt động, hướng dẫn kĩ năng phòng vệ và chia sẻ về nội dung đẩy lùi bạo lực học đường, trong đó nổi trội là hoạt động diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường".

Mai Châm