Tuyển sinh 2021: Nhiều ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội không thể vượt 29 điểm

(Dân trí) - Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ bổ sung thêm các môn tự chọn (trắc nghiệm) Lý-Hóa/Hóa-Sinh và có thể cả Tiếng Anh. Lãnh đạo nhà trường dự báo, mức điểm chuẩn trúng tuyển sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ.

Tuyển sinh năm 2021, trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn đưa ra 3 phương thức tuyển sinh kèm nhiều điều kiện xét tuyển. Phóng viên Dân trí đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường về công tác tuyển sinh năm nay. 

Phóng viên: Ông cho biết phương án tuyển sinh năm 2021 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Năm 2021, phương án tuyển sinh đại học chính quy của Trường giữ ổn định như năm trước với 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp môn truyền thống; Xét tuyển tài năng, bao gồm xét tuyển thẳng và xét hồ sơ học tập kết hợp với phỏng vấn (đối với học sinh các trường chuyên); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ kiểm tra tư duy do Trường tổ chức (thời điểm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Tổng chỉ tiêu đăng ký là 7000, tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu cho 3 phương thức trên sẽ được công bố chính thức trong Đề án tuyển sinh 2021 của Trường.

Tuyển sinh 2021: Nhiều ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội không thể vượt 29 điểm - 1

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Phóng viên: Với phương án tuyển sinh này, thí sinh cần đặc biệt lưu ý gì thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Thí sinh cần lưu ý là việc tham dự kỳ kiểm tra tư duy do Trường tổ chức sẽ làm tăng thêm cơ hội chọn lựa và khả năng trúng tuyển của các em.

Sau những thành công bước đầu trong năm 2020, Nhà trường dự kiến tiếp tục tổ chức thi tại 3 điểm trên khu vực Miền Bắc với số lượng dự kiến khoảng 8 ngàn-10 ngàn thí sinh dự thi nếu tình hình cho phép (thí dụ dịch Covid-19 vẫn được khống chế hiệu quả).

Bên cạnh môn Toán và Đọc hiểu (trắc nghiệm và tự luận), năm nay sẽ bổ sung thêm các môn tự chọn (trắc nghiệm) Lý-Hóa/Hóa-Sinh và có thể cả Tiếng Anh.

Kỳ kiểm tra này sẽ được tổ chức gọn nhẹ về thời gian, không tạo ra tâm lý căng thẳng và áp lực phải học thêm cho thí sinh nhưng vẫn đảm bảo chọn lựa được các sinh viên có năng lực học tập tốt, đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo.

Phóng viên: Được biết điểm chuẩn nhiều ngành năm ngoái của trường cao ngất ngưởng tới 29,4 điểm, vì sao vậy thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Điểm chuẩn vào một vài ngành của Trường năm 2020 ở mức cao do nhu cầu học, chất lượng đào tạo và danh tiếng của Nhà trường đối với thị trường lao động trình độ cao, số lượng thí sinh giỏi đăng ký rất cao tạo ra sự cạnh tranh lớn, đặc biệt trong nhóm ngành đào tạo liên quan trực tiếp đến "cách mạng công nghiệp 4.0" về Công nghệ thông tin và Tự động hóa, Cơ điện tử.

Phóng viên: Với phương án tuyển sinh mới năm 2021, liệu năm nay mức điểm chuẩn các ngành này có thay đổi không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Theo tôi dự báo, mức điểm chuẩn trúng tuyển sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ tùy theo ngành đào tạo. Thí sinh có thể tham khảo mức điểm chuẩn năm 2020 để cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng hợp lý (sau khi Bộ GDĐT công bố kết quả thi).

Tuyển sinh 2021: Nhiều ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội không thể vượt 29 điểm - 2

Tuyển sinh năm 2021, thí sinh có nhiều lựa chọn cơ hội vào đại học vì mỗi trường có phương án tuyển sinh khác nhau để hút thí sinh

Phóng viên: Với các ngành học của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông có lời khuyên và chia sẻ gì cho các thí sinh yêu Bách khoa muốn được vào trường học?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng, đổi mới và hiện đại hóa để triển khai một loạt các chương trình đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ mũi nhọn trong thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo công nghệ.

Tuy nhiên, vẫn có một nhu cầu lớn trong tương lai về nhân lực trong những ngành truyền thống như Kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ Dệt-May, Kỹ thuật Nhiệt hay Kỹ thuật Vật liệu để phục vụ cho phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước. Các em thí sinh nên cân nhắc chọn lựa đăng ký ngành đào tạo phù hợp giữa nguyện vọng và năng lực học tập (kết quả thi) để có một cơ hội trúng tuyển cao, hiện thực hóa ước mơ tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội của các em./.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà nội dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển: (1) Xét tuyển tài năng; (2) Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; (3) Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (tổ chức thi riêng) với khoảng 7000 chỉ tiêu.

I. Xét tuyển tài năng (dự kiến 10 - 20% tổng chỉ tiêu, trong đó số lượng tuyển thẳng mỗi ngành không quá 30% chỉ tiêu của ngành đó)

1) Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế; thí sinh đạt giải quốc gia (nhất, nhì, ba) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ, KHKT.

2) Xét tuyển thẳng căn cứ kết quả thi chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level và IELTS đối với thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên, cụ thể như sau:

- Xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành / chương trình đào tạo đối với thí sinh có chứng chỉ ACT, SAT, A-level đạt ngưỡng quy định của Trường. Đối với chứng chỉ A-level, các môn học phải phù hợp với ngành dự tuyển.

- Xét tuyển thẳng vào các ngành/chương trình Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương).

3) Xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên và đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Thí sinh thuộc hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh) của các trường THPT chuyên trên toàn quốc.

b) Thí sinh được chọn tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh bậc THPT; Thí sinh được chọn tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Thí sinh tham dự Vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam.

c) Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 trở lên (đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý).

d) Thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 50 - 60% tổng chỉ tiêu)

Điều kiện tham gia phương thức xét tuyển này: Thí sinh có điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 7.0 trở lên.

a) Điểm xét từng ngành/chương trình đào tạo được xác định theo tổng điểm thi 03 môn thi của một trong các tổ hợp: A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 (có tính hệ số môn chính ở một số ngành và điểm cộng ưu tiên theo quy định của Bộ GDĐT). Trong đó, các tổ hợp A02 (Toán-Lý-Sinh), D26 (Toán-Lý-Đức), D28 (Toán-Lý-Nhật) và D29 (Toán-Lý-Pháp) được sử dụng để xét tuyển vào một số ngành đặc thù của trường.

b) Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (Academic) từ 5.0 trở lên (hoặc tương đương) có thể được quy đổi điểm tiếng Anh thay cho môn thi tiếng Anh để xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo theo tổ hợp A01, D07, D01.

3. Xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến 30 - 40% tổng chỉ tiêu)

a) Kỳ thi được tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 03 địa điểm của Miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000 - 10.000 thí sinh.

b) Thí sinh dự thi Bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm 2 phần:

  • Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút
  • Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút, chọn 1 trong 3 phần:
    • Tự chọn 1: Lý - Hóa, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành trừ ngành Ngôn ngữ Anh
    • Tự chọn 2: Hóa - Sinh, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành thuộc khối Hóa - Thực phẩm - Sinh học - Môi trường
    • Tự chọn 3: Tiếng Anh, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quản lý

c) Nội dung Bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo.

  • Phần toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận
  • Đọc hiểu với nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.

d) Sơ tuyển thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy:

  • Xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của điểm 3 môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Toán - Văn - Anh
  • Điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn sơ tuyển đạt từ 7.0 trở lên.