Bạn đọc viết:

Bao giờ học sinh được học sử qua những câu chuyện hay?

(Dân trí) - Đọc bài viết “Bí quyết cùng con học Lịch sử” của bạn đọc Nguyễn Thùy, tôi thấy nhiều điểm khá thú vị trong câu chuyện của một người mẹ muốn ươm mầm tình yêu lịch sử cho con trẻ.

Trẻ con với trí tò mò và niềm khát khao khám phá vô giới hạn muôn đời vẫn thích thú với những câu chuyện kể in đậm dấu ấn về cái thiện chiến thắng cái ác, về người anh hùng chống giặc, về những đức tính cao quý trung thực, vị tha, nhân ái…

Và tôi nghĩ lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có biết bao nhiêu là câu chuyện hay, sự kiện hấp dẫn và những con người thú vị có thể khiến bọn trẻ mê mẩn lắng nghe, ghi nhớ. Và lòng tự hào dân tộc trong con trẻ sẽ tự nhiên được ươm mầm trên mảnh đất tâm hồn màu mỡ yêu thương của các con.

Vậy nên không có gì lạ khi bọn trẻ mầm non, đầu cấp tiểu học vẫn có thể đứng chôn chân ở gian hàng bày vô số sách sử vẽ bằng tranh. Và các con cứ hễ đươc nghe kể chuyện sử là mê tít. Nhưng dường như khi lớn hơn tí xíu, lịch sử lại là “món ăn” khó nuốt của bọn trẻ. Vì sao như thế?

Bởi lịch sử trong các bộ truyện tranh, bài tập đọc hồi mầm non, tiểu học là những câu chuyện kể thú vị. Các con có thể khắc ghi nhân vật, gợi lên câu chuyện đi kèm. Đặc biệt là không hề có tính gò ép bọn trẻ phải học thuộc lòng và ghi nhớ chính xác những con số thật sự khó nhớ về ngày tháng, sự kiện…

Nhưng khi các con lớn hơn, các con được học môn Lịch sử bài bản hơn, có hệ thống hơn thì nó lại dễ dàng biến thành “cơn ác mộng” của nhiều thế hệ học sinh. Kiến thức dồn dập với vô số sự kiện, chi chít con số phải đọc, phải học và phải nhớ khiến niềm yêu thích sử xưa héo úa dần trong con trẻ.

Nếu không phải là nhà sử học, giáo viên dạy sử hoặc là học sinh chuyên sử, việc phải ghi nhớ ngày nào - tháng nào - năm nào diễn ra chiến dịch nào, tiêu diệt bao nhiêu địch, phá vỡ bao nhiêu chiếc xe tăng, thu được bao nhiêu vũ khí… quả là một bài toán nan giải.

Vậy mà học sinh hôm nay vẫn phải học Lịch sử bằng những con số, sự kiện như thế đó. Kiến thức từ sách sử dày cộm được thuyết giảng lại, ghi chép đầy vở, soạn dài dằng dặc trong đề cương, học thuộc lòng và trả bài cho giáo viên như những con vẹt hòng đổi lấy điểm số. Sau đó thì sao? Kiến thức trả lại cho thầy cô, “sử và ta không chung đường” như một đứa cháu của tôi năm lớp 8 từng ngân nga ư?

Bạn có bao giờ cùng một đứa trẻ lớp 4, lớp 5 ôn bài môn sử mới hiểu được mức độ kinh khủng của mấy trang đề cương dài dằng dặc. Hình như giáo viên sợ bỏ sót kiến thức nào đó làm học sinh thi không được nên cứ thế dồn ép vô số bài học vào trong những trang đề cương.

Bọn trẻ ngân nga học thuộc lòng, trả bài cho cha mẹ và vào phòng thi nhớ gì chép nấy trả bài cho thầy cô. Thử hỏi làm sao bồi đắp tình yêu môn sử cho những cô cậu học sinh sớm ngán ngẩm mỗi khi nhìn đề cương ôn tập chi chít chữ?

Và rồi câu chuyện môn lịch sử mất dần sức sống không chỉ dừng lại ở đó. Hình ảnh sách sử trắng sân trường nhiều năm trước khi môn sử không có tên trong kỳ thi tốt nghiệp từng khiến bao người giật mình. Điểm thi sử thấp lè tè mỗi năm làm chúng ta trăn trở quá đỗi.

“Đến bao giờ học sinh được học sử qua những câu chuyện hay?” vẫn là một câu hỏi ngỏ…

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm