Vì sao doanh nghiệp "chê" sinh viên giỏi, nhận sinh viên khá?
(Dân trí) - Một số doanh nghiệp cho rằng, thà nhận sinh viên bằng khá nhưng có nhiều kỹ năng mềm, hơn nhận sinh viên giỏi nhưng "học gạo".
Tại "Ngày hội việc làm" do Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội tổ chức ngày 16/4, một số doanh nghiệp thừa nhận, thà nhận sinh viên tốt nghiệp bằng khá nhưng có nhiều kỹ năng mềm, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, hơn là nhận sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng chỉ "học gạo".
Doanh nghiệp "chê" giỏi, lấy khá
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Yoshiyuki Waki, Giám đốc nhà máy Công ty Nikkiso Việt Nam cho hay, tại ngày hội việc làm, đơn vị này muốn tuyển 6 vị trí từ chức vụ quản lý, kỹ sư đến kế toán và hơn 100 công nhân.
Không đặt nặng "màu sắc" tấm bằng, đơn vị này yêu cầu đầu tiên là tiếng Anh giao tiếp tốt và ở vị trí kỹ thuật thì ứng viên phải biết vẽ Autocad.
"Chúng tôi chỉ tuyển sinh viên làm được việc, không đặt nặng bằng giỏi hay bằng khá. Nếu bằng giỏi nhưng sinh viên đó không nhiệt tình với công việc, không có các kỹ năng giao tiếp hàng ngày, chúng tôi cũng không tuyển dụng", ông Yoshiyuki Waki nói.
Cũng theo ông Yoshiyuki Waki, do đây là công ty sản xuất linh kiện cho máy bay, đối tượng khách hàng chủ yếu ở Châu Âu nên giao tiếp tiếng Anh là yêu cầu đặt lên hàng đầu.
Thế nhưng sinh viên hiện nay nhiều người học tiếng Anh tốt nhưng thiếu kỹ năng giao tiếp.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Thị Trang, Trưởng bộ phận tuyển dụng Công ty Hyundai Kefico nói rằng, đối tượng đơn vị này nhắm đến tại các ngày hội việc làm là các kỹ sư công nghệ cao.
Thông thường ở các ngày hội việc làm, đơn vị này sẽ nhận được khoảng 100 hồ sơ nhưng chỉ chắt lọc khoảng 10 đến 20 ứng viên để tuyển dụng.
Bà Trang cũng thừa nhận, sinh viên hiện nay có kỹ năng mềm tốt hơn nhưng số đông các em vẫn tập trung vào việc học quá nhiều.
Theo phân tích của nhà tuyển dụng này, trong thời đại 4.0, nền kinh tế đã hội nhập, sinh viên muốn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, yếu tố đầu tiên là ngoại ngữ.
"Đây là công cụ để các em làm việc nhưng trong các lần tuyển dụng, tôi nhận thấy các bạn đang dừng lại ở việc nhận ra tầm quan trọng của ngoại ngữ nhưng không dành thời gian để cải thiện kỹ năng này tốt hơn.
Thậm chí một số bạn có tâm thế muốn vào doanh nghiệp để học hỏi thêm về ngoại ngữ.
Xin thưa, chúng tôi cần nhân lực để làm việc, thay vì nhận người về để đào tạo, điều đó các em chỉ nên thực hiện ở trường đại học", bà Trang khẳng định.
Cũng theo bà Trang: "Các em nhầm tưởng rằng, nếu ra trường với tấm bằng loại ưu thì đa số các doanh nghiệp đều muốn nhận mình.
Thế nhưng các em không hiểu, chúng tôi thà nhận sinh viên tốt nghiệp bằng khá nhưng có kỹ năng mềm, giao tiếp tốt, thay vì nhận sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng chỉ "học gạo".
Cũng theo bà Trang, sở dĩ khi tuyển dụng, doanh nghiệp này sẽ chọn sinh viên tốt nghiệp loại khá nhưng có kỹ năng giao tiếp tốt bởi lẽ các em còn kết nối và làm việc nhóm.
Vậy nên ngoài kiến thức ở trường, điều doanh nghiệp mong muốn ở các sinh viên là kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp hàng ngày và kỹ năng làm việc nhóm.
Cơ hội "vàng" chinh phục nhà tuyển dụng
Tại "ngày hội việc làm", PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, chưa bao giờ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay.
Chính vì lẽ đó, các ngày hội việc làm là cơ hội "ngàn vàng" cho tất cả các bạn sinh viên được tham gia tư vấn, cọ xát, khám phá năng lực của bản thân và chọn cho mình được ngành nghề phù hợp nhất.
Đặc biệt, chương trình tạo môi trường cho các nhà tuyển dụng tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao, là cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp và sinh viên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao ở các ngày hội việc làm của các trường đại học nói chung, chỉ một tỷ lệ nhỏ sinh viên được tuyển dụng? PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng, điều này cũng là lẽ thường.
Về việc sinh viên hiện nay chỉ đổ xô vào các ngành "hot", dẫn đến các trường đại học mất cung cầu về chất lượng và số lượng sinh viên đào tạo, PGS Điền cho hay, sở dĩ ngành "hot" thu hút sinh viên bởi lẽ nhu cầu nguồn nhân lực các ngành này trong thời gian tới rất cao.
Ngoại trừ một số em chọn nghề theo truyền thống gia đình, hầu hết tâm lý ai cũng muốn học ngành "hot" để xã hội trọng vọng, mức thu nhập cao.
Mặc dù vậy, trở ngại khi vào ngành "hot" là cạnh tranh cao nên theo lời khuyên của chuyên gia này, những sinh viên có học lực tốt, điểm số tốt mới chọn ngành "hot".
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc vừa qua, nhiều đơn vị công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao, "đẹp như mơ". Vậy tỷ lệ này đối với ĐHBK như thế nào?
PGS Điền khẳng định, nhiều năm nay, ĐHBK rất nghiêm túc trong công bố tỷ lệ phần trăm sinh viên có việc làm.
Thế nhưng chuyên gia này cũng cho hay, rất khó có thể đưa ra con số chung ở ĐHBK bởi tỷ lệ có việc làm cao/thấp còn tùy thuộc vào ngành học.
"Các em đã được đào tạo rất nhiều kiến thức chuyên sâu nhưng để chinh phục các nhà tuyển dụng, sinh viên cần khắc phục rất nhiều kỹ năng.
Nhà trường đã cố gắng giúp các em hoàn thiện nhiều kỹ năng như: Viết CV, cách thể hiện bản thân, cách trả lời phỏng vấn…
Chính vì vậy, các chương trình ngày hội việc làm là cơ hội để các em trải nghiệm những kiến thức đã được nhà trường hướng dẫn hàng năm", PGS Điền nói.