Ứng dụng AI, 9X biến "không khí" thành startup triển vọng

Trường Thịnh Linh Phương

(Dân trí) - Chọn "khởi nghiệp xanh" bằng cách cung ứng cho thị trường sản phẩm có khả năng cảnh báo khủng hoảng và giám sát 13 chỉ số chất lượng không khí, Vũ Hải Nam (1990, cựu SV ĐH FPT) liên tiếp ẵm giải thưởng lớn cả trong và ngoài nước về startup công nghệ.

Làm khác để làm tốt

Quan tâm tới khởi nghiệp ngay từ thời sinh viên nhưng khi ra trường, Vũ Hải Nam quyết định đi làm thuê thay vì hừng hực khí thế xây dựng riêng cho mình một "đế chế". Tâm niệm "chỉ khi làm thuê mới sớm có cơ hội chạm tay vào những công nghệ hàng đầu thế giới", chàng cựu sinh viên ĐH FPT chọn đầu quân cho các công ty outsourcing. Công việc này giúp Nam được thử sức mình ở nhiều dự án trong và ngoài nước, mở rộng mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm khi làm việc với khách hàng Mỹ, Nhật Bản…

"Môi trường outsourcing thử thách tôi với nhiều dự án, công nghệ khác nhau, giúp tôi phát triển khả năng học hỏi, làm mới và cập nhật kiến thức, đồng thời cũng "học lỏm" được tư duy xây dựng một hệ thống đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của nước ngoài. Ý tưởng phát triển sản phẩm của riêng mình vẫn được tôi nung nấu trong suốt quá trình này, tuy nhiên khi cảm thấy cơ hội chín muồi, thị trường có tiềm năng đón nhận và năng lực cá nhân đủ sức, tôi mới chính thức theo đuổi lối đi riêng" - Nam cho biết.

Ứng dụng AI, 9X biến không khí thành startup triển vọng - 1
9X Vũ Hải Nam và hành trình khởi nghiệp xanh với nhiều dấu ấn ấn tượng.

Thời điểm "chín muồi" mà Nam nhắc đến có lẽ là năm 2015, khi một công ty khác tại tòa nhà văn phòng nơi anh làm việc xảy ra sự cố cháy nổ. Tuy không gây thiệt hại quá lớn về người và của nhưng tình huống bất ngờ lại không có sự chuẩn bị trước đó khiến Nam không ngừng suy nghĩ về việc làm sao để giảm thiểu rủi ro cho con người, hạn chế những mất mát mỗi khi khủng hoảng hay sự cố xảy ra ở các cơ quan, công xưởng…

Vướng mắc chỉ phần nào được tháo gỡ khi 9X nghiên cứu về ứng dụng mạng lưới cảm biến để quản trị khủng hoảng, anh nhận ra mình hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe người lao động, thậm chí góp phần làm tăng năng suất thông qua cải thiện chất lượng không khí. Ý tưởng đã có, Nam quyết định tạm gác việc học Tiến sĩ chuyên ngành AI tại Mỹ để khởi nghiệp với tMonitor. Một sự đánh đổi có lẽ là mơ mộng, mạo hiểm và không cân xứng trong suy nghĩ của nhiều người, nhưng với Nam, thời điểm ấy, đây đơn giản là một quyết định làm khác để làm tốt.

"Có một thực tế không thể phủ nhận là giữa nghiên cứu và thực tiễn luôn tồn tại khoảng cách. Ngay cả nhiều kết quả trong nghiên cứu ứng dụng cũng không thể hoặc chưa thể đưa vào cuộc sống. Tôi luôn luôn muốn giải quyết một vấn đề thực tế của xã hội, có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Lựa chọn tạm dừng việc học Tiến sĩ để khởi nghiệp tMonitor là cách để tôi có thể bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng của mình từ những bước đi nhỏ nhất, thiết thực nhất" - Nam cho biết.

Quyết tâm, đam mê và không ngừng sáng tạo, tMonitor - Startup dùng AI cảnh báo chất lượng không khí theo thời gian thực chính thức được 9X cho ra đời.

Bơi cùng cá mập mà không sợ bị nuốt chửng

Xuất hiện trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã và đang là một vấn đề toàn cầu, tMonitor không phải là giải pháp đầu tiên hay duy nhất trên thị trường, nhưng lại sở hữu những ưu thế vượt trội và phù hợp để tiếp cận với số đông khách hàng ở nhiều phân khúc. Hướng đi này đúng với tinh thần khởi nghiệp mà CEO 9X luôn đau đáu: "Là một startup, chúng tôi mong muốn đóng góp vào giải quyết một vấn đề cụ thể của xã hội, chứ chưa bận tâm lắm mình là người dẫn trước hay kẻ đến sau".

