Ý kiến các nhà khoa học sau vụ GS Phan Thanh Sơn Nam bị "tố" gian lận

Hồng Hạnh

(Dân trí) - GS.TS Phan Thanh Sơn Nam vừa bị "tố" gian lận trong kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ cho nhiều bài báo khác nhau không liên quan, nhiều nhà khoa học đã có ý kiến.

Ý kiến các nhà khoa học sau vụ GS Phan Thanh Sơn Nam bị tố gian lận - 1

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam

GS Phan Thanh Sơn Nam hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, được biết đến là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được phong chức danh giáo sư vào năm 2014.

GS Phan Thanh Sơn Nam xin lỗi

Theo thông tin từ Wikipedia ngày 27/2/2021, GS. Phan Thanh Sơn Nam, Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, có bài báo bị nghi ngờ là dùng lại dữ liệu trong công bố:

Ý kiến các nhà khoa học sau vụ GS Phan Thanh Sơn Nam bị tố gian lận - 2

Nguồn: Wikipedia ngày 27/2/2021

 Theo trang này, GS Phan Thanh Sơn Nam gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau trong một số bài báo khác nhau không liên quan (xuất bản từ năm 2014-2020).

Hiện trên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã không còn thông tin này. Bài viết về GS Phan Thanh Sơn Nam cập nhật được chỉnh sửa lần cuối vào ngày 9/3/2021. 

Liên quan đến sự việc, GS Phan Thanh Sơn Nam thừa nhận sai sót và lên tiếng xin lỗi.  GS Phan Thanh Sơn Nam cho biết, sau khi nắm thông tin trong một số công bố của nhóm nghiên cứu, xảy ra tình trạng trong phần phụ lục (SI) của bài này, có một số phổ NMR giống với NMR trong SI của bài khác của chính nhóm mình nghiên cứu. 

Nhóm đã rà soát lại và cũng đã email xin tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần SI của 4 bài báo bị lỗi trên. GS Nam cho biết, trong các bài báo của mình, phần viết SI được kiểm tra qua nhiều vòng nhưng không thoát khỏi được tai nạn này. Việc bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần SI, là sai. 

"Xưa nay mình vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm mình đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng", GS Nam bày tỏ.

 Xin lỗi là hành động dũng cảm nhưng do Ban Biên tập không sâu sát 

Trao đổi với Dân trí,  một nhà khoa học cho biết, vì đây là những nguồn dữ liệu mở nên cộng đồng học thuật có thể kiểm chứng dễ dàng. Tuy nhiên, GS. Phan Thanh Sơn Nam đã tự nhận là có dùng lại hình phổ NMR (tài liệu bổ sung thêm - SI) trong 4 bài mà sinh viên của GS Nam làm tác giả chính (không nêu rõ bài nào).

Trước mắt, việc GS. Nam đã nhận trách nhiệm sai đối với 4 bài và cũng đã hứa là sẽ làm làm thí nghiệm để gửi thông tin bổ sung cho tạp chí. Đây là việc nên làm và là một hành động dũng cảm.

Tuy nhiên, thiết nghĩ GS. Nam cũng nên cho rà soát lại các công trình mà GS. Nam đã công bố để có thể khắc phục kịp thời những sai sót, nhất là những vấn đề liên quan đến số liệu.

Nhà khoa học này cho rằng, lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm của GS. Nam là một lĩnh vực khó và tất cả các kết quả đều phải được kiểm chứng bằng các thí nghiệm nghiêm túc. Do đó, việc sử dụng lại các dữ liệu đã thực nghiệm trước đó là không nên, vì dễ dẫn đến lỗi ngụy tạo dữ liệu trong nghiên cứu khoa học (data fabrication), một lỗi rất nghiêm trọng.

Nhà khoa học này chia sẻ thêm, không ít chuyên gia cho rằng có thể sử dụng một phổ NMR cho nhiều bài báo nhưng thực tế thì không phải như thế, đã làm thực nghiệm thì phải tôn trọng và thực hiện đúng quy trình nghiên cứu thực nghiệm.

Có thể các chuyên gia phản biện không phát hiện vấn đề này vì họ đã không đọc hết các công trình trước đó của tác giả, nhưng trách nhiệm đúng/sai cuối cùng thì tác giả vẫn phải chịu.

Lấy một ví dụ rất đơn giản về thực nghiệm như việc kiểm nghiệm chất lượng một chiếc xe ô tô, khi cho xe chạy trên đường cao tốc thì sẽ thu được các thông số về độ an toàn, sức bền…, nhưng khi cho cùng chính ô tô đó chạy trên đường gồ ghề thì chắc chắn những thông số trên phải bị thay đổi.

Nhà khoa học này cho rằng, hơn ai hết, các nhà nghiên cứu phải tôn trọng và thực hiện đúng các quy trình trong nghiên cứu khoa học đối với từng loại hình nghiên cứu theo đúng thông lệ. Việc này chẳng những tạo ra các công trình khoa học nghiêm túc mà còn giúp đào tạo sinh viên, đội ngũ làm khoa học kế cận hiểu đúng và làm đúng các quy trình trong nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Ngô Tứ Thành, trường ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ quan điểm, trong bài báo khoa học, phần phụ lục không phải là linh hồn của bài báo mà chỉ là các kết quả thí nghiệm hay là phần minh họa  làm rõ một kết quả nghiên cứu (NC) lý thuyết có trong bài báo. Chính vì vậy, GS trưởng nhóm NC hay bạn đọc đôi khi chỉ quan tâm đến ý tưởng khoa học mới trong bài báo mà bỏ qua phần xem kỹ phụ lục.

Tuy nhiên trong một số lĩnh vực khoa học đặc thù, làm thực nghiệm kiểm chứng khoa học phải được tiến hành trong các phòng thí nghiệm trọng điểm rất tốn kém.

PGS Thành cho biết, mỗi giờ thí nghiệm tính theo USD nên có nhiều người (cùng nhóm NC khi được giao làm thí nghiệm kiểm chứng) ngại làm thí nghiệm, sợ tốn kém mất thời gian nên đã tự đưa ra số liệu giả .... rồi khẳng định kiểm chứng khoa học là đúng. Trong trường hợp này người phản biện bài báo phải đến phòng thí nghiệm kiểm tra mới phát hiện số liệu giả.

"Tôi không cùng chuyên môn Hóa với GS Nam nên không rõ làm thực nghiệm để vẽ (xây dựng) phổ NMR  tốn kém và khó khăn thế nào. Nếu phổ NMR chỉ là phần thực hành đơn giản, có thể suy đoán được sẽ trùng với phổ NMR của bài báo khác thì có thể trích dẫn đưa vào phụ lục thì cũng không sai phạm lắm.

Nhưng nếu để có phổ NMR như bài báo, phải mất thời gian và tốn kém tiền bạc thì việc không thực nghiệm mà sử dụng phổ NMR của người khác để "gắn" cho công bố khoa học là vi phạm đạo đức khoa học.

Lỗi trong việc này không chỉ của GS Nam quan liêu mà còn do phản biện và ban biên tập tạp chí đã không sâu sát" - PGS.TS Ngô Tứ Thành nhấn mạnh.

GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, nếu đúng như GS Phan Thanh Sơn Nam thừa nhận thì đây là trò ăn gian nhưng không quá nghiêm trọng.

Theo GS Viên, về nguyên tắc, kết quả nghiên cứu mới chỉ được công bố 1 lần duy nhất, từ các lần sau đều là dẫn lại/trích dẫn từ bài báo gốc/ nguyên thủy nhưng GS Nam đã thừa nhận và xin lỗi thì cũng không nên nói nhiều nữa.