Tư vấn tuyển sinh 2022: Ngành học yêu thích nhất phải xếp ở vị trí cao nhất

Võ Sông Hương

(Dân trí) - Làm thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển? Đó là các thí sinh phải chọn được cho mình được ngành học yêu thích nhất, phù hợp nhất để đặt vào vị trí cao nhất trong bản đăng ký xét tuyển.

Tư vấn tuyển sinh 2022: Ngành học yêu thích nhất phải xếp ở vị trí cao nhất - 1

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học: "Các thí sinh cần phải xem xét chi tiết các đề án tuyển sinh của các nhà trường để chúng ta đăng ký xét tuyển, đặc biệt là vấn đề chính sách ưu tiên" (Ảnh: DT).

 Tối ngày 3/3/2022 đã diễn ra chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 với chủ đề "Làm sao tăng cơ hội trúng tuyển?" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) thực hiện.

Buổi tư vấn có sự tham gia của các khách mời đến từ Bộ Giáo dục và đào tạo, cùng các trường đại học. Xoay quanh vấn đề làm thế nào để giúp các thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

Quy chế tuyển sinh 2022: Dự kiến điều chỉnh một số nội dung

Tại buổi tư vấn, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết, quy chế tuyển sinh năm 2022 Bộ Giáo dục và đào tạo dự kiến điều chỉnh một số nội dung cơ bản về mặt kỹ thuật.

Theo đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Năm nay, thực hiện chỉ đạo từ Thủ tướng, tất cả các thí sinh phải đăng ký xét tuyển trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo. Như vậy năm nay chúng ta sẽ không còn phương thức đăng ký bằng giấy mà phải thực hiện hoàn toàn bằng trực tuyến. Đối với những nơi vùng sâu xa, vùng khó khăn, Bộ sẽ có những giải pháp tốt nhất để thuận tiện cho các em trong việc xét tuyển."

TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin năm nay Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ dự kiến chỉ lọc ảo 1 lần để đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh, các trường, các ngành nghề. Do đó, dù ở phương thức nào dù là xét học bạ, đánh giá năng lực hay xét điểm thi THPT thì thí sinh cũng chỉ trúng tuyển ở một nguyện vọng duy nhất.

"Thứ ba là về chính sách ưu tiên, cụ thể là chính sách ưu tiên khu vực, Bộ GD&ĐT đang rà soát lại đối với các thí sinh đã thi trong nhiều năm trước nhưng vẫn nhận được điểm ưu tiên như cũ. Bộ sẽ rà soát lại nhưng yêu cầu phải có lộ trình để đảm bảo thuận lợi trong vấn đề áp dụng chính sách cũng như là đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh", Ông cho hay.

Ngoài ra, TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra một số lời khuyên cho các thí sinh trong công tác xét tuyển: "Để xét tuyển, các em cần phải xem xét chi tiết các đề án tuyển sinh của các nhà trường để chúng ta đăng ký xét tuyển, đặc biệt là vấn đề chính sách ưu tiên. Trong nhiều năm qua, nhiều em thí sinh đã rơi vào trường hợp đỗ thành trượt chỉ vì nhầm lẫn".

 ĐH Quốc gia TP.HCM có gần 85.000 thí sinh tham gia đánh giá năng lực

Chia sẻ về kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), TS Dương Tôn Thái Dương - Phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức thi ĐGNL trong 2 đợt, đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 27/3.

Để có thể tham gia kỳ thi lần này, các thí sinh phải đăng ký trước từ ngày 28/1 đến ngày 28/2, tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 85.000 thí sinh đăng ký.

Kỳ thi ĐGNL năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ diễn ra ở nhiều địa phương như  Đồng Nai, Bến Tre, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Phú Yên… tuy nhiên số lượng đăng ký dự thi nhiều nhất là ở TP.HCM với tỷ lệ 60%. Việc mở rộng ra các địa điểm lân cận là cơ chế để ĐH Quốc gia TP.HCM tăng được quy mô của kỳ thi từ 70.000 của năm 2021, đến gần 85.000 của riêng đợt 1 năm 2022.