Tập trung vào giải quyết các vấn đề, tình huống mà con người có thể gặp phải ở môi trường làm việc trong nhà, hệ thống của tMonitor có thể cung cấp các phép đo theo thời gian thực, nhận biết chất lượng không khí với độ chính xác cao, đồng thời đưa ra những phân tích về điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng)... Những chỉ số này sẽ được đo thường xuyên theo từng năm, từng tháng, với giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm khác đang có trên thị trường (do startup có thể chủ động về mặt sản xuất cả phần mềm và phần cứng).

Ứng dụng AI, 9X biến không khí thành startup triển vọng - 2
Vũ Hải Nam và Co-founder tMonitor Trần Đức Nghĩa

"Cái gì mạnh mới làm, còn yếu thì nên nhờ người giỏi tư vấn", tMonitor tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng đã vượt qua hàng trăm dự án công nghệ khác để trở thành nhà Vô địch khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc thi dành cho các sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (tổ chức bởi IBM tại San Francisco, Mỹ, 2018). Năm 2019, startup giành được tài trợ để tham gia triển lãm Các giải pháp cho thành phố thông minh (Smart City Summit & Expo) và tiếp theo đó là vô số những giải thưởng khác cho thấy sự công nhận của giới chuyên môn đối với startup này như: Giải Startup được cộng đồng mạng bình chọn nhiều nhất tại cuộc thi Blue Venture 2020, danh hiệu Sao Khuê, vô địch IoT Start-up, Top 50 AI startup toàn cầu, giải thưởng Đóng góp cho cộng đồng tại OpenBusinessCouncil 2021...

Ứng dụng AI, 9X biến không khí thành startup triển vọng - 3
Vũ Hải Nam nhận giải vô địch Trí tuệ nhân tạo Châu Á Thái Bình Dương của IBM.

Ẵm một loạt giải thưởng trong và ngoài nước là thế nhưng CEO 9X vẫn khiêm tốn cho rằng mình chưa thành công mà vẫn đang khá "chật vật" trong khởi nghiệp. "Hiện nay mình đang vừa làm vừa học hỏi thêm để cố gắng thoát ra khỏi lối tư duy của người làm kỹ thuật quá yêu sản phẩm của mình khi khởi nghiệp, đồng thời học cách huy động vốn và cơ hội kinh doanh sau khi gọi vốn. Chọn hướng khởi nghiệp tạo tác động xã hội nên tMonitor cũng cần thời gian dài hơn các lĩnh vực khác để mọi người nhận thấy được tác dụng và hiệu quả" - Nam cho biết.

Từ kinh nghiệm của mình, lời khuyên mà CEO 9X muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp đó là "biết người biết ta trăm trận trăm thắng" và không ai sẽ đạt được ước mơ mà không trải qua thử thách, khó khăn, bởi "Thành công chỉ thực sự là niềm vui và hạnh phúc khi đó là kết quả của quá trình bản thân quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch đề ra".

CEO 9X cũng đánh giá cao những yếu tố trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa ở trường học, bởi đó là cơ hội giúp sinh viên có thể nuôi dưỡng đam mê khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. "Chính những năm tháng ở ĐH FPT đã giúp mình tự tin hơn khi giao tiếp trước đám đông, biết lắng nghe và nói lên suy nghĩ của mình cũng như không ngại ngần khi sử dụng tiếng Anh, làm việc trong môi trường quốc tế. Sau khi ra trường, mạng lưới cộng đồng cựu sinh viên ĐH FPT cũng có rất nhiều hoạt động gắn kết để mọi người có thể cùng chia sẻ, tư vấn phát triển doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh. Đây là một cơ hội rất tốt cho các bạn trẻ đã và đang có mong muốn khởi nghiệp".

Chia sẻ về dự định công việc trong thời gian tới, chàng cựu sinh viên ĐH FPT cho biết hiện anh đang gọi vốn để sản xuất hàng loạt thiết bị quan trắc không khí tMonitor và mở rộng thị trường, với hy vọng có thể phát triển nhanh và triển khai được thêm nhiều thiết bị quan trắc tại nhà máy, xí nghiệp và các trường học để đảm bảo sức khỏe người lao động, học sinh, sinh viên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm