Từ "soái ca" Đại học Bách khoa trở thành thầy giáo nổi tiếng mạng xã hội

Lê Nga

(Dân trí) - Đinh Trường Giang hiện là thầy giáo dạy toán được đông đảo học sinh biết tới. Không chỉ sở hữu tấm bằng cử nhân xuất sắc, anh còn được mệnh danh là "soái ca" Bách khoa vì ngoại hình sáng.

Một số thành tích của Trường Giang:

- Tốt nghiệp xuất sắc Đại học Bách Khoa Hà Nội.

- Giải thưởng Honda Y-E-S dành cho nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2018.

- Quán quân "Khởi nghiệp sáng tạo Việt Đức" năm 2017.

- Huy chương bạc Olympic sinh viên toàn quốc các năm 2015 và 2016.

- Học bổng Odon Vallet - Tổ chức Khoa học & Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam).

- Học bổng toàn phần Đại học Bách Khoa Hà Nội nhiều năm liền.

Bước ra khỏi "đứa trẻ" bên trong mình

Đối với Trường Giang, bất kể ai, dù còn là sinh viên hay đã bước qua cánh cổng đại học, ta đều khởi phát từ một đứa trẻ với tâm hồn luôn tò mò và hiếu kỳ trước thế giới xung quanh.

Cho đến bây giờ, "đứa trẻ" ấy vẫn tồn tại, và đó chính là một "đứa trẻ bên trong" mà ai cũng có.

Trường Giang tâm sự rằng: "Thời điểm khó khăn nhất với hầu hết các sinh viên đại học chính là khi mới bước chân qua cánh cổng trường. Lần đầu tiên trong đời, "đứa trẻ" ấy bước vào môi trường mới đầy hiện đại và khang trang.

Sự tự hào, hạnh phúc xen lẫn với nhiều nỗi lo mơ hồ: Ngành học mình chọn liệu có tốt, có hợp; sau này khi ra trường mình sẽ trở thành ai?

Thời gian đầu sống xa gia đình cùng những câu hỏi tự vấn bản thân như vậy là một bức tranh tối màu khiến nhiều tân sinh viên ngã gục trước những áp lực và lo toan.

Từ soái ca Đại học Bách khoa trở thành thầy giáo nổi tiếng mạng xã hội - 1

Trường Giang đoạt giải thưởng Honda Y-E-S dành cho nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2018 (Ảnh: NVCC).

Để vượt qua giai đoạn khó khăn ấy, mình luôn lấy những mục tiêu làm kim chỉ nam. Đó là mục tiêu về điểm số, mục tiêu về các kĩ năng cần thiết để sinh tồn và mục tiêu tham gia các cuộc thi lớn nhỏ".

Không những sở hữu nhiều thành tích nổi bật, Trường Giang còn được mệnh danh là "soái ca" Bách khoa vì có ngoại hình sáng.

Nhưng với anh, ngoại hình chỉ là một phần rất nhỏ để tạo nên những thành tựu. "Có thể ngoại hình sẽ góp phần khiến mình thuận lợi hơn trong công việc, nhưng đó là một phần nhỏ, rất nhỏ.

Mình nghĩ, để có thể làm chủ công việc của bản thân, điều tiên quyết là cần dành thời gian hoàn thiện các kỹ năng công việc, đam mê với nó, luôn học hỏi và tin tưởng vào các mục tiêu.

Thêm một điểm cộng ở chữ "sáng", đó là sự vui tươi, niềm nở với mọi người sẽ giúp mình có những mối quan hệ khăng khít bền chặt.

Bách khoa có nhiều nhân tài, nhìn quanh đâu cũng thấy người giỏi, nhưng áp lực ấy lại trở thành động lực to lớn để mình học hỏi, cải thiện bản thân.

Đến giờ, nhiều lúc mình cũng muốn cảm ơn những "siêu nhân" ấy đã thúc mình chạy nhanh hơn và bền hơn trong cuộc đua mà biết chắc rằng sẽ không có ai là người chiến thắng", Giang nói.

Lắng nghe và tâm sự với học trò như một người bạn đồng hành

Giang chia sẻ về cơ duyên với nghề giáo: "Mình làm gia sư và đi dạy học từ năm thứ nhất, công việc này giúp mình kiếm thêm thu nhập, nhưng lại là một cơ duyên giúp mình yêu và gắn bó cho tới thời điểm bây giờ.

Từ soái ca Đại học Bách khoa trở thành thầy giáo nổi tiếng mạng xã hội - 2
Điều quan trọng của người giáo viên là niềm đam mê, tâm huyết với những giá trị mình đang tạo dựng và theo đuổi (Ảnh: NVCC).

Trong cuộc sống, ta thường mong chờ một điều gì đó thật đặc biệt, kỳ diệu. Chúng ta chán ghét những sự lặp đi lặp lại đơn điệu quẩn quanh.

Nhưng với mình, mỗi tiết học, mỗi bài giảng, dù là lớp trực tuyến hay lớp trực tiếp đều là một đặc ân mà cuộc sống dành tặng cho những ai làm nghề Nhà giáo.

Nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, mình cũng hằng suy ngẫm về nghề. Mình càng ngày càng nhận ra rằng, điều quan trọng của người giáo viên là niềm đam mê, tâm huyết với những giá trị mình đang tạo dựng và theo đuổi".

Trong quá trình làm nghề, đương nhiên sẽ có rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là với cương vị một người thầy, phải trang bị cho mình những cách để giao tiếp với từng đối tượng học sinh.

Giang cho rằng các bạn trẻ Gen Z luôn thích khẳng định bản thân và có cái tôi cao, nên đôi khi người thầy phải ngồi lại lắng nghe, để thấu hiểu câu chuyện của các em.

"Mình đã từng gặp trường hợp học sinh đặc biệt, có cái tôi cao và cá tính mạnh hơn các bạn đồng trang lứa. Cũng có thể coi là cá biệt. Mỗi học sinh chưa ngoan đều có những câu chuyện không thể nói, các em nổi loạn vì rất nhiều lý do.

Nếu giáo viên có thể đặt mình vào cùng hệ quy chiếu để thấu hiểu, họ cũng sẽ nhận được sự chia sẻ chân thành từ học sinh. Và rồi các em tốt lên từng ngày. Với trường hợp của mình, mình đã tốn nhiều lần rủ cậu học trò "cá biệt" đi trà chanh để tâm sự", Giang nói.

Giang nghĩ, bước ngoặt lớn nhất là thời điểm anh gặp thầy của mình. Một người thầy đặc biệt, đã dạy cho anh biết lắng nghe, sự nguyên tắc, trách nhiệm trong công việc. 

Thầy là người truyền cảm hứng cho anh để theo đuổi nghề giáo viên. Thầy cũng là người đã cảm hóa rất nhiều học trò cá biệt bởi sự ân cần và thấu hiểu. Điều này Giang đã học từ chính thầy của anh.

"Những ai khởi nghiệp trong ngành giáo dục, mình chắc rằng, họ có tình yêu nghề lớn lao"

Hiện tại Trường Giang đang quản lý dự án tại trung tâm trí tuệ nhân tạo, đồng thời là giám đốc một trung tâm luyện thi.

"Thật ra, khởi nghiệp không phải là điều gì to tát. Có những người mất một năm, hai năm hay nhiều năm chỉ để nghĩ có nên làm gì đó, vì cái bóng của hai chữ "khởi nghiệp" nằm ở ngoài vùng an toàn, như thế chẳng phải rất mất thời gian hay sao?

Với mình, tâm thế của một thanh niên trẻ lúc ấy, dù vẫn rất sợ thất bại, nhưng biết chắc rằng được sẽ nhiều hơn mất…

Từ soái ca Đại học Bách khoa trở thành thầy giáo nổi tiếng mạng xã hội - 3

Trường Giang là thầy giáo được học trò yêu mến trên mạng xã hội (Ảnh: NVCC).

Khởi nghiệp luôn là một hành trình đầy biến động. Các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các trung tâm giáo dục đều gặp khó khăn trong suốt những năm qua do đại dịch Covid-19.

"Ở thời điểm đó, học sinh phải chịu áp lực học online (trực tuyến - PV) từ sáng đến tối ở trường, nên các tiết học online tại trung tâm phải thực sự hấp dẫn và lôi cuốn mới có thể đáp ứng kỳ vọng của cả phụ huynh và học sinh. Đó thực sự là một thách thức lớn trong thời gian dài.

Khoảng thời gian khó khăn đó, mình nghĩ mình sẽ dừng lại. Nhưng những ai khởi nghiệp trong ngành giáo dục, mình chắc rằng, họ có tình yêu nghề lớn lao.

Đó là lý do mình vẫn ở đây, tiếp tục đồng hành với các thế hệ học trò, cùng các em vượt qua khoảng thời gian khó khăn và nhìn các em trưởng thành hơn từng ngày", Giang bộc bạch.

Động lực xuất phát từ gia đình, sự tin tưởng của thầy cô, và cả các thế hệ học trò

Đối với Giang, có thể coi nghề giáo là nghề có mục tiêu bền vững nhất. Anh luôn cố gắng để trở thành một người thầy tận tâm với học trò của mình.

"Về kế hoạch sắp tới, với sự đa dạng và biến hóa trong cách ra đề ở các môn thi, mình tin là các em cần có chiến lược học tập thật đúng đắn và kế hoạch đăng ký nguyện vọng thật tỉ mỉ, đặc biệt là đăng ký vào các trường top đầu.

Ngoài việc bổ sung cho học sinh các kiến thức và phương pháp làm nhanh, mình cũng sẽ luôn giúp các em có phương pháp quản lý thời gian học tập tốt nhất và định hướng ngành nghề trong tương lai.

Đó là sứ mệnh của những người làm nghề giáo", Giang nói.

Từ soái ca Đại học Bách khoa trở thành thầy giáo nổi tiếng mạng xã hội - 4

"Động lực lớn để có được ngày hôm nay chính là gia đình, sự tin tưởng của thầy cô, và cả các thế hệ học trò" (Ảnh: NVCC).

"Giáo viên không xuất hiện trong lớp học chỉ để làm việc mà còn xuất hiện vì những đứa trẻ.

Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, mình được nhiều hơn học sinh khắp cả nước biết tới; được lắng nghe các em chia sẻ những câu chuyện đời thường, những câu hỏi "khoai" về các bài toán hóc búa, và đặc biệt hạnh phúc khi thấy các em đạt kết quả cao và ngày càng trưởng thành để viết tiếp ước mơ đang dang dở. Đó thực sự là động lực lớn lao!

Mình chưa thể gọi là thành công, nhưng động lực lớn để có được bản thân mình ngày hôm nay chính là gia đình, sự tin tưởng của thầy cô, và cả các thế hệ học trò. Họ là một phần trong bức tranh thường nhật mà mình đang vẽ.

Mình biết rằng, cha mẹ nào cũng luôn đặt kỳ vọng vào những đứa con, có chăng sự khác nhau là ở mức độ của sự kỳ vọng.

Mình không lấy sự kỳ vọng của gia đình làm áp lực, bởi với mỗi thành tựu nhỏ mình đã đạt được hay trải qua, mình đều thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc của những người thân yêu, và đó là động lực to lớn để mình tự tin bước về phía trước", Giang nói thêm.