"Với kết quả đáng kể đó, chúng tôi hi vọng rằng đây sẽ là một nguồn tuyển vô cùng quan trọng không chỉ riêng mỗi ĐH Quốc gia TP.HCM mà còn đối với hơn 80 trường đã và đang sử dụng kết quả thi ĐGNL như một tiêu chí xét tuyển", TS Dương Tôn Thái Dương nhận định.

Với gần 85.000 thí sinh đăng ký tham gia thi ĐGNL, năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ đẩy mạnh xét tuyển bằng kết quả ĐGNL với tỷ lệ tối thiểu 40% trong tổng số 21.000 chỉ tiêu dự kiến.

Trước số lượng đăng ký dự thi ĐGNL tăng lên vượt bậc so với năm 2021, nhiều thí sinh lo ngại điểm chuẩn năm nay sẽ tăng cao vì mức độ cạnh tranh rất lớn. Chia sẻ về vấn đề này, phó trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay: "Trong những năm trở lại đây, ĐH Quốc gia TP.HCM đã luôn có mức độ về chất lượng đề thi cân bằng, phổ điểm dù có sự thay đổi tuy nhiên sự chênh lệch chỉ nằm trong một khuôn khổ rất bé. Năm nay dựa trên số lượng đăng ký dự thi tăng lên nhanh chóng, tôi dự đoán sẽ có một sự dịch chuyển về điểm số".

Tuy nhiên, TS Dương Tôn Thái Dương cũng nhận định điểm số đợt 1 này vẫn chưa nói lên được điều gì vì sau đó ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ cho các thí sinh tham gia đợt 2. Sau khi kỳ thi đợt 2 được diễn ra thì ĐH Quốc gia TP.HCM mới thực hiện xét tuyển. Do đó, đối với những thí sinh thi 2 lần thì sẽ được lấy điểm ở lần thi cao hơn để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Tìm hiểu kỹ để tăng cơ hội trúng tuyển

Tại buổi tư vấn, TS Hồ Hữu Thụy - trưởng khoa kế toán - kiểm toán Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết: "Hiện nay hầu hết các trường đại học đều phải xét tuyển dựa trên chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục đồng ý cấp mỗi năm do đó số lượng tuyển mỗi năm đều phải có giới hạn.

Trường ĐH Mở TP.HCM năm nay có 6 phương thức tuyển sinh, nhưng đối phương thức xét tuyển bằng học bạ đã chiếm 50% trong tổng số chỉ tiêu. Điều này khiến cho những thí sinh không xét tuyển bằng học bạ phải áp lực rất lớn vì phải cạnh tranh với nhau rất cao".

Theo TS Hồ Hữu Thụy mỗi thí sinh khi đã chọn được chuyên ngành để học, trường đại học để đăng ký thì cần tìm hiểu kỹ lưỡng và có quyết định đúng đắn và ưu tiên phương thức xét tuyển mình có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Trả lời cho câu hỏi: "Phương thức xét tuyển học bạ và phương thức xét điểm thi THPT có diễn ra cùng nhau hay không" của bạn học sinh, TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ rằng hiện nay quy chế mới chưa ban hành nên trong một ngành thì các cơ sở đào tạo có thể xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó có phương thức xét học bạ và xét dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. 

"Việc các phương thức này có diễn ra cùng nhau hay không còn dựa vào sự sắp xếp của mỗi cơ sở đào tạo. Do đó, các thí sinh cần phải chú ý các mốc thời gian để đưa quyết định có lợi nhất để tăng cơ hội trúng tuyển",  TS Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, TS Dương Tôn Thái Dương cũng nhận định: "Dù các trường đại học đều có rất nhiều phương thức xét tuyển nhưng thực tế mỗi phương thức sẽ được xét một cách độc lập nhau. Ở mỗi phương thức xét tuyển thì lại sử dụng một hoặc một vài tiêu chí để xét tuyển các thí sinh. Do đó, ở mỗi phương thức thì các thí sinh cần phải xác định được thứ tự các nguyện vọng của mình. Vậy làm thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển? Đó là các thí sinh phải chọn được cho mình được ngành học yêu thích nhất, phù hợp nhất để đặt vào vị trí cao nhất trong bản đăng ký xét tuyển."