Bạn đọc viết:

Băn khoăn bữa ăn trưa bán trú

(Dân trí) - Sau mỗi buổi chiều đón con ở lớp về nhà, tôi đều hỏi xem nay con ăn uống ở trường như thế nào. Hầu như câu trả lời quen thuộc là thịt băm, thịt kho tàu, trứng rán, trứng sốt cà chua.

Canh rau thì cũng chỉ nấu cùng xương và thịt băm, chủ yếu là bí xanh, khoai tây, rau mồng tơi, những thứ mềm, dễ ăn với học sinh tiểu học. Chủ đạo vẫn là thịt lợn, thỉnh thoảng mới có thịt gà hoặc bò, lâu lâu mới lại có tôm hoặc cá.

Ở các trường tiểu học, chủ yếu bữa ăn là nấu nướng đơn giản, không cầu kỳ sao cho trẻ ăn nhanh và dễ ăn. Trẻ ăn hết phần của mình mỗi bữa trưa ở trường coi như đã hoàn thành một công việc của các thầy cô. Ăn như là một nghĩa vụ của học sinh và cho trẻ ăn hết khẩu phần mỗi bữa là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm các lớp. Nhiều đứa nói với bố mẹ rằng: Con không thích ăn cơm ở trường, con muốn về nhà. Có chăng chỉ là thấy đông vui và và bị ở trong một khuôn khổ nên việc ăn uống diễn ra nhanh chóng, đúng giờ giấc, cả trăm em như một.

Băn khoăn bữa ăn trưa bán trú - 1
(ảnh minh họa)

Việc ăn trưa ở trường, lâu nay theo suy nghĩ của các bậc phụ huynh chỉ là bữa ăn tạm, cố gắng đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm là được chứ chưa kiểm định đến chất lượng dinh dưỡng. Cứ nghĩ đơn giản là các con chỉ ăn một bữa ở trường nên dù biết chất lượng bữa ăn ở nơi này, nơi khác chưa đảm bảo nhưng cha mẹ học sinh cũng phải chấp nhận. Nhiều đứa chán ăn, bỏ thịt, chỉ ăn cơm với nước canh, có đứa đòi về nhà vì không thể ăn được cơm trưa ở trường. Theo mức giá hiện tại, các trường ở thành thị thường thu tiền ăn với mức giá khá cao, mỗi học sinh tiểu học phải đóng 20- 30 ngàn/bữa. Còn ở nông thôn, mức ăn có giảm hơn so với điều kiện của từng địa phương. Tuy nhiên, hầu hết những suất ăn không tương xứng với giá trị thực của việc đóng góp.

Con gái tôi đang học lớp 3 của một trường ở trung tâm phố huyện ngoại ô Hà Nội, những năm trước, vì thương con không được ăn uống đầy đủ nên tôi đưa đón con ngày 4 buổi. Năm vừa rồi, tôi sinh thêm bé nên đành gửi con ăn trưa ở trường. Biết là không yên tâm, nhưng việc để con ăn xong rồi ngủ luôn tại trường tránh việc đi lại vất vả của cả con và mẹ. Bù lại nỗi lo về bữa trưa ở trường, công sức và thời gian của cả gia đình được đảm bảo. Thiếu chỗ nào thì bù vào chỗ đó, mỗi sáng đi học, nhiều mẹ vẫn đút vào trong cặp xách của con khi thì hộp sữa, lúc thì cái bánh ngọt, lúc thì quả táo. Vì vậy bữa ăn trưa ở trường của các con, lâu nay vẫn được cha mẹ định vị là bữa ăn tạm trong ngày. Bữa tối ở nhà, cha mẹ sẽ tập trung cho việc ăn uống của con với chế độ đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng. Ngày chỉ có một bữa ăn chính, việc ăn uống không khoa học và thiếu dưỡng chất cũng là một mỗi lo về phát triển thể lực và sức khỏe của trẻ em đang tuổi lớn.

Ở khối tiểu học thì hầu như rất ít trường có Ban kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn. Có một vài trường, khi phụ huynh cùng đứng ra và kết hợp với lãnh đạo nhà trường thì việc nấu ăn được đảm bảo dinh dưỡng hơn. Điều mà phụ huynh học sinh lo lắng nhất là mặc dù “tiền đóng gạo góp” nhưng giá trị thực tế của bữa ăn không tương xứng với mức thu. Các bậc cha mẹ chỉ nêu ý kiến chung ở những buổi họp phụ huynh nhưng chưa đứng ra thành lập một ban giám sát, việc thu và chi. Bởi với mức tiền đóng góp, với việc nấu ăn cho số đông người như vậy rõ ràng là khá đắt mà chất lượng lại chưa đạt yêu cầu.

Ăn trưa bán trú, một vấn đề ở trường học không liên quan đến công tác giáo dục nhưng lại là việc không nhỏ, vẫn là mối quan tâm, là mối lo thường trực của học sinh và các bậc cha mẹ ở nhiều nơi. Còn nhiều tồn tại và bất cập nhưng cần phải có sự chung tay giữa nhà trường, gia đình và xã hội mới tạo ra những bữa ăn bán trú đảm bảo cho các em học sinh.

Minh Minh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